Sử dụng vaccine cho trẻ là cách hữu hiệu để ngăn chặn bệnh sởi. Ảnh: AP
Trong một báo cáo về những nỗ lực toàn cầu nhằm "làm nên lịch sử" đối với bệnh sởi, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức khác cho biết cuộc chiến bị trở ngại không phải do thiếu các công cụ hoặc kiến thức, mà do thiếu ý chí chính trị để giúp mọi trẻ em đều được chủng ngừa chống lại căn bệnh lây nhiễm cao này.
"Nếu không có sự cam kết này, trẻ em sẽ tiếp tục thiệt mạng vì căn bệnh có thể dễ dàng và không tiêu tốn nhiều chi phí để ngăn chặn", người đứng đầu bộ phận tiêm chủng của UNICEF Robin Nandy cảnh báo.
Theo báo cáo, các chiến dịch tiêm phòng sởi và sự gia tăng tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên trên toàn cầu đã cứu được khoảng 20,3 triệu mạng sống cho trẻ từ năm 2000 đến năm 2015.
Tuy nhiên, mức độ này không được đồng đều, ở một số nước, phần lớn trẻ em vẫn không được tiêm phòng. Trong năm 2015, khoảng 20 triệu trẻ bỏ lỡ mũi chích ngừa sởi và khoảng 134.000 trẻ em đã chết vì căn bệnh này.
Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria và Pakistan chiếm 1/2 số trẻ chưa được tiêm chủng và 75% các trường hợp tử vong vì bệnh sởi.
Bệnh sởi là một loại virus rất dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp và thông qua không khí. Đây là một trong những “thủ phạm” lớn nhất gây tử vong ở trẻ trên toàn thế giới, nhưng có thể được ngăn ngừa bằng 2 liều vaccine phổ biến rộng rãi và không tốn kém.
Theo báo cáo được biên soạn bởi UNICEF, WHO, Liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) và Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, sự bùng phát của bệnh sởi ở các nước khác nhau - gây ra bởi những “lỗ hổng” trong tiêm chủng - vẫn còn là một vấn đề lớn.
Ông Seth Berkley - Giám đốc điều hành GAVI, kêu gọi các chính phủ nhận ra mối đe dọa của "một trong những “kẻ giết người” nguy hiểm nhất thế giới" và cần hành động để ngăn chặn nó.
"Chúng tôi cần sự cam kết mạnh mẽ của các nước và các đối tác để tăng cường tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên và đẩy mạnh hệ thống giám sát", ông nói.
Báo cáo cho thấy, năm 2015, sởi bùng phát mạnh ở Ai Cập, Ethiopia, Đức, Kyrgyzstan và Mông Cổ. Dịch bệnh ở Đức và Mông Cổ xuất hiện cả ở những người lớn tuổi hơn, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm chủng cho thanh thiếu niên - những người đã bỏ lỡ mũi tiêm chủng vaccine phòng sởi lúc nhỏ.
Bệnh sởi còn có xu hướng bùng lên trong các cuộc xung đột hoặc trường hợp nhân đạo khẩn cấp khi lịch trình tiêm chủng bị phá vỡ. Năm ngoái, căn bệnh này lại bùng phát ở Nigeria, Somalia và Nam Sudan.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & UN)