ClockThứ Hai, 07/08/2017 08:27

Ba tôi, một người Thừa Thiên…

TTH - Hồi mới tập kết, ba tôi khai trong lý lịch là thành phần cố nông, còn mẹ tôi khai là bần nông. Hồi ấy càng nghèo thì càng được tin tưởng, nên thi nhau khai bần cố nông. Thực ra thì ông ngoại tôi suýt “bị” phong địa chủ, sau được hạ xuống “trung nông lớp dưới” chứ chả phải bần nông như mẹ khai.

Hồi ấy thì cả làng nghèo, cái làng quê tôi loi nhoi trước sông sau biển cát trắng phau nghèo cho đến tận... sau năm 75. Sức yếu không làm ruộng được, vả lại làm cũng chả đủ ăn, ba tôi từng đi ở đợ, làm thuê trên phố. Để tiết kiệm mấy xu tiền đò, ông đã... chạy bộ qua cầu, trưa nào cũng thế, nên sau này khi có gia đình và sinh anh em tôi, ông hết sức tiết kiệm, tiết kiệm đến... đau đớn, đến khắc nghiệt. Nhưng cũng nhờ thế mà lương 2 vợ chồng về hưu từ thời năm 70 thế kỷ trước mà ba mẹ tôi nuôi 2 đứa con học xong đại học rất đàng hoàng. Đến lúc có thể trả nghĩa được thì… ba mẹ mất, nhất là ba tôi. Mẹ tôi còn được tôi mời đi mấy chuyến máy bay, chứ ba tôi, đến khi mất cũng chưa biết cái sân bay như thế nào. 9/10 các cuộc di chuyển trong đời là ông tự đạp xe, cái xe đạp ông sắm ngay sau khi cưới mẹ tôi, có lần đạp hàng trăm cây trong ngày từ sáng sớm đến tối mịt, còn lại là tàu lửa và xe đò.

Mẹ tôi khá khéo tay, ông ngoại nghe nói ngày xưa là cai bếp cho Pháp nên bà thừa hưởng chút năng khiếu nấu nướng. Nhưng mỗi lần mẹ đi công tác là anh em chúng tôi... kinh hoàng, bởi cách nấu nướng có một không hai của ba tôi. Ông rang cơm nguội bằng cách cho nước lã vào đảo chứ không cho mỡ. Thực ra đấy là cách bây giờ chúng ta hâm cơm, bằng nồi cơm điện hoặc lò vi sóng, nhưng ngày xưa đấy là món chúng tôi không nuốt được. Canh rau muống cũng chỉ có muối và mắm tôm, không mỡ, không mì chính, thứ rất hiếm thời ấy nhưng trong gạc măng giê nhà tôi luôn có vì tính khéo thu vén của mẹ tôi. Sau này lớn lên tôi biết nấu ăn, nấu được nhiều món có khi từ chuyện ba tôi không biết nấu ăn mà lại tiết kiệm nữa. Thấy ông nấu thế nên mới 6, 7 tuổi chi đó tôi đã vào bếp nấu những món thông thường. 10 tuổi thì tôi đã có thể làm từ đầu tới cuối con gà hoặc con vịt ngon lành đãi khách.

Hồi ấy cứ chủ nhật các chú đồng hương Huế ở Thanh Hóa lại tụ lại nhà tôi ăn cơm để “ôn lại truyền thống quê hương”, và tôi là đầu bếp, từ phụ mẹ tiến lên bếp chính mỗi khi mẹ đi công tác, mà mẹ tôi thì hay đi.

Một trong những nguyên tắc của ba tôi là, con trai không quần loe tóc dài. Khổ, mà anh em tôi đang tuổi học đòi. Mốt hồi ấy là tóc đít vịt phủ gáy, quần tuýp hoặc loe. Tuýp thì đút cái vỏ chai không lọt, còn loe thì cả gang không hết…

Ngay sau ngày 30/4/1975, ông nói luôn với tôi, muốn về quê với ông thì phải… cắt tóc bộ đội, tức là ba phân, giờ là mốt đầu đinh, nhưng hồi ấy là nghiêm chỉnh, và cũng mặc quần áo may kiểu bộ đội, đội mũ cối… thì ông cho về. Tất nhiên là tôi răm rắp đồng ý. Bởi không đồng ý cũng không thể được với ông. Và ngay khi về quê thì việc đầu tiên của ông là, may một bộ áo dài đen quần trắng khăn đóng. Ông bảo, mình lên hàng các bác, phải đĩnh đạc.

Đấy là khi chúng tôi đã lớn rồi. Còn khi nhỏ, điều ông miệt mài truyền cho chúng tôi là… quê nội. Ông bắt chúng tôi gần như thuộc lòng: Quê cháu ở làng Thế Chí Tây, xã Phong Phú (tên cũ), huyện Phong Điền, Thừa Thiên. Và, giọng ông rất dở, dở hơn cả giọng tôi bây giờ dù giọng tôi cũng… rất dở, nhưng có điều kiện là ông… hát ru chúng tôi, những là “Ru em em théc cho muồi…”, cho đến “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo…”, đến “Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi…”, rồi “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…”… mẹ tôi nghe cứ cười ngặt nghẽo. Chúng tôi nghe ba kể về quê như kể về thiên đường, nào là nước mắm ngon thế nào, gạo cá tươi tốt ra làm sao… sau mới biết, khả năng sau này trở thành nhà văn của tôi có ảnh hưởng từ… ba, vì ông tưởng tượng và kể rất giỏi, chứ đời ông hồi nhỏ rất khổ, và quê tôi hồi ông còn nhỏ cũng rất nghèo, dân vô cùng khổ, đói triền miên chứ lấy đâu mà gạo ngon cá ngọt…

Hồi ngoài Bắc, dưới con mắt của tôi, ba tôi là người rất vụng, nhưng khi về quê sống, ông trở thành con người vô cùng khác. Té ra ông cấy lúa và cắt lúa rất tài. Cũng rất sát cá. Đã vác nơm đi là thế nào cũng có cá mang về. Công việc nhà ông cũng quyết rất… quyết liệt chứ không như hồi ở ngoài Bắc, mọi việc chủ yếu là mẹ tôi quyết, ông chỉ có nghĩa vụ… gật đầu. Cả hai anh em tôi đều rất sợ ba, khác hẳn bây giờ tôi rất sợ… các con mình. Chúng nói gì là mình phải nghe. Ngày xưa cái gì ba tôi đã quyết thì đấy là chân lý. Người duy nhất có thể phản kháng là… mẹ tôi. Đa phần là khi mẹ phản kháng (chủ yếu là bênh chúng tôi) thì ông im, nhưng khi ông đã gầm lên thì… mẹ tôi im.

Tôi nhớ, anh em tôi chả bao giờ ngủ với ba, nếu bất đắc dĩ có ngủ thì như cực hình, mỗi người mỗi góc. Đấy là lớn, còn nhỏ, buổi trưa, đúng giờ, ông bắt chúng tôi lên giường và đếm: hai ba, là xong. Chúng tôi vục đầu vào gối cười khục khục, ông e hèm phát thế là im re. Còn đánh, đôi khi bị ông đánh, thì mẹ tôi đứng cười, vì ông cứ loay hoay chọn roi, phải chọn kỳ được cái gì mềm nhất, mỏng nhất, nên có lần ông cầm… sợi lạt bó rau muống đánh chúng tôi. Cái chúng tôi sợ không phải là đánh bằng cái gì, mà là ông cứ bắt nằm sấp trên giường, sợi lạt nhấp nhấp trên mông, và ông… giảng giải, có khi hàng nửa tiếng, rồi cho dậy.

Lớp sáu, lớp bảy hệ 10 năm rồi, biết rạo rực rồi, biết lấy nước vuốt tóc cho nó mượt rồi, mà bắt nằm thế, buồn cười lắm. Có hôm mấy đứa bạn cùng lớp rình xem rồi lên lớp kể. Bởi bọn chúng, bố mà đánh thì thôi rồi, quất con bằng roi bừa, chuyên để đánh trâu hoặc bò. Nhà nào cũng có một cây roi chuyên đánh con dắt ở mái nhà, làm rất công phu, hoặc bằng mây hoặc bằng tay tre, có lỗi gì là rút cái soạt và vụt thẳng tay, chứ không có kiểu bắt nằm trên giường rồi… nhấp nhấp sợi lạt. Tôi cho kiểu bị đánh của các bạn là người lớn, còn kiểu của tôi là… trẻ con nên xấu hổ với các bạn.

Ông bố nào cũng đều thương con, có điều mỗi ông thương mỗi cách. Ba tôi thương con rất khác người. Không đánh nhưng mà đau, không chửi, chỉ… gầm. Nhát một rồi thôi. Rất nhớ con nhưng khi con tốt nghiệp đại học đòi đi xa không cản, mà ủng hộ…

VĂN CÔNG HÙNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024

Từ mờ sáng 21/4, Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024 do Báo VnExpress phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức, được chính thức khởi tranh tại TP Huế thơ mộng.

Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024
Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải

Tuyến Quốc lộ (QL) 1A đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế hiện đang quá tải trước sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông. Áp lực này càng gia tăng hơn kể từ ngày 4/4 vừa qua, cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân luồng không cho xe khách trên 30 chỗ và xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ-mooc, sơ mi rơ-mooc vào.

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Return to top