Chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi vào xạ phẫu
Đầu năm 2018, TTUB đón bệnh nhân T.Đ (72 tuổi. TP Huế) bị u phổi đã vào giai đoạn di căn lên não. Thời điểm đó, sức khỏe ông Đ. rất xấu, mắt mờ, thường đau nhức ở đỉnh đầu. Qua hội chẩn, trường hợp bệnh nhân Đ. không thể can thiệp phẫu thuật vì tuổi cao, sức khỏe yếu, nên các bác sĩ tư vấn giải thích cho người thân bệnh nhân tiến hành xạ phẫu nhằm tiêu diệt khối u, nếu chậm sẽ nguy kịch đến thần kinh, đầu sọ. Tháng 3/2018, ông Đ. được xạ phẫu "nhịp 1" chừng 16 phút, sau đó được các bác sĩ theo dõi diễn tiến bệnh có tiếp nhận liều xạ tốt, giảm đau nhức hơn nên đã đưa vào xạ lần 2 và lần 3. Qua ba lần xạ và theo dõi phác đồ điều trị tại khoa xạ trị, sức khỏe bệnh nhân Đ. dần hồi phục.
Theo kỹ sư Lê Trọng Hùng, người trong kíp điều trị cho bệnh nhân Đ., ưu điểm vượt trội của xạ phẫu định vị là liều xạ mỗi lần cao hơn 10 lần so liều thông thường nhưng tập trung vào khối u, không ảnh hưởng đến cơ quan xung quanh, ít biến chứng, bệnh nhân không mệt mỏi. Quy trình kỹ thuật này thực hiện qua các bước như, mô phỏng xạ trị, lập kế hoạch xạ trị, đánh giá kế hoạch điều trị và xạ trị. Trường hợp bệnh nhân Đ. có khối u lớn nên phải chia thành hai pha để xạ, mỗi pha cách nhau gần 6 tháng. Sau xạ phẫu, bệnh nhân giảm các triệu chứng đau nhức ở đầu, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Hiện tại qua theo dõi, khám định kỳ khối u ở não của bệnh nhân teo dần...
Cùng thời điểm điều trị bệnh nhân Đ., các bác sĩ đã tiến hành phương pháp trên cho bệnh nhân HTQ, (54 tuổi, Phú Vang). Ông Q. bị khối u dị dạng khá lớn ở não. Trước đó, người thân đã đưa ông đi điều trị các nơi nhưng không hiệu quả. Khi nghe giới thiệu người thân tin tưởng đưa ông Q. đến TTUB, BV Trung ương Huế để can thiệp xạ phẫu. Anh Hồ Công Thành, con trai bác Q. chia sẻ, khi được bác sĩ kết luận bệnh tình của bố nguy hiểm, vì khối u lớn ở não quá lớn, nguy cơ chèn ép vỡ mạch máu não cao gia đình rất lo lắng. Qua thời gian điều trị tại TTUB, hiện sức khỏe của bố ổn định, trở lại tham gia các việc đồng áng như trước là điều nằm ngoài mong đợi của gia đình.
Trang thiết bị hiện đại và chú trọng đào tạo nâng cao nguồn nhân lực chất lượng, TTUB đã tạo thương hiệu uy tín trong điều trị các bệnh ung thư khó, phức tạp theo đa mô thức, gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ... Để khẳng định được uy tín thương hiệu ở Việt Nam, nhất là gần đây tiếp cận hệ thống máy gia tốc Elekta Axesse thế hệ mới do Chính phủ Áo tài trợ (giá trị 120 tỷ đồng), lãnh đạo BV Trung ương Huế tạo điều kiện thuận lợi giúp các bác sĩ, kỹ sư... ở TTUB nghiên cứu, nắm bắt các kỹ thuật mới từ các chuyên gia đến Úc, Pháp, Mỹ... nên đã chủ động triển khai thường quy kỹ thuật xạ phẫu. Kỹ thuật này dựa trên hệ thống máy xạ trị gia tốc đa mức năng lượng đầu tiên có mặt tại Việt Nam với nhiều chức năng ứng dụng tích hợp kỹ thuật số MV IGRT (xạ trị hướng dẫn ảnh), IMRT (xạ trị điều biến liều), VMAT (xạ trị điều biến thể tích)… đã giúp điều trị hàng nghìn bệnh lý ung thư phức tạp...
TS. BS. Phạm Nguyên Tường, Trưởng khoa Xạ trị, Phó Giám đốc TTUB, BV Trung ương Huế nhận định, xạ phẫu định vị là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, thời gian nằm viện ngắn, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não. Kỹ thuật này còn thích hợp cho những trường hợp u phổi, gan, thực quản... ở những vị trí đặc biệt, không thể phẫu thuật được, bệnh nhân nhỏ tuổi, lớn tuổi...
Kỹ thuật trên hiện đã nằm trong dự án "Dây rút ngược" của Bộ Y tế phát động nhằm thu hút những trường hợp người dân Việt Nam mắc bệnh ung thư trước đây phải ra nước ngoài điều trị nay đã đến BV Trung ương Huế vì chi phí thấp.
"Thông qua hệ thống máy gia tốc trên, mới đây TTUB đã triển khai đề tài khoa học "Xạ phẫu định vị" điều trị hiệu quả, kéo dài tuổi thọ gần 120 bệnh nhân ung thư. Đề tài này đã gửi tham gia hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật lần thứ IX năm 2019 đạt giải nhì và hiện được Ban tổ chức gửi tham gia hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2019". TS. Phạm Nguyên Tường thông tin.
Bài, ảnh: Minh Trường