Người dân được hưởng quyền lợi tối đa khi khám chữa bệnh
Thuận tiện
Chị Nguyễn Thị Vinh ở Vinh Thanh (Phú Vang) làm nghề tự do, gần 10 năm nay không mấy quan tâm đến chuyện phải có tấm thẻ BHYT. Gần đây, chị thường xuyên đau ốm nên mua thẻ BHYT phòng rủi ro bệnh tật. Chị kể, khá bất ngờ hơn khi từ Phú Vang, chị có thể đến các phòng khám đa khoa có uy tín để làm các xét nghiệm mà vẫn được hưởng quyền lợi 100%. Thấy tiện ích và tấm thẻ BHYT trở nên có giá trị khi đau ốm, chị Vinh vận động cả nhà 7 người cùng tham gia BHYT.
Phát hiện của chị Vinh không còn mới mẻ khi việc thông tuyến BHYT tuyến huyện đã được thực hiện từ năm 2016. Ngày trước, người dân ở các huyện muốn đến các phòng khám đa khoa ở TP. Huế để khám thì quỹ BHYT sẽ thanh toán 70% chi phí khám chữa bệnh (KCB). Từ khi thông tuyến, người bệnh sử dụng thẻ BHYT trong cùng địa bàn tỉnh thì được thanh toán 100%.
Theo đánh giá của BHXH tỉnh, những trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB và đảm bảo quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Quy định thông thoáng nên nhiều người đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại huyện Phong Điền nhưng lại đến Hương Trà khám bệnh khi thấy phù hợp. Tình trạng bệnh nhân các huyện đến Bệnh viện Hoàng Viết Thắng, Phòng khám đa khoa Medic, Thuận Đức... khá đông.
Qua 5 năm thông tuyến huyện, quyền tiếp cận các dịch vụ y tế được người dân ủng hộ do việc đi KCB thuận lợi hơn. Bà Trần Thị Tâm, người bệnh khám tại Phòng khám Thuận Đức, cho hay: Cứ nghĩ là phòng khám tư, khám xong thì trả tiền như trước đây nên tôi không để ý đến thẻ BHYT. Khi đến khám, nhân viên y tế hướng dẫn làm thủ tục BHYT và tôi không phải trả tiền sau khi làm các xét nghiệm. Tôi thấy quá thuận tiện vừa yên tâm với cơ sở mình chọn lựa, vừa được phục vụ tận tình, chu đáo.
Đối với các bệnh viện tuyến huyện, tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến huyện sẽ khó tránh khỏi, do bệnh nhân được tự do lựa chọn KCB. Các bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tay nghề cao sẽ càng có nguy cơ quá tải, một số cơ sở chất lượng KCB chưa tốt thì số lượng bệnh nhân giảm khá nhiều.
Khám bệnh cho bệnh nhân tại bệnh viện T.Ư Huế
Nâng cao chất lượng KCB ở các cơ sở
Theo kế hoạch, năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT. Một trong những hệ lụy khi thông tuyến BHYT ở tuyến tỉnh vào năm 2021 là việc các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng “quá tải” khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng. Không chỉ vậy, khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, chi phí y tế cũng gia tăng tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT. Dự kiến, quỹ dự phòng BHYT chỉ đáp ứng chi trả đến năm 2021.
Xung quanh vấn đề gia tăng tình trạng bệnh nhân điều trị nội trú khi thông tuyến BHYT dẫn đến quá tải, nhiều giải pháp cũng được đặt ra đối với phương thức thanh toán cho người dân khi thông tuyến BHYT. Ngoài các giải pháp để khống chế dòng bệnh nhân, cũng cần nâng cao nhận thức bệnh nhân trong việc khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh nhân hiểu rằng các bệnh viện tuyến tỉnh, địa phương sẽ được điều chỉnh dần dần nâng cao chất lượng. Lãnh đạo và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện tuyến dưới cũng phải không ngừng nâng cao nhân lực, vật lực để đón tiếp, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất.
Quy định thông tuyến còn thúc đẩy chất lượng KCB; buộc các cơ sở KCB phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ và cơ sở KCB đã tạo nên lợi ích kép từ việc này, đồng thời quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi trong KCB BHYT sẽ góp phần quan trọng để người dân tham gia BHYT.
Để tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, tránh việc người bệnh có thể đi khám một bệnh ở nhiều cơ sở y tế, BHXH tỉnh đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán BHYT. Các bệnh viện đã được cài đặt phần mềm phân tích dữ liệu bệnh nhân. Khi bệnh nhân đi khám và trình thẻ BHYT, nhân viên y tế nhập mã và sẽ quản lý được toàn bộ quá trình KCB của người bệnh, quan trọng nhất là biết bệnh nhân được khám và điều trị những thuốc gì. Bác sĩ sẽ không cấp lại những thuốc đã cấp mà bệnh nhân chưa sử dụng hết.
Sắp đến, các ngành liên quan sẽ chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc chỉ định điều trị nội trú, sắp xếp bố trí giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị cũng như nhân lực hiện có; chú trọng các cơ sở tuyến tỉnh trong việc tổ chức bàn khám, bố trí nhân lực khám, bố trí giường bệnh và chỉ định điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh.
Bài, ảnh: Huế Thu