ClockThứ Hai, 01/05/2017 05:51

Vị thế mới của y tế cơ sở

TTH - Dẫu còn những điều chưa như ước muốn, nhưng hiện nay hệ thống y tế cơ sở Thừa Thiên Huế đã cơ bản hoàn thiện mọi mặt, đứng vào nhóm đầu của cả nước.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lành, Trạm trưởng Trạm Y tế Thủy Phương (Hương Thủy) khám bệnh cho trẻ em

“Hóa giải” nỗi buồn

Tôi có người bạn tốt nghiệp y khoa năm 2000, giờ đã chuyển ngành vì không biết “nhìn xa”. Hồi ấy tỉnh có ưu tiên cho cán bộ lên miền núi công tác, bạn đã vào biên chế ở Trung tâm Y tế huyện Nam Đông nhưng sợ cảnh núi đồi hiu quạnh và “rừng thiêng nước độc” nên khoác áo về xuôi. Không phải bạn “đứng núi này trông núi nọ”, mà do hồi ấy lĩnh vực y tế Nam Đông hay A Lưới như “nốt nhạc” buồn.  Dù đã có bệnh viện ở trung tâm huyện lỵ, nhưng hạ tầng cơ sở xuống cấp, đội ngũ y tế thì luân chuyển và thay đổi xoành xoạch. Về cơ sở, các trạm y tế chỉ là ngôi nhà tạm bợ, cũ kỹ, một, hai cán bộ được điều từ trung tâm huyện về phụ trách phòng dịch là chủ yếu... Thực trạng buồn ấy không chỉ ở vùng cao mà hiện hữu ở đồng bằng, vùng biển, đầm phá như Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc...

Còn nhớ vào năm 2003, trong chuyến công tác ở xã Lộc Bình, cạnh cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc), ông Lê Túy, bấy giờ là Chủ tịch UBND xã "than" rằng, y tế xã nhà còn khó khăn quá, trạm thì xuống cấp, cán bộ yếu và thiếu. Chưa nói đến chuyện tư vấn, khám, điều trị mà chuyện phòng, chống dịch bệnh luôn là bài toán nan giải... “Ước gì, Lộc Bình có trạm y tế đàng hoàng, có bác sĩ phụ trách để bà con tôi bớt khổ khi ốm đau”, ông Túy nói.

Bẵng một thời gian, tôi nghe thông tin, huyện A Lưới trình UBND tỉnh phương án gửi con em đi đào tạo bác sĩ về phục vụ địa phương. Lúc ấy không nhiều, nhưng sau đó số người này đã tốt nghiệp, trở thành bác sĩ về làm trưởng trạm y tế các xã, bước đầu giải quyết được nguồn nhân lực tại chỗ, góp phần giúp y tế địa phương sang trang mới. Năm 2005, PGS.TS Nguyễn Dung, người “cầm trịch” ngành y tế (hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh), đã nhìn xa trông rộng, nắm bắt thực tế đề xuất “dự án” nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, phủ kín bác sĩ ở cơ sở. “Dự án” đưa ra, lãnh đạo tỉnh “mê”; trước mắt là “tăng cường bác sĩ về trạm” bằng cách chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố tổ chức tăng cường bác sĩ về công tác tại trạm y tế trên địa bàn quản lý; đồng thời tăng cường thêm các bác sĩ tuyến tỉnh theo chế độ luân phiên, mỗi đợt 6 tháng... Đúng vào giữa năm 2005, 15/21 xã ở A Lưới và gần 6/11 xã ở huyện Nam Đông có bác sĩ cắm bản, cùng ăn, cùng ở để khám, điều trị bệnh cho người dân.

Và hoàn thiện...

Qua 6 năm triển khai dự án (2005 - 2011), có hơn 400 bác sĩ được tăng cường về công tác tại trạm y tế, bảo đảm 152 xã trên địa bàn có bác sĩ. Bác sĩ về phần lớn được bổ nhiệm làm trưởng trạm, chịu trách nhiệm khám bệnh, kê đơn, hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ y tế trạm, xây dựng bổ sung cơ số thuốc cấp cứu, danh mục thuốc thiết yếu, xây dựng vườn thuốc nam, tham mưu ủy ban xã triển khai các hoạt động, chương trình y tế quốc gia, tập huấn cán bộ y tế thôn, bản công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường…

Để củng cố, hoàn thiện tuyến y tế cơ sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyển dụng, đào tạo, cập nhật chuyên môn cho cán bộ y tế; phối hợp với Trường đại học Y Dược Huế, Trường cao đẳng Y tế Huế, tổ chức đào tạo nhân lực bằng nhiều loại hình. Với phương châm vừa đào tạo, vừa tăng cường, đến nay 100% trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã có bác sĩ phụ trách; trong đó, hơn 10 trạm ở huyện Nam Đông và A Lưới có  2 bác sĩ.

Cùng với đào tạo, bổ sung nguồn nhân, cơ sở vật chất cũng được ngành y tế quan tâm. Trước năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 32 trạm tầng hóa; nhiều cơ sở xuống cấp, nằm trong vùng thấp trũng. Sau đó, nhờ tận dụng các nguồn ngân sách địa phương, các dự án của các tổ chức trong, ngoài nước, năm 2009 toàn tỉnh có 80/152 trạm y tế được tầng hóa. Sau đó, được hỗ trợ của dự án: “Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn” do Tổ chức AP tài trợ, cuối năm 2011, 152 trạm y tế được nâng cấp, tầng hóa, có đầy đủ các phòng chức năng theo qui định của Bộ Y tế hoạt động đạt hiệu quả. Từ các dự án trên, nhiều trạm y tế xã được đầu tư thêm trang thiết bị như máy siêu âm, máy đo điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, giường khám bệnh, bộ tiểu phẫu… hỗ trợ cho bác sĩ khám, chữa bệnh. Ngoài ra, còn xây dựng vườn thuốc nam, trang cấp máy vi tính, nối mạng internet phục vụ công tác chuyên môn, thông tin liên lạc.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lành, Trưởng trạm Y tế Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) cho biết, năm 2009, thông qua nguồn vốn của AP, trạm được xây mới đầy đủ các phòng chức năng, cùng với đầu tư trang thiết bị, dụng cụ y tế đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh. Với điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và con người, bình quân mỗi ngày trạm khám, điều trị từ 40-50 lượt bệnh nhân. Năm 2016, trạm đã khám và điều trị cho hơn 12.000 lượt bệnh nhân, vượt chỉ tiêu theo kế hoạch.

Với việc hoàn chỉnh mạng lưới y tế cơ sở, chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh tại các trạm y tế ngày càng được nâng cao. Các trạm y tế đều tự khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, gia đình chính sách. Mặc dù áp dụng thông tuyến khám chữa bệnh, nhưng hiện nay các trạm được dân tin tưởng, nhất là vùng sâu và vùng xa, trung bình mỗi ngày đón 30 - 40 lượt bệnh. So với trước đây, người bệnh được sử dụng các kỹ thuật xét nghiệm bằng các phương tiện chẩn đoán hiện đại hơn, như siêu âm, điện tim, xét nghiệm và chuyển tuyến kịp thời các bệnh nặng, không để xảy ra tai biến. Bên cạnh đó, 100% trạm y tế đều có y sĩ y học cổ truyền, triển khai tốt việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp tây y và thực hiện tốt các chương trình y tế địa phương, mục tiêu quốc gia.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10
Khẳng định vị thế của doanh nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch theo xu hướng phát triển bền vững, các doanh nghiệp (DN) tại Thừa Thiên Huế cũng không ngừng đổi mới để bắt kịp thời đại. Ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm được sản xuất với quy trình bền vững, thân thiện với môi trường. Điều này tạo động lực cho các DN trong tỉnh khẳng định mình trên bản đồ kinh tế quốc gia và quốc tế.

Khẳng định vị thế của doanh nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại
Thông tin doanh nghiệp:
Cúc Hoàng - Cơ sở thẩm mỹ tiên phong về an toàn y tế

Phun xăm thẩm mỹ đang là xu hướng làm đẹp được nhiều người lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên để tìm được cơ sở phun xăm thẩm mỹ uy tín để mang đến những dịch vụ chuyên nghiệp thì không phải ai cũng biết. Cơ sở Cúc Hoàng chính là đơn vị tiên phong về mảng phun xăm và luôn đặt an toàn y tế lên hàng đầu.

Cúc Hoàng - Cơ sở thẩm mỹ tiên phong về an toàn y tế
WHO và các ngân hàng phát triển đa phương khởi động nền tảng tài trợ y tế mới

Nền tảng đầu tư tác động y tế mới, một quan hệ đối tác mang tính bước ngoặt giữa các ngân hàng phát triển đa phương, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ giải quyết nhu cầu cấp thiết về các nỗ lực phối hợp nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu ở những cộng đồng dễ bị tổn thương và chưa được phục vụ đầy đủ, qua đó giúp xây dựng khả năng phục hồi nhanh trước các mối đe dọa.

WHO và các ngân hàng phát triển đa phương khởi động nền tảng tài trợ y tế mới
UNICEF: 6 triệu trẻ em ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hôm nay (18/9) cho biết lũ lụt và lở đất chết người do bão Yagi gây ra đã ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu trẻ em trên khắp Đông Nam Á, trong khi số người thiệt mạng vì thảm họa này vẫn đang tiếp tục tăng lên.

UNICEF 6 triệu trẻ em ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

TIN MỚI

Return to top