Nhà thuốc chứng nhận GPP ở Huế đã kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia
"Có cung ắt có cầu"
Mới đây một bệnh nhân nữ ở Phú Mậu, Phú Vang sau một đêm ngủ dậy cánh tay phải bị sưng tấy, đau nhức đã tự mua thuốc về điều trị tại nhà. Gần một tuần sau, vị trí sưng đau ở cánh tay không đỡ mà còn bong mủ lan rộng nhầy nhụa. Bệnh nhân được người thân đưa đến BV Phong Da liễu tỉnh được các bác sĩ theo dõi, chẩn đoán do dính chất pederin - một độc tố do kiến ba khoang tiết ra. Tuy nhiên, do điều trị không biết nguyên nhân nên để bong mủ mụn, đau nhức kéo dài. Khi bác sĩ cho bệnh nhân điều trị kháng sinh kết hợp giảm đau thì chỉ 3 ngày sau, những vết bong mụn mủ ấy khô dần và không còn đau nhức.
Một nhân viên Khoa Dược, BV đa khoa huyện Phú Vang chia sẻ, tình trạng bán thuốc lẻ, bán thuốc không đơn là câu chuyện không mới và không riêng ở Thừa Thiên Huế. Người dân khi bị các bệnh nhẹ thường tự đến các nhà thuốc để mua thuốc uống chứ không đi khám bệnh, không được bác sĩ kê đơn thuốc. Có những trường hợp bệnh không phải nhiễm trùng, không phải sử dụng thuốc kháng sinh nhưng nhân viên nhà thuốc vẫn bán thuốc kháng sinh cho người dân. "Có cung thì có cầu. Chính ý thức người mua làm cho người bán thuốc lạm dụng thuốc kháng sinh khiến tình trạng kháng kháng sinh hiện trở nên báo động". Nhân viên này nói thực tế.
Trao đổi chuyện "có cung ắt có cầu" trên, thạc sĩ, dược sĩ Võ Đức Bảo, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế cho rằng, theo chỉ đạo của Bộ Y tế nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, hiện Thừa Thiên Huế tuyên truyền vận động các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn ứng dụng công nghệ thông tin kết nối, liên thông với hệ thống dữ liệu dược quốc gia. Hoạt động này nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập, hạn sử dụng, bán thuốc theo đơn.
Theo ghi nhận của chúng tôi ở một số nhà thuốc đã kết nối công nghệ thông tin vào hệ thống dữ liệu dược quốc gia, để thực hiện nghiêm túc việc bán thuốc theo đơn còn bất cập, hay nói đúng hơn là điều không dễ. Chủ một quầy thuốc ở đường Nguyễn Trãi, TP. Huế chia sẻ, người đi mua thuốc chủ yếu là bệnh nhẹ, như nhức đầu, cảm cúm, sổ mũi… nên không có toa thuốc. Ngoài ra, trong phần mềm kết nối công nghệ thông tin có một giao diện để bán thuốc theo đơn, nhưng đơn thuốc lại chưa được đưa lên hệ thống dược quốc gia. Do đó, có những đơn thuốc khi người dân mang đến nhà thuốc để mua thuốc, người bán thuốc phải gõ lại tên thuốc, mã vạch để nhập lên hệ thống rồi mới bán thuốc. Điều đó tốn nhiều thời gian của khách hàng và nhà thuốc.
Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra
Theo ông Lê Viết Bắc, Phó Giám đốc Sở Y tế, không thể ngày một, ngày hai có thể thay đổi được nhận thức và thói quen mua, bán thuốc không theo đơn của người dân và người bán thuốc. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được.
Sở Y tế đang triển khai đề án "Tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020". Trước hết, Sở Y tế tiến hành phát phiếu điều tra khảo sát nhận thức của người kê đơn thuốc, hoạt động kê đơn thuốc ở các cơ sở y tế trong, ngoài công lập; đồng thời, triển khai tập huấn, khảo sát nhận thức của hơn 300 nhân viên bán lẻ thuốc về quy định của pháp luật liên quan đến bán thuốc kê đơn cho các nhà thuốc, quầy thuốc ở địa phương. Giai đoạn tiếp theo là tập huấn đối với các bác sĩ ở địa phương, nội dung chung quanh việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại việc sử dụng thuốc không có đơn bác sĩ. Các phòng chức năng, nghiệp vụ, Sở Y tế sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở bán lẻ thuốc để đánh giá các giai đoạn thực hiện đề án... Mục tiêu hướng đến năm 2020, 100% thuốc kháng sinh khi bán ra tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong tỉnh phải có đơn thuốc.
Quy định chung của Bộ Y tế đầu năm 2020, tất cả các nhà thuốc, quầy thuốc trong tỉnh phải kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Để đạt mục tiêu này, Sở Y tế đã ra văn bản quy định tất cả các cơ sở bán lẻ thuốc mở mới và cơ sở tái kiểm tra GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc) để cấp lại giấy chứng nhận GPP phải kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Đến thời điểm này, trên địa bàn đã có 239/317 nhà thuốc kết nối liên thông. Số còn lại đã được Sở Y tế vận động tiến hành kết nối phù hợp với điều kiện của cơ sở.
"Cách kết nối đơn giản, sau khi các nhà thuốc, quầy thuốc đã thống nhất được phần mềm chỉ cần gửi mail đến Sở Y tế sẽ nhận tài khoản để liên thông lên hệ thống. Quá trình thực hiện, nếu nhà thuốc, quầy thuốc thay đổi nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hay chuyển địa điểm kinh doanh thuốc, Sở Y tế sẽ hướng dẫn cụ thể để các cơ sở thực hiện phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của cơ sở”. Đại diện Phòng nghiệp vụ dược, Sở Y tế nói.
Thừa Thiên Huế hiện có 732 cơ sở bán thuốc lẻ; trong đó có 317 nhà thuốc và 415 quầy thuốc. Sau ngày 1/1/2020, quầy thuốc, nhà thuốc trên địa bàn tỉnh chưa kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia, Sở Y tế sẽ thông báo, tùy theo tình hình có thể gia hạn cho các đơn vị. Sau đó, sở sẽ tiến hành kiểm tra, nếu cơ sở nào vẫn chưa thực hiện kết nối công nghệ thông tin sẽ thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của cơ sở đó.
Bài, ảnh: Minh Trường