Khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT
Ở chợ Cầu Đất, phường Thuận Hòa (TP. Huế) hầu như ai cũng có thẻ BHYT. Đối với hộ buôn bán nhỏ, bỏ ra từ 2 đến 3 triệu đồng để mua thẻ BHYT cho gia đình đông người là rất khó khăn. Giúp người dân có thẻ BHXH, phòng khi gia đình có người bệnh nặng, chị Đoàn Thị Phong Lan, cán bộ thu thuế của chợ đã nghĩ ra cách, cho nhiều chị em mượn tiền mua thẻ BHYT theo kiểu “trả góp”, mỗi ngày thu từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng.“Mất công một tý, vất vả một tý nhưng nhờ vậy, 100% tiểu thương ở chợ Cầu Đất mới có thẻ BHYT, chị Phong Lan chia sẻ.
Cách làm ở chợ Cầu Đất được nhân rộng ở nhiều nơi từ thành phố đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ở các vùng nông thôn, cách thức mua thẻ BHYT phong phú hơn. Mọi người hưởng ứng tích cực, nhất là lao động làm phụ thợ nề, bán vé số, buôn bán nhỏ…Có chị đặt heo đất tại nhà, có chị lại để ở các chi hội, tiết kiệm từ 2.000 đến 5.000đ/ngày. Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cũng đặc biệt chú trọng phát triển đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với hệ thống rộng khắp, bao phủ 152 xã phường với 154 đại lý…, tạo điều kiện để gia đình đông con mua thẻ BHYT 3 tháng - 6 tháng/lần.
Với nhiều cải tiến hướng đến quyền lợi của bệnh nhân, thẻ BHYT giúp người bệnh được đảm bảo điều trị, nhất là những trường hợp có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Đặc biệt, theo luật BHYT mới, người cận nghèo sẽ được thanh toán đến 95% viện phí thay vì chỉ 80% so với các năm trước nên sẽ bớt đi gánh nặng bệnh tật rất nhiều nếu có thẻ BHYT... Hiện nay hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả. Trong tháng 3/2018, một bệnh nhân trong tỉnh bị hẹp hở van 2 lá, hẹp van động mạch chủ, điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế đã được chi trả gần 1 tỷ đồng…
Về chất lượng dịch vụ y tế, hiện hệ thống khám chữa bệnh đã phủ đến 192 cơ sở trong toàn tỉnh; mở rộng sang cả khu vực công lập và tư nhân. Thừa Thiên Huế có bệnh viện T.Ư đóng trên địa bàn với nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ghi nhận nên người dân yên tâm khi chữa bệnh.
Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH, cho biết: Tỉnh đang tập trung nâng cao chất lượng, củng cố hệ thống y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh; tiếp tục duy trì ở tuyến xã có 100% bác sĩ, đầu tư các trang thiết bị cơ bản, giải quyết khoảng 50% tổng số bệnh nhân khám chữa bệnh trong toàn tỉnh.
BHXH tỉnh chủ động đề ra giải pháp đồng bộ để phát triển tỷ lệ người dân tham gia BHYT; trong đó, chú trọng hàng đầu công tác tuyên truyền tại các cơ sở khám và chữa bệnh, điều chỉnh thái độ phục vụ, tiếp đón bệnh nhân của đội ngũ nhân viên y tế, để người dân an tâm, hài lòng về dịch vụ; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT đặc biệt tại các cơ sở y tế có chi phí tăng cao. Công tác liên thông dữ liệu vào hệ thống thông tin giám định BHYT được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT vẫn ở mức cao so với toàn quốc, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh quyết toán vẫn chưa đạt yêu cầu. Một số đơn vị gửi hồ sơ dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT lên phần mềm giám định BHYT chưa kịp thời, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc giám định và thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Lộ trình khám chữa bệnh BHYT toàn dân đặt ra nhiều thách thức. Cần có sự đồng lòng giữa địa phương và cơ quan hữu quan để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phấn đấu BHYT toàn dân đạt tỷ lệ bao phủ trên 98% trong giai đoạn 2016 - 2020.
Bài, ảnh: An Nhiên