Nhận diện những khó khăn
Việc vượt qua các trở ngại là một đột phá lớn của tỉnh. Trước đây, các hội, đoàn thường phát động phong trào mua thẻ BHYT tặng bà, tặng mẹ, tặng những người thân yêu… Sự chia sẻ đầy nhân văn đó bên cạnh điều hay, nhưng đã tạo sự ỷ lại cho nhiều cá nhân trong cộng đồng. Khi chuyển sang mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, không ít người gặp khó khăn do phải đóng số tiền khá lớn để các thành viên trong gia đình đều có thẻ. Có người “buông tay” khi chẳng thể nào xoay xở 3 - 4 triệu đồng để đóng cho cả nhà 7 - 8 người.
Bà Đặng Thị Ngọc Phượng, Đại lý thu BHYT phường Thuận Hòa (TP. Huế), cho biết: “Hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 95% nhưng nhiều người vẫn không tham gia BHYT. Do ý thức ỷ lại và hoàn cảnh khó khăn, đông con nên đối tượng này chưa mặn mà tham gia. Chủ trương của chính quyền địa phương vẫn là trích ngân sách để mua thẻ BHYT cho tất cả hộ cận nghèo trên địa bàn”.
Ông Võ Khánh Bình, Giám đốc BHXH tỉnh nói: “BHXH tỉnh đã chủ động đề ra một loạt giải pháp đồng bộ cho việc phát triển tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Chú trọng tham mưu lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị trong nghị quyết hàng năm, HĐND các cấp đưa chỉ tiêu phát triển BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. BHXH tỉnh xác định việc tuyên truyền đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Tuyên truyền phải thuyết phục cho người tham gia thấy rằng, chất lượng khám, chữa bệnh đã được nâng lên một bước, đồng thời nâng cao vị trí vai trò của người có thẻ BHYT. Tại các cơ sở khám và chữa bệnh, ngoài chất lượng phục vụ được nâng cao, việc điều chỉnh ngay từ thái độ phục vụ, tiếp đón bệnh nhân là rất quan trọng, để người dân cảm thấy được phục vụ, hài lòng hơn. Công tác phối hợp các sở, ban, ngành phải được đẩy mạnh. BHXH tỉnh cũng đặc biệt chú trọng phát triển đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với hệ thống rộng khắp, bao phủ 152 xã phường với 154 đại lý…”.
Thực tế sinh động
Giá 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh, vai trò thẻ BHYT trở nên quan trọng và cần thiết với người dân. Điều này tác động đến gần 5% số dân (50.000 người) chưa tham gia BHYT. Người chưa có thẻ BHYT chủ yếu rơi vào số lao động phổ thông, chủ quan khi có sức khỏe. So với khung viện phí hiện hành, nếu tự chi trả thì người dân có mức thu nhập trung bình chắc chắn gặp khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính điều trị lâu dài.
Việc vận động toàn dân tham gia BHYT là rất sinh động. Có rất nhiều cách làm hay đã xuất hiện từ TP. Huế cho đến nông thôn. Cách làm của Hội Liên hiệp phụ nữ là ví dụ điển hình trong việc hiện thực hóa phong trào vận động toàn dân tham gia đóng BHYT. Có chi hội phụ nữ cho hội viên mượn 50% số tiền mua thẻ BHYT hoặc trích quỹ hội cho hội viện mượn. Ở TP. Huế, Hội LHPN phường Thủy Biều tín chấp với quỹ “Khuyến khích tự lập” tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để mua thẻ BHYT. Ở các vùng nông thôn, chị em cho nhau mượn lúa, đậu xanh… bán đi để mua thẻ BHYT. Có chị đặt heo đất tại nhà, có chị lại để ở các chi hội, quanh năm suốt tháng cho “heo ăn” từ 2.000 đồng - 5.000 đồng/ngày.
Mạng lưới đại lý thu rộng khắp ở các xã, phường, thị trấn cũng đóng góp khá lớn. Họ sẵn sàng tạo điều kiện để gia đình đông con mua thẻ BHYT 3 tháng - 6 tháng/lần. Chị Giáp Thị Liễu, nhân viên đại lý thu ở xã Phong Sơn (Phong Điền), trải lòng: “Chúng tôi luôn có danh sách những hộ gia đình chưa tham gia BHYT để đến vận động cho bằng được. Tôi dẫn chứng những trường hợp cụ thể không có thẻ BHYT nên phải bán đất, cầm nhà… chữa bệnh; từ đó, người dân có ý thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.
Vấn đề hiện nay là cần khắc phục ngay những hạn chế trong khám chữa bệnh BHYT, nhất là tinh thần phục vụ. Với sự nỗ lực như hiện nay, tỷ lệ bao phủ trên 98% vào cuối năm 2020 là rất có khả thi.
Huế Thu