ClockThứ Năm, 21/05/2015 13:05

Ăn trông nồi...

TTH - - Mô Phật, chào thượng tọa. Chùa mình “buổi sáng có bún, cháo, buổi chiều có… các món nhậu” hở thượng tọa?

- Khổ quá thượng tọa ơi. Ai cũng thắc mắc, ai cũng chọc chùa tui như thượng tọa vậy đó...

Đó là đoạn đối thoại tôi nghe được giữa 2 vị thượng tọa trú trì 2 ngôi chùa thuộc hàng danh lam cổ tự của Huế. Trong đó, ngôi chùa vừa bị “chọc quê” là ngôi chùa có tuổi đời hàng thế kỷ và hiện là một trong những cảnh chùa tuyệt đẹp ở đất Cố đô. Nguyên do là một số hộ sinh sống phía trước, gần đây làm thêm dịch vụ ăn uống, bèn cho in cái bảng hiệu đại loại: “Sáng: bún bò, cháo lòng; Chiều: các món nhậu gân kiệu, gà vịt…” và dựng chình ình ngay trước cổng chùa. Ở một số vùng, nhất là phía bắc, việc làm này có thể “bình thường” do tập quán văn hóa vùng miền nó thế. Nhưng tại Huế, một trung tâm Phật giáo lớn, nơi văn hóa Phật giáo đã ăn sâu vào đại bộ phận dân chúng, nơi đang còn giữ được truyền thống chay tịnh nghiêm trang của nhà Phật, thì cách hành xử như quán hàng bún cháo vừa kể gây phản cảm và rất khó chịu không chỉ cho riêng nhà chùa mà kể cả với công chúng, phật tử các giới.

*

*        *

Nhà chú em tôi ở trong một xóm nhỏ, đường thì hẹp, nhà này lại đối diện nhà kia nên chú thường dặn vợ con ăn ở cẩn thận. Nói chung là “đi nhẹ nói khẽ” để khỏi ảnh hưởng người khác. Vậy nhưng, ở ngôi nhà đối diện, chị vợ nhà này lại hay “vô tâm” mang đồ ra phơi. Thôi thì đủ thứ: Sơ mi, quần tây, may ô, quần đùi, và bèo nhèo đủ thứ “phụ tùng” phụ nữ... Tất nhiên chị này cũng ý tứ dịch cái giá áo quần khỏi tầm nhìn cửa chính của nhà mình. Nhưng cũng chính vì thế mà cái giá áo quần lại “chiếu” chính tim căn giữa nhà chú em tôi. Ngồi trong nhà nhìn ra, trông rất kỳ dị. Chú em tôi bảo với vợ: “Em sang trao đổi với chị ấy. Có lẽ họ quên để ý. Đàn bà với đàn bà dễ nói với nhau mấy chuyện tế nhị ấy...”. Tưởng giản đơn, không dè khi mới nghe, chị vợ nhà bên đã nhảy sồn sồn: “Nhà tôi tôi phơi, mắc mớ gì các người mà ý kiến ý cò”. Anh chồng từ nhà dưới cũng chạy lên sẵng giọng: “Thích phơi thế đấy. Thấy chướng mắt thì đóng cửa vào. Không thì đi chỗ khác mà ở”. Chú em tôi nghe giần giật ở mang tai, nhưng lại thôi, người ta vậy mình khác. Chú bảo vợ đi sắm cái bát quái gắn vào trước cửa. Xem như “liệu pháp tâm lý”. Xóm giềng từ đó cũng mất vui, đèn nhà ai nấy rạng. Ai cũng giữ kẽ để tránh nhỡ gặp phải người “phàm”.

*

*     *

Nhân nói cái chuyện phơi phong, lại nhớ không ít lần đã từng bắt gặp cảnh một số gia đình điềm nhiên mang chăn màn chiếu gối ra phơi trên lan can các cây cầu ở trung tâm thành phố. Tây đi qua đi về giương máy ảnh chụp làm... lưu niệm chơi, xem như đó là nếp sinh hoạt thường nhật của Huế. Rất nản!

Cha ông ta từng dạy một câu mà dường như ai cũng nằm lòng: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Tiếc là thuộc nhưng lắm người lại... không nhớ và nhất là quên thực hành. Huế là miền đất của văn hóa, là thành phố văn hóa ASEAN. Mỗi công dân của Huế phải lấy đó làm tự hào để mà luôn cẩn trọng, luôn văn hóa trong từng hành vi ứng xử. Một đô thị văn hóa, văn minh trước hết phải có những công dân văn minh, văn hóa. Và hãy bắt đầu từ điều tưởng chừng sơ đẳng nhưng cơ bản nhất: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top