ClockChủ Nhật, 10/07/2016 14:38

Sẽ đấu thầu tập trung mua thuốc cho bảo hiểm y tế

Ngày 1-7 vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT). Phương thức mua sắm mới này đang được kỳ vọng không những mang lại sự chủ động cho Quỹ BHYT mà còn đem lại lợi ích cho người dân.

Nguy cơ thiếu bền vững

Theo Cục Quản lý công sản – Bộ Tài chính, nhìn vào thực tế việc mua sắm thuốc dùng cho BHYT hiện nay có thể nhận thấy khá nhiều bất cập. Trong đó, bất cập rõ ràng nhất chính là việc BHXH Việt Nam là cơ quan thanh toán các khoản chi phí khám chữa bệnh nhưng lại không được tham gia vào quá trình mua sắm thuốc cũng như vật tư y tế. Điều này mang sự thụ động đến cho Quỹ BHYT, gây nguy cơ cũng như tác động dẫn đến tính bền vững của Quỹ này. Đồng thời, việc BHXH Việt Nam không được tham gia vào quá trình kiểm soát chi phí còn khiến cho cơ chế kiểm soát chéo của các cơ quan quản lý không được xác lập.

Kiểm soát tốt giá thuốc sẽ nâng cao hiệu quả của khoản chi phí lớn nhất trong cơ cấu thanh toán BHYT.

Một bất cập nữa cũng được các cơ quan quản lý nhận thấy là xu thế sử dụng thuốc ngoại trong cơ cấu thanh toán BHYT. Việc bác sỹ kê đơn thuốc ngoại có xu hướng tăng lên, trong khi thuốc nội có cùng hàm lượng thực tế thanh toán lại giảm đi làm ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất cung ứng thuốc nội và không thúc đẩy được sản xuất trong nước. Việc lựa chọn thuốc cũng theo xu thế hướng tới các hãng cung cấp ít có sức cạnh tranh thay vì phải chọn các loại thuốc có nhiều nhà cung cấp, giá cả hợp lý hơn. Điều này không những không thúc đẩy tính cạnh tranh giữa các nhà cung cấp mà còn không tuân thủ theo nguyên lý của phát triển thị trường.

Một tồn tại khác lại nằm ở hoạt động mua sắm thuốc. Hiện nay, hoạt động này được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá. Với Thông tư này, có 5 loại hoạt chất được mua sắm tập trung cấp quốc gia do Bộ Y tế trực tiếp tổ chức đấu thầu; 106 loại hoạt chất được mua sắm tập trung cấp địa phương do Sở Y tế, chính quyền địa phương cấp tỉnh đấu thầu; 8 loại hoạt chất được mua theo phương thức đàm phán giá với các công ty dược và khoảng 800 loại hoạt chất còn lại do các cơ sở y tế tự mua. Tuy có hiệu lực từ 1-7-2016, song đến nay, việc thực hiện Thông tư số 09 vẫn chưa được toàn diện.

Thực tế, việc mua sắm tập trung đối với 5 hoạt chất do Bộ Y tế đấu thầu vẫn chưa được triển khai và trong thời gian này, nếu các cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc có chứa các hoạt chất đó thì vẫn phải tự quyết mua. Hoạt động mua sắm tập trung ở cấp tỉnh đã được triển khai và đem lại một số tác động tích cực nhất định nhưng chưa thực hiện được với toàn bộ 106 hoạt chất nêu trong quy định. Điều đó dẫn đến số lượng hoạt chất từ Danh mục mua sắm tập trung “rơi” xuống Danh mục các cơ sở y tế tự mua khá lớn. Khi nhiều chủ thể cùng tham gia mua sẽ khiến khó kiểm soát tính minh bạch công khai của hoạt động mua sắm, dẫn đến tình trạng chênh lệch khá lớn trong giá mua cùng một loại thuốc, không phản ánh đúng thực tế thị trường. Hệ quả tất yếu của tình trạng đó là chi phí khám chữa bệnh tăng cao, phương hại đến tính bền vững của Quỹ BHYT.

Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Để khắc phục những tồn tại nói trên, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xây dựng Đề án đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực BHYT. Đề án này đã được trình Chính phủ và nhận được nhất trí cao tại phiên họp thường kỳ tháng 6 tổ chức ngày 1-7 vừa qua.

Chia sẻ về cơ chế mua sắm thuốc được nêu ra trong Đề án, ông La Văn Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết: Nếu như theo phương pháp truyền thống, ngành Y tế sẽ là đơn vị mua thuốc chung, còn theo Đề án này, BHXH Việt Nam sẽ đứng ra đấu thầu một số loại thuốc phổ biến thường dùng trong thanh toán BHYT. Theo lộ trình, BHXH Việt Nam xây dựng và đề xuất Danh mục các loại thuốc đăng ký mua gửi sang Bộ Tài chính để thống nhất. Sau đó, căn cứ vào đề xuất này, Bộ Y tế sẽ ban hành Danh mục theo quy định của pháp luật đấu thầu. Danh mục đó sẽ chính là những loại thuốc mà BHXH Việt Nam thực hiện mua sắm trên toàn quốc để sử dụng trong thanh toán BHYT cho đối tượng tham gia bảo hiểm. Trong Đề án, BHXH Việt Nam cũng đã đề xuất 14 loại hoạt chất gốc và thuốc chữa HIV – loại thuốc Việt Nam sẽ không còn dược nhận viện trợ từ nước ngoài vào năm 2017 tới. Theo kế hoạch phấn đấu, các cơ sở y tế trên cả nước sẽ bắt đầu nhận thuốc được mua của các nhà cung cấp trúng thầu theo phương án này và đưa vào sử dụng từ 1-1-2017.

Cũng theo ông Thịnh, việc mua sắm thuốc tập trung dùng cho BHYT đã được thí điểm tại TP.HCM trong giai đoạn 2014-2015. Thực tế, việc thí điểm đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ như giá thuốc tham gia thí điểm giảm 25-30% so với cách mua sắm truyền thống, từ đó tiết kiệm được khoảng 1.370 tỷ đồng trong năm 2015. Trong cơ cấu hóa đơn thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, tiền thuốc chiếm đến 60%. Do đó, việc kiểm soát tốt giá thuốc sẽ làm nâng cao hiệu quả của khoản chi phí lớn nhất trong cơ cấu thanh toán.

Đặc biệt, nhìn xa hơn, việc kiểm soát giá thuốc dùng trong BHYT không chỉ tiết kiệm cho Quỹ BHYT một khoản chi lớn, giúp cơ quan quản lý chủ động hơn mà còn giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước và hỗ trợ mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT đến với người dân của Chính phủ, thúc đẩy an sinh xã hội nhất là với người có mức thu nhập thấp. “Thay vì ngân sách Nhà nước phải bỏ tiền ra mua BHYT cho người nghèo thì việc áp dụng phương pháp này sẽ tiết kiệm được tiền và BHXH Việt Nam sẽ lấy số tiền đó cấp thêm BHYT cho các đối tượng đó” – ông Thịnh nói.

Hay nói một cách khác, việc mua sắm tập trung thuốc sử dụng trong thanh toán BHYT sẽ mang lại một tác động “kép”, vừa thay đổi quan hệ của thị trường thuốc, thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực này, vừa góp phần đẩy nhanh lộ trình “BHYT toàn dân” của Chính phủ.

Theo Báo Hải Quan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Ngày 23/12, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn công tác y tế trường học, Bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2024-2025.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh
Triển khai các giải pháp thực hiện chính sách bảo hiểm

Chiều 26/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2024. UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị.

Triển khai các giải pháp thực hiện chính sách bảo hiểm
Ưu tiên chuyển đổi số ngành Y tế trên ba lĩnh vực

Chiều 19/7, tại huyện Phong Điền, Sở Y tế tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024. Tham dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng lãnh đạo các huyện, thị, thành phố, các bệnh viện và trung tâm y tế trực thuộc Sở.

Ưu tiên chuyển đổi số ngành Y tế trên ba lĩnh vực
Lợi ích từ “tấm bùa hộ mệnh”

Bảo hiểm Y tế (BHYT) là một chính sách xã hội nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, là “tấm bùa hộ mệnh” của người dân trong những lúc ốm đau, bệnh tật. Nhờ vào chính sách BHYT mà hàng triệu người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn khi điều trị, đồng thời giảm chi phí và gánh nặng kinh tế trong gia đình.

Lợi ích từ “tấm bùa hộ mệnh”
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, sáng 16/4 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong nước nhằm đánh giá những kết đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top