Ca phẫu thuật tái tạo vú sau ung thư bằng kỹ thuật vi phẫu đầu tiên tại BV Quốc tế Trung ương Huế
Lấy lại tự tin cho phụ nữ tuổi 35
Cách đây chừng 2 tháng, chị A., TP. Huế mất ăn, mất ngủ khi phát hiện mắc ung thư vú. Chị A. từng đi điều trị nhiều nơi, đồng thời tìm hiểu khi ra nước ngoài điều trị căn bệnh này chi phí lên 600-700 triệu đồng. Trong lúc đang suy tính, A. được bạn bè mách bảo đến BV Quốc tế Trung ương Huế điều trị. Tại đây, các bác sĩ xác định, để chữa triệt để là phải cắt bỏ bên ngực đã bị ung thư. Nghe thế, A. hoang mang bởi mới 35 tuổi lại làm nghề tiếp xúc với công chúng. Khi nghe bác sĩ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị, tái tạo vú tức thì bằng kỹ thuật vi phẫu nhằm giữ lại ngoại hình đẹp như ban đầu, dẫu rất mừng nhưng chị vẫn chưa yên tâm vì từ trước đến nay chưa có trường hợp nào được các bác sĩ BV Quốc tế Trung ương Huế thực hiện. Đắn đo mãi, song chị A. vẫn quyết tâm thực hiện.
Ngày 18/4 vừa qua, ca phẫu thuật của A. được tiến hành với hai kíp bác sĩ. Kíp 1 là các bác sĩ tiến hành cắt bỏ phần ngực bị ung thư và nạo vét hết phần hạch. Sau khi sinh thiết tại vết mổ xác định đã cắt hết phần bị bệnh; kíp 2 do các bác sĩ phẫu thuật tạo hình tại BV Quốc tế Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật tái tạo vú tức thì.
Công việc đầu tiên của kíp mổ 2 là tìm động mạch để có nguồn máu nuôi vạt da sẽ ghép. Để có "nguyên liệu" tái tạo phần vú bị cắt, các bác sĩ sử dụng vạt mạch xuyên thượng vị dưới (DIEP) lấy da vùng bụng của bệnh nhân sau đó chuyển lên ngực và khâu nối bó mạch máu để nuôi dưỡng bằng kính hiển vi vi phẫu. Nhờ lấy da mỡ phần bụng bằng vạt vi phẫu nên các bác sĩ thuận lợi trong tạo hình lại vú mới và giúp ngực mới đẹp tự nhiên hơn so với các phương pháp khác trước đây. Ca phẫu thuật diễn ra trong 10 giờ đồng hồ và chỉ sau 3 ngày phẫu thuật, chị A. có thể xuất hiện. Cùng với trường hợp chị A, trước đó một ngày, kỹ thuật này cũng được tiến hành phẫu thuật cho chị T.
Theo TS. Lê Thừa Trung Hậu, Phó Giám đốc BV Quốc tế Trung ương Huế, ông và đồng nghiệp tự tin tiến hành hai ca phẫu thuật này là có sự hỗ trợ của chuyên gia đến từ Hội phẫu thuật tạo hình vi phẫu Hoa Kỳ (American Society of Reconstructive Microsurgery). Đây là một kỹ thuật tiên tiến hiện đang triển khai ở nhiều nước trên thế giới.
Đem lại niềm vui cho bệnh nhân
Theo một nghiên cứu mới đây của các bác sĩ chuyên khoa ung thư, ung thư vú là loại phổ biến hiện nay ở phụ nữ. Phần lớn ung thư vú xảy ra ở độ tuổi 35 - 45, tuy vậy có những trường hợp từ 20- 30 tuổi cũng có thể mắc bệnh và càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị ung thư vú. Nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi bệnh lên đến hơn 80%.
TS. Hậu cho biết, qua nhiều năm theo lĩnh vực phẫu thuật tạo hình, từng tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân nên hiểu tâm lý những phụ nữ không may gặp căn bệnh hiểm nghèo. Trước đây, BV Quốc tế Trung ương Huế triển khai việc tái tạo vú sau ung thư nhưng theo phương pháp lấy da vùng bụng có cuống mạch nuôi, "sản phẩm" tuy đem lại tự tin cho bệnh nhân nhưng lại hy sinh một phần cơ và cân thành bụng.
Hiện nay, kỹ thuật tạo hình vú bằng vạt DIEP là phương pháp đang được áp dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới. Vì vạt da bụng dưới có khối lượng lớn, mềm mại tương tự tổ chức vú lành, mà sắc da phù hợp với nơi nhận, có hệ thống mạch xuyên nuôi da có đường kính lớn. Đặc biệt khi lấy vạt da ở đây, các cấu trúc thành bụng như cân, cơ thẳng bụng được bảo tồn nên không làm ảnh hưởng đáng kể đến chức năng của thành bụng, do đó giảm tối đa biến chứng sau phẫu thuật.
Không những thế, việc lấy vạt da mỡ thành bụng dưới còn giúp làm thẩm mỹ cho những người bị dãn da do "béo bụng". Bệnh nhân không chỉ có bộ ngực đầy đặn như cũ mà còn có cả "eo thon".
Việc tạo hình đồng thời với việc cắt bỏ khối u vú sẽ cho phép bác sĩ xác định đúng điểm không có tế bào ung thư để ghép vạt tổ chức mới trong quá trình sinh thiết. Nhờ đó, bệnh nhân không phải tái khám và làm xét nghiệm nhiều lần như các trường hợp tạo hình sau khi cắt bỏ.
Hiện nay, việc phẫu thuật ung thư vú bằng phương pháp vi phẫu tạo hình sẽ tiến hành thường quy ở BV Quốc tế Trung ương Huế.
Bài, ảnh: Minh Văn