ClockThứ Tư, 23/12/2015 15:57

An toàn cho sản phẩm gia súc gia cầm

TTH - Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay phải nhập khoảng 30-40% lượng sản phẩm gia súc gia cầm (GSGC) từ các tỉnh khác về tiêu thụ là điều khiến người tiêu dùng nghi ngại.

Tiểu thương cho biết: Bằng mắt thường có thể phân biệt được sản phẩm GSGC có đảm bảo an toàn hay không an toàn

Người mua e ngại, người bán tự tin

Tạm lắng một thời gian khá dài, thời gian gần đây tại nhiều tỉnh, thành lại tái phát dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng. Thêm vào đó, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi khiến người tiêu dùng lo ngại, không yên tâm khi sử dụng các sản phẩm thịt lợn, gia cầm. Chị Phạm Thị Mẫn, người dân ở TP Huế tâm sự: “Sản phẩm GSGC không thể thiếu trong các bữa ăn hằng ngày đối với nhiều gia đình. Trước đây đến chợ mua các loại thực phẩm này, tôi cũng như nhiều người rất vô tư, yên tâm. Nhưng gần đây, nghe ti vi, báo chí nói nhiều về việc người dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tình hình dịch bệnh gây nguy hại đến sức khỏe, bệnh tật nên khá lo ngại”.

Trong khi đó, các chủ quầy bán thịt GSGC thì tỏ ra rất tự tin khi cho rằng sản phẩm được mua từ các lò mổ tập trung trên địa bàn tỉnh rất an toàn, được cán bộ thú y kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch bằng thuốc tím. Chị Trần Thị B, chủ một quầy bán thịt lợn, thịt bò ở chợ Bến Ngự (TP Huế) nói: “Gần chục năm buôn bán thịt GSGC nên cũng tích lũy được một số kinh nghiệm trong việc chọn sản phẩm an toàn. Sản phẩm phải được mua từ các lò mổ tập trung, đảm bảo vệ sinh thú y. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được thịt an toàn, hay không an toàn. Khi được hỏi làm thế nào để biết được sản phẩm có dư lượng các loại chất cấm khác thì hầu hết các chủ quầy bán thịt đều lắc đầu. Họ bảo rằng: “Việc này hãy hỏi các cơ quan chức năng”.

Luôn kiểm tra, giám sát

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh khẳng định, đến thời điểm 17/12, qua kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện có dấu hiệu sản phẩm GSGC không an toàn, có dư lượng, hay dương tính các loại chất cấm. Lâu nay, trên địa bàn tỉnh phải nhập thêm một lượng sản phẩm GSGC khá lớn từ các tỉnh khác về tiêu thụ; nhưng cũng xuất bán ra một lượng lớn sản phẩm GSGC tiêu thụ ở các tỉnh khác. Điều này cho thấy, sản phẩm GSGC trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, an toàn được thị trường ưa chuộng. Riêng đối với lượng sản phẩm nhập từ các tỉnh khác về luôn được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn mới được phép tiêu thụ.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi GSGC. Mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất mô hình trang trại lợn, gia cầm quy mô lớn. Nhiều trang trại chăn nuôi từ 2.000 con đến 6.000 con lợn thịt/trang trại; 300 lợn nái giống/trang trại và 6.000-15.000 ngàn con gà thịt, lấy trứng/trang trại... Tổng đàn lợn năm 2015 có trên 240 ngàn con, trên 2,3 triệu con gia cầm…

Tính riêng năm 2015, toàn tỉnh xuất bán sang các tỉnh khác gần 1.700 con trâu, bò thịt, 27 ngàn con lợn thịt, 10 ngàn con lợn sữa, 200 ngàn con gia cầm và 2,24 triệu tấn sản phẩm GSGC… Xuất bán một lượng sản phẩm lớn nhưng toàn tỉnh lại phải nhập thêm từ các tỉnh khác trên 500 con bò, 2.163 con lợn hậu bị, 21 ngàn con lợn giống về nuôi. Đồng thời phải nhập thêm trên 12 ngàn con trâu, bò thịt, gần 200 ngàn con lợn thịt, trên 1,15 triệu con gia cầm thịt để cung ứng nhu cầu người tiêu dùng. Gia súc, gia cầm sống và sản phẩm lâu nay chủ yếu được nhập từ các tỉnh Phú Yên, Hà Nội, Đồng Nai, Đắc Lắc, Hà Tĩnh, Bình Định và các đơn vị cung ứng giống Trung ương.

Băn khoăn về chuyện tại sao không thể cân đối sản phẩm GSGC trên địa bàn mà cứ xuất đi rồi lại nhập về? Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng cho rằng, việc GSGC xuất bán sang các tỉnh, hay chúng ta phải nhập thêm từ các tỉnh khác về tiêu thụ là điều bình thường, tất yếu trong cơ chế thị trường.  “Chúng tôi thường xuyên nắm bắt thông tin từ các tỉnh và không nhập giống, sản phẩm GSGC từ các địa phương, vùng có dịch về tiêu thụ. Lâu nay, GSGC được nhập đều từ các tỉnh, các vùng an toàn dịch bệnh, có đầy đủ các thủ tục kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các đơn vị, hộ kinh doanh nhập sản phẩm về đều được giám sát chặt chẽ và khai báo với cơ quan chức năng để kiểm tra, tiêu độc khử trùng. Trước khi đưa vào giết mổ tại các lò tập trung, GSGC được cán bộ thú y kiểm tra, sau khi giết mổ sẽ đóng dấu kiểm dịch mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Công tác kiểm tra, giám sát thị trường được triển khai một cách nghiêm túc”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng khẳng định.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nguyễn Thanh cho biết, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, lực lượng công an đã kiểm tra nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh GSGC. Cơ quan chức năng cũng đã lấy 48 mẫu nước tiểu, thịt GSGC, thức ăn chăn nuôi tại các trang trại, đại lý kinh doanh, lò giết mổ để kiểm tra chất cấm và cho kết quả âm tính. Việc kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm được triển khai định kỳ hằng tháng nhằm có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm trong chăn nuôi, kinh doanh GSGC không an toàn, sử dụng chất cấm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top