ThS. LS Nguyễn Văn Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Huế: Thông thường quan hệ cha, mẹ và con trong trường hợp con được sinh ra bởi cha và mẹ có đăng ký kết hôn (ĐKKH) thì được pháp luật đương nhiên công nhận và không bắt buộc phải có các thủ tục nhận cha, mẹ, con. Tuy nhiên, quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con là quyền nhân thân của mỗi cá nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 mà không phụ thuộc vào việc có ĐKKH hay không.
Cụ thể, điều 43 BLDS quy định: Người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó …”. Điều này là phù hợp với quy định tại điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình khi xác định con chung của cha mẹ: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày ĐKKH và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được toà án xác định.”
Theo đó, chúng tôi hiểu rằng: con của bạn và người đàn ông đó là con ngoài giá thú và người đàn ông đó có quyền nhận con như quy định nêu trên.
Tuy nhiên, như bạn nêu, cha của con bạn không được xác định hoặc không muốn được xác định tại thời điểm ĐKKS cho con. Do đó, về ĐKKS cho con bạn trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 3, điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12- 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, thì khi khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ ĐKKS và giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm ĐKKS có người nhận con, UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và ĐKKS. Và, theo hướng dẫn tại điểm đ, khoản 1, mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 2-6-2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP, khi người mẹ không ĐKKH có quyền làm khai sinh cho con và mọi trường hợp người mẹ khai sinh về người cha thì người cha phải làm thủ tục nhận con theo quy định của pháp luật.
Như vậy, bạn có quyền khai sinh cho con bạn mà không có phần ghi về người cha trong giấy khai sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý là khi khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con thì con chỉ được khai sinh theo họ và nguyên quán của mẹ (Theo điểm e, khoản 1, mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP của Bộ Tư pháp).
Bùi Vĩnh (ghi)