PGS.TS. Trần Đình Bình kiểm tra dung dịch sát khuẩn đã được pha chế
Góp sức phòng chống dịch
Trở về sau đợt tập huấn chuyên môn cho tỉnh Phú Yên về công tác phòng chống dịch COVID-19, PGS.TS.Trần Đình Bình lại cùng các cộng sự tiếp tục pha chế dung dịch sát khuẩn để phục vụ phòng dịch. PGS. Bình bảo, trung bình, mỗi ngày phải pha 30 – 50 lít, phục vụ cho cán bộ, sinh viên, bệnh nhân ở trường và bệnh viện trường. Có ngày còn pha đến 100 lít để hỗ trợ các đơn vị. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mỗi người góp một chút sức, không ai có thể đứng ngoài cuộc.
Kinh nghiệm và ý thức xung phong chống dịch “thấm” vào máu ông từ thời chống SARS. PGS.TS. Trần Đình Bình kể, năm 2003, dịch SARS bùng phát lúc ông đang học tiến sĩ tại Trung Quốc. Thời điểm đó, giữa lúc nhiều người lo lắng thì ông lại xung phong góp sức đẩy lùi bệnh dịch. “Lúc đó, tôi là Chủ tịch Hội lưu học sinh Việt Nam tại Nam Ninh – Trung Quốc. Thấy mọi người khá hoang mang, trong khi mình lại là dân vi sinh nên chủ động phối hợp cùng nhà trường, chính quyền, lãnh sự quán để tổ chức hỗ trợ lưu học sinh Việt Nam và sinh viên Trung Quốc. Vì thế, tôi tìm hiểu và viết hàng loạt bài để hướng dẫn, cung cấp kiến thức về SARS và tham gia tổ chức cứu trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm. Bây giờ xảy ra dịch COVID-19 và tôi muốn làm những việc có thể, hỗ trợ người dân cùng chống dịch”, nhà giáo sinh năm 1962 kể.
Từ sau tết đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, ngoài đảm trách chính trong công tác pha chế dung dịch sát khuẩn, PGS.TS. Trần Đình Bình liên tục tham gia viết các bài báo, thông tin để dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm để người dân bớt hoang mang và chủ động các biện pháp phòng dịch. Ông phân tích, việc hiểu đúng về dịch bệnh và kiến thức phòng dịch cũng giống như pha chế dung dịch sát khuẩn. Phải chính xác, đúng về các mặt, tiêu chuẩn thì sẽ đem lại hiệu quả.
Dung dịch sát khuẩn của PGS.TS. Trần Đình Bình cùng các cộng sự pha chế được sử dụng tại Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế
Liệt kê những vai trò, công việc của ông, từ Phó trưởng Bộ môn Vi sinh, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Giám đốc Trung tâm Gamma Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế hay Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung tỉnh nhưng ông đều khoát tay, bảo: “Trong giai đoạn dịch đang khó lường, mình nhớ nhất mình là cán bộ y tế, nằm trong ban chỉ đạo phòng dịch COVID-19 của trường và bệnh viện trường. Công việc chuyên môn luôn phải làm tốt, nhưng mình muốn dành thời gian quan trọng còn lại cho công tác phòng chống dịch. Cả quốc gia đang cùng đồng lòng, chung sức, việc của mình là góp chút sức nhỏ”, PGS. Trần Đình Bình tâm sự.
Xem Huế là quê hương
Hay bắt gặp PGS. Trần Đình Bình với vai trò người đứng lớp, cán bộ y tế bệnh viện hay Phó Chủ tịch công đoàn Trường ĐH Y dược, thường xuyên phụ trách các công tác chuyên môn hay các đợt khám bệnh cộng đồng nhưng ít ai biết được ông lại luôn “bận tâm” đến những nghiên cứu khoa học hướng đến nâng cao chất lượng bệnh viện, kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tình cờ đọc được hồ sơ đề nghị xét tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân của ông, có hàng loạt công trình đạt giải thưởng. Riêng về đề tài các cấp (cấp Nhà nước, cấp bộ, ĐH Huế và cơ sở), PGS.TS. Trần Đình Bình cũng có đến 10 đề tài cùng khoảng 150 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành uy tín của Việt Nam và quốc tế, tập trung vào mảng vi sinh và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Trong các công trình của ông, đơn cử như “Vi khuẩn kháng thuốc trong nhiễm khuẩn bệnh viện” hay “Sàng lọc hoạt tính kháng khuẩn của một số loài thảo dược có khả năng khai thác tại Thừa Thiên Huế”… PGS. Trần Đình Bình đều dụng công để góp phần giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, cải thiện phương pháp điều trị và môi trường nằm viện của người bệnh. Bên cạnh đó, ông luôn hướng tới nghiên cứu các tác nhân gây bệnh về tính chất sinh vật học, gây bệnh, kháng thuốc, chẩn đoán… để tìm ra những giải pháp tốt nhất, hỗ trợ y tế và phục vụ bệnh nhân.
GS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược, khi nhắc đến PGS. Trần Đình Bình đều dành những lời khen, khẳng định: "Đó là một nhà giáo uy tín và cán bộ khoa học được đào tạo bài bản ở nước ngoài. PGS. Trần Đình Bình có rất nhiều giải thưởng khoa học các cấp và hầu như năm nào cũng có giải thưởng khoa học kỹ thuật của tỉnh”.
Mới đây, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) “gọi tên” ông với giải khuyến khích của công trình nghiên cứu về hệ thống xử lý nước thải bệnh viện (công trình làm chung với ThS. BS CKII Trần Văn Hòa). Theo PGS. Trần Đình Bình, khi làm đề tài cấp cơ sở này, ông không nghĩ đến giải thưởng quốc gia nhưng chỉ mong muốn giải quyết chất lượng, đầu ra nước thải, đem lại lợi ích về mặt kinh tế, bởi giảm chi phí xây dựng (một bệnh viện quy mô 500 giường chỉ cần xây hệ thống xử lý nước thải 100 – 120 triệu đồng) trong bối cảnh các bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Mỗi lần trò chuyện với PGS.TS. Trần Đình Bình, ông đều không muốn nhắc đến những giải thưởng, thành tích của mình. Ông bảo, đến Huế từ năm 1979 và từ đó đã xem Huế là quê hương. Làm việc bằng cái tâm, đặt y đức lên hàng đầu thì khi bệnh nhân mỉm cười, đó cũng là sự đền đáp, niềm vui của người làm nghề y.
PGS.TS. Trần Đình Bình, Phó trưởng Bộ môn Vi sinh, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Giám đốc Trung tâm Gamma Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế, sinh năm 1962, tại xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng dược khoa Trường ĐH Y khoa Quảng Tây, Trung Quốc.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC