ClockThứ Sáu, 14/07/2023 06:16

Sức khỏe tiến triển tốt, bệnh nhân ghép tim đang phục hồi dần

TTH - Trong hơn 30 người chờ ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế, may mắn đã đến với anh T.V.G. (SN 1992, Thừa Thiên Huế). 7 ngày sau ghép, bệnh nhân đã có thể ăn uống, đi lại, sinh hoạt như người bình thường.

Ca ghép tim thành công đầu năm mớiBệnh nhân thứ 7 được ghép tim xuất việnBệnh nhân hồi phục sức khỏe sau ca ghép tim thần tốc

leftcenterrightdel
Bệnh nhân được hướng dẫn tập thở sâu cùng thiết bị hỗ trợ 

Hoàn toàn bất ngờ khi nhận được tin sẽ được ghép tim, cả gia đình đưa anh T.V.G vào viện và cầu mong cho mọi sự thuận buồm xuôi gió. Thế rồi tất cả đều diễn ra tốt đẹp. Ngày 7/7, khi tỉnh dậy, anh G. thấy người nhẹ nhõm, cảm nhận cơ thể mình như có một nguồn năng lượng tươi mới.

Tại phòng chăm sóc đặc biệt ghép tim - phổi Khoa Gây mê Hồi sức tim mạch (GMHSTM), Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, điều dưỡng hướng dẫn cho anh G. thở sâu sau ghép tim bằng một thiết bị hỗ trợ. Tiếp đó, anh G. có thể tự mình pha nước uống, tập vận động chân…

Nhật ký theo dõi bệnh nhân cho thấy: Một ngày sau ghép tim, anh G. đã rút nội khí quản, tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số huyết động và sinh hóa ổn định, chức năng tim tốt… Sau đó, anh được giảm dần các thuốc trợ tim vận mạch, rút catheter Swan-Ganz và dẫn lưu ngực, bệnh nhân có thể vận động nhẹ tại giường và tự ăn uống được theo chế độ của người ghép tạng. Sau mổ 4 ngày, anh T.V.G. sinh hoạt như người bình thường. Sáng 13/7, bệnh nhân đã được tháo các thiết bị hỗ trợ, tự mình đi lại trong phòng và tập các bài vận động nhẹ nhàng.

Theo các bác sĩ điều trị, với diễn tiến sức khỏe thuận lợi như trên, tiên lượng tuần sau, bệnh nhân ghép tim thứ 10 này có thể xuất viện.

leftcenterrightdel
 BSCK II Đặng Thế Uyên kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân sau ghép tim

Anh T.V.G trò chuyện một cách từ tốn: “Tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn. Các bác sĩ kể rằng nhiều người dân cả nước theo dõi và cầu chúc cho ca ghép này. Cảm ơn nghĩa cử gia đình và người hiến tặng tim; Cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực chạy đua thời gian thực hiện phẫu thuật để tôi có cơ hội hồi sinh”!

Cách đây 13 năm, anh G. được chẩn đoán bệnh cơ tim giãn - Suy tim EF giảm nặng. Là người đàn ông trụ cột trong gia đình, cũng với quãng thời gian ấy, anh G. không thể vận động mạnh hoặc làm các công việc lao động như người bình thường. Anh G. nhớ lại: “13 năm qua là chuỗi ngày dài vào bệnh viện thường xuyên. Hễ sức khỏe có dấu hiệu bất ổn, cả nhà đều lo lắng phập phồng”.

Theo Trung tâm Ghép tạng BVTW Huế, lần gần nhất bệnh nhân T.V.G. vào viện khoảng 4/2023. Anh G. được đưa vào “Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim” và được điều trị nội khoa tối ưu theo hướng dẫn điều trị suy tim của Bộ Y tế và các Hiệp hội chuyên ngành tim mạch trong nước, thế giới. Trong thời gian nội trú, bệnh nhân có đáp ứng điều trị, triệu chứng có thuyên giảm và được ra viện ngày 08/5/2023.

Sau khi ra viện, anh G. được theo dõi điều trị ngoại trú thường xuyên theo chương trình quản lý. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có các triệu chứng khó thở, không có khả năng gắng sức… Trong quá trình điều trị, bệnh nhân thường xuất hiện những cơn suy tim nặng lên, chức năng tim vẫn không cải thiện nên có chỉ định ghép tim và được đưa vào chương trình “chờ ghép tim”.

Nhận được tin của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG). Đúng 17h30, ngày 6/7 ca mổ lấy tạng tại Hà Nội bắt đầu. 19h20, quả tim được lấy ra khỏi lồng ngực; 19h27 phút, trái tim lên xe ra sân bay. Tim về đến phòng mổ lúc 21h50. Tim hiến đập lại ngay trên cơ thể người nhận lúc 23h39 phút cùng ngày. 4 tiếng 19 phút là một cuộc “chạy đua” thần tốc trong hành trình chung tay tiếp nối sự sống của đội ngũ y bác sĩ BVTW Huế.

BSCK II Đặng Thế Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức tim mạch BVTW Huế cho hay: “Ca bệnh này đặc biệt hơn các ca bệnh khác bởi tình trạng suy tim và tình trạng tăng áp phổi nặng. Sau hồi sức, nhờ áp dụng nhiều biện pháp, đặc biệt là gói hồi phục sớm sau phẫu thuật tim nên hiện tại các chức năng gan, thận, phổi gần như đã phục hồi hoàn toàn. Sau ghép, bệnh nhân phải tuân thủ các phác đồ điều trị ức chế miễn dịch, ngoại khoa, dinh dưỡng… cùng chương trình phục hồi sức khỏe nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống ổn định”.

Trong ghép tạng, khó khăn hiện nay vẫn là nguồn tạng từ người hiến chết não. Bên cạnh đó, hành trình di chuyển hiến - nhận phải lệ thuộc các chuyến bay cố định. Nhờ sự hợp tác từ các bệnh viện, TTĐPGTQG, các hãng bay VietNam Airlines, Bamboo Airways kéo dài thời gian bay để tiếp nhận tạng, vận chuyển tạng kịp thời.

Ghép tạng là một thành tựu vĩ đại của y học. Tại Việt Nam, ba trung tâm y tế lớn Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh tiếp cận được kỹ thuật ghép tạng thế giới, triển khai sớm các ca ghép tim, gan, thận, giác mạc… Điều này thể hiện sự lớn mạnh của kỹ thuật ghép tạng theo thời gian. GS.TS.BS Phạm Như Hiệp – Giám đốc BVTW Huế khẳng định: “Đến nay, BVTW Huế đã thực hiện hơn 1.500 trường hợp ghép tạng bộ ba tim-gan-thận, giác mạc. Số lượng ca ghép tim xuyên Việt của BVTW Huế hiện đứng đầu cả nước. Trong quá trình xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu, trở thành trung tâm y học cao cấp, ghép tạng là lĩnh vực không thể thiếu đối với BVTW Huế”!

Theo các chuyên gia, sau khi ghép tim, từ 6 - 8 tuần sau ghép, người bệnh có thể trở về cuộc sống gần như bình thường tùy vào tình trạng bệnh lý trước ghép, thời gian hồi phục, biến chứng sau mổ... Từ 1 - 2 tháng đầu, bệnh nhân cần được theo dõi sát tại các trung tâm ghép tạng và giáo dục các chương trình phục hồi chức năng. Phần lớn, bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường sau ghép 3 - 6 tháng.
Bài, ảnh: TUỆ NINH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Ngày 23/12, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn công tác y tế trường học, Bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2024-2025.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh
ĐẠI HỘI TIM MẠCH TOÀN QUỐC LẦN THỨ 19:
“Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Con đường bước ra thế giới”

Diễn ra trong các ngày từ 13 đến 15/12, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 19 có chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới” do Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức. Đây không chỉ là dịp để các nhà khoa học chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, mà còn là cơ hội cập nhật các tiến bộ kỹ thuật và giải pháp mới nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao chất lượng sống của người dân.

“Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Con đường bước ra thế giới”

TIN MỚI

Return to top