Gần đây, TAND TX. Hương Thủy thụ lý, giải quyết vụ án dân sự thuộc dạng “hy hữu” - khởi kiện “về việc tranh chấp hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng”. Theo đó, người khởi kiện là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (TP. Hồ Chí Minh); đại diện theo pháp luật là Tổng Giám đốc. Người được ủy quyền ký đơn khởi kiện là Giám đốc Chi nhánh Thừa Thiên Huế. Người bị kiện là ông T. (trú tại phường Phú Bài, TX. Hương Thủy).
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (gọi tắt là ngân hàng) yêu cầu TAND TX. Hương Thủy thụ lý, giải quyết, buộc ông T. trả cho ngân hàng tổng số tiền tạm tính đến ngày 16/1/2022 là 25.292.107 đồng. Trong đó, nợ gốc 1.784.574 đồng; lãi quá hạn 23.507.533 đồng và lãi phát sinh cho đến khi trả dứt nợ vay theo lãi suất quy định tại hợp đồng vay đã ký kết.
Cụ thể nội dung vụ việc: Ngày 18/5/2017, ông T. có ký với ngân hàng hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng. Căn cứ thu nhập của ông T. ngân hàng đã đồng ý cấp thẻ tín dụng với hạn mức sử dụng là 20 triệu đồng, với mục đích tiêu dùng cá nhân.
Sau khi được cấp thẻ tín dụng, ông T. đã thực hiện các giao dịch với tổng số tiền là 27.343.597 đồng. Trong quá trình sử dụng thẻ, từ ngày kích hoạt thẻ đến nay, ông T. đã thanh toán cho ngân hàng số tiền 35.200.000 đồng (trong đó, tiền lãi và các loại phí từ ngày kích hoạt đến ngày 30/11/2018 là 9.640.977 đồng, số tiền giao dịch: 25.559.023 đồng).
Phía ngân hàng cho rằng nhiều lần làm việc, nhắc nhở, nhưng ông T. vẫn không có thiện chí trả nợ. Do ông T. vi phạm nghĩa vụ thanh toán, ngày 1/1/2018, ngân hàng đã chấm dứt quyền sử dụng thẻ và chuyển toàn bộ dư nợ còn thiếu sang nợ quá hạn.
Quá trình tòa án thụ lý, giải quyết vụ án, được biết: Thời gian đầu, ông T. đã chấp hành tuân thủ các điều khoản quy định tại hợp đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, ông T. sang Lào. Công chuyện làm ăn khiến ông T. ở Lào liên tục suốt mấy năm nay. Do số nợ gốc 1.784.574 đồng “không mấy to tát”, nên ông T. cũng quên bẵng luôn, mà không ngờ rằng số tiền lãi, theo thời gian “đội” lên đến 23.507.533 đồng.
Quá trình ngân hàng khởi kiện đòi nợ, ông T. vẫn làm ăn ở Lào. Tòa án tạo điều kiện để giữa ngân hàng và người thân (cha mẹ) của ông T. có sự trao đổi, đi đến thống nhất là người thân có thể tự nguyện trả nợ thay cho ông T. Cha mẹ ông T. đồng ý trả nợ thay cho con trai mình, tuy nhiên họ chỉ đồng ý trả nợ gốc.
Sau nhiều “phiên điều đình”, để tránh vụ kiện kéo dài mất rất nhiều thời gian, phía ngân hàng thỏa thuận đồng ý để cha mẹ ông T. trả nợ thay con trai số tiền nợ gốc 1.784.574 và tiền lãi 1 triệu đồng. Ngân hàng rút đơn khởi kiện, tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án.
Thẩm phán giải quyết vụ án nêu trên chia sẻ thêm, có trường hợp sử dụng thẻ tín dụng, quên bẵng số tiền nợ gốc là 10 nghìn đồng. Đến lúc tiền lãi “đội” lên con số 300 nghìn đồng, “chủ thẻ” mới giật mình vội vàng trả nợ cả gốc lẫn lãi.
Từ những trường hợp nêu trên cho thấy, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng cần chú ý tuân thủ các điều khoản quy định tại hợp đồng, để tránh trường hợp “dở khóc dở cười”, từ khoản nợ gốc rất nhỏ, nhưng thời gian không trả nợ kéo dài, lãi sẽ bị “đội” lên một số tiền quá lớn so với nợ gốc. Đồng thời, có thể bị khởi kiện ra tòa án.