ClockThứ Hai, 12/07/2021 05:46

Triển khai kế hoạch tiêm chủng phòng COVID-19 lớn nhất lịch sử

TTH - Kế hoạch do Bộ Y tế ban hành, triển khai từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Trong đó, Bộ Y tế đưa ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng và các nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19.

Đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 qua ứng dụng “SSKĐT”Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốcHơn 2 triệu liều vaccine Moderna phòng COVID-19 về đến Việt Nam

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho lực lượng ưu tiên

Theo đó, ngày 8/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 năm 2021- 2022 để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tiêm vắc-xin phòng COVID-19 theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vắc-xin.

Với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, vắc-xin phòng COVID-19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội. Để đáp ứng nhu cầu vắc-xin trong nước, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc-xin qua nhiều kênh khác nhau, như: làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vắc-xin, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài. Đến nay đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam. Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc-xin cao cho người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 (đạt trên 90%).

Để đạt được mục tiêu này, và trong bối cảnh số lượng lớn vắc-xin phòng COVID-19 sẽ về Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Y tế lên kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng, như y tế, quân đội, công an và các bộ, ngành nhằm chủ động phòng, chống dịch bằng việc sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cho cộng đồng.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử này sẽ triển khai tại tất cả các địa phương cấp xã trên toàn quốc, huy động hệ thống chính trị tham gia. Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc-xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vắc-xin cho người dân. Đồng thời, đảm bảo tiêm hết số lượng vắc-xin trước khi hết hạn sử dụng tránh để lãng phí trong tiêm vắc-xin và đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho lực lượng quân đội

Trong chiến dịch này, người được tiêm chủng là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất; trong đó, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế. Bộ Y tế cũng xác định 16 nhóm đối tượng tiêm vắc-xin cụ thể, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân); người tham gia phòng, chống dịch; lực lượng quân đội; lực lượng công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước; giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sĩ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam; các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế...cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch; các chức sắc, chức việc các tôn giáo; người lao động tự do; các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc-xin cho Bộ Y tế.

Tuy chiến dịch được triển khai trên toàn quốc, nhưng Bộ Y tế sẽ ưu tiên triển khai tại các tỉnh, thành phố đang có dịch và ưu tiên tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch; các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư và các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Kinh phí thực hiện chiến lược tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử này sẽ được sử dụng từ 3 nguồn, gồm: Ngân sách Nhà nước (Trung ương và địa phương), Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 và nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác đối với Trung ương và địa phương.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử:
Cách làm hay ở Kim Long

Đảng ủy phường Kim Long (TP. Huế) đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng địa phương. Đây là hình thức truyền thông giáo dục sinh động, không chỉ giúp lan tỏa giá trị lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân…

Cách làm hay ở Kim Long
Cử tri kỳ vọng về những quyết sách “lịch sử”

Chưa bao giờ một kỳ họp Quốc hội được cử tri, Nhân dân Thừa Thiên Huế mong chờ đến thế. Cũng đúng thôi khi trong chương trình nghị sự tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (Kỳ họp), Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận.

Cử tri kỳ vọng về những quyết sách “lịch sử”
Return to top