ClockThứ Sáu, 25/02/2022 15:47

Chấn chỉnh vấn nạn rải vàng mã tái diễn

TTH - Vấn nạn rải vàng mã trên bờ cũng như dưới các dòng sông trên địa bàn TP. Huế thời gian qua đã được chấn chỉnh, quản lý khá tốt. Tuy nhiên, thi thoảng vẫn có một số người dân hay chủ các thuyền rồng vẫn bất chấp những khuyến cáo từ cơ quan chức năng, lén lút rải vàng mã, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường.

Tái diễn rải vàng mã trên sông HươngCần xử lý nghiêm người rải vàng mã xuống sông, suốiGắn tuyên truyền với xử phạt

Một thuyền rồng tấp vào khu cồn nổi có miếu thờ tâm linh sau đó rải vàng mã xuống sông Hương, đoạn gần khu vực cồn Hến

Từng được xem là “điểm đen” đốt, rải vàng mã từ trên bờ cho đến các dòng sông, những năm qua, TP. Huế đã kêu gọi, chấn chỉnh hành vi này một cách hiệu quả với rất nhiều giải pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc. Có nhiều vụ việc từng được phản ánh đến cơ quan chức năng trực tiếp hoặc gián tiếp, ngay lập tức người vi phạm được mời làm việc, có trường hợp bị xử phạt tiền triệu.

Có giai đoạn UBND tỉnh phát đi công văn gửi các cơ quan liên quan chấn chính hoạt động này, yêu cầu tuyên truyền vận động chủ thuyền, du khách, người dân sử dụng các loại hoa đăng truyền thống khi có nhu cầu thả đèn trên sông Hương, không được thả các loại đèn hoa đăng, vàng mã có nhựa, xốp, cao su và kim loại. Nhờ vậy, tình trạng này đã gần như hạn chế, người dân ý thức hơn, các chủ thuyền hoạt động trên sông cũng chấp hành nghiêm túc.

Thế nhưng bẵng đi một thời gian, trường hợp đốt vàng mã ở các gốc cây khiến cây hư hại, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, cũng như người dân thả vàng mã trên sông, cho đến các thuyền rồng chở khách lợi dụng lúc vắng người, khu vực khuất để thả vàng mã xuống dòng sông đang trở lại.

Nhiều người sau khi cúng xong tiện đâu đốt đó, có người đốt ở những gốc cây gây hư hại cây, đốt cạnh các thùng đựng rác của đơn vị môi trường đô thị khiến thùng cháy quéo đen, một số đốt vàng mã ở các bãi cỏ cạnh dòng sông, nhiều người khác thuê thuyền rồng ra giữa dòng sông cúng rồi thả luôn xuống dòng nước xanh mát…

Anh Dương, một người dân sống cạnh sông Hương đoạn chảy qua mặt sau đường Nguyễn Sinh Cung, đối diện cồn Hến cho biết, thi thoảng vẫn bắt gặp một số thuyền rồng tổ chức các nghi lễ tâm linh sau đó rải rất nhiều xấp vàng mã xuống khúc sông này. “Nếu như khu vực trung tâm được kiểm soát tốt, thì ở phía dưới tình trạng này lâu lâu lại xuất hiện. Vàng mã sau khi rải xuống nổi lềnh bềnh theo dòng chảy cứ thế trôi về phía hạ lưu tạo nên hình ảnh xấu xí, phản cảm”, anh Dương mô tả và cho rằng cần phải chấn chỉnh, siết chặt lại vấn nạn này một cách triệt để.

Mới đây, nhiều người cũng phản ánh tình trạng rải vàng mã ở cồn Dã Viên phía đường Bùi Thị Xuân kèm theo những hình ảnh gửi đến cơ quan chức năng. Theo người dân, khu vực này thường xuất hiện cúng cấp và rải vàng mã gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị, vì thế kiến nghị đặt thùng rác, lắp biển cấm vứt, xả rác, trong đó có vàng mã. Ngay sau đó, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã cho người đến xử lý, dọn dẹp. Đơn vị này cũng kiểm tra lại các vị trí thuộc sự quản lý để cắm bảng và bổ sung thùng rác hợp lý.

Một số người dân cho rằng, cần tiếp tục tăng cường, nhắc nhở và thậm chí lắp đặt camera ở những khu vực “nhạy cảm” nghi ngờ thường xuyên có nạn xả vàng mã xuống sông, đặc biệt là sông Hương. Những khu vực đó, thường là các cồn nổi, nơi có các miếu thờ tâm linh, thường xuyên được nhiều thuyền rồng chở người đến làm lễ. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm cần xử phạt nghiêm minh, ngoài phạt tiền có thể thu hồi giấy phép hoạt động của thuyền rồng, giấy phép lái thuyền…

Bà Dương Thị Ánh, Trưởng Ban Quản lý bến xe, bến thuyền TP. Huế cho biết, lâu nay việc tuyên truyền, nhắc nhở chủ các thuyền rồng không được thả vàng mã xuống sông được đơn vị thường xuyên thực hiện. Bên cạnh đó, còn yêu cầu các chủ thuyền rồng ký cam kết. Tuy nhiên, khi chúng tôi cho biết có một số thuyền vẫn thả vàng mã xuống sông Hương, bà Ánh cho hay, đơn vị chỉ quản lý thuyền ở phạm vi 50m mặt nước từ bờ trở ra vì thế gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Bà Ánh cũng cho hay, việc xử phạt này thuộc các cơ quan chức năng khác, trong đó có lực lượng công an, vì thế đề nghị nếu phát hiện cần xử phạt nghiêm.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh tại chợ A Lưới

Một số kiến nghị của người dân liên quan đến hoạt động kinh doanh tại chợ 91 A Lưới (nay gọi là chợ A Lưới) là có cơ sở. UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo các phòng, ban tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định cũng như quyền lợi của người dân.

Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh tại chợ A Lưới
Chấn chỉnh, sắp xếp bố trí sử dụng vỉa hè ở phố đi bộ Hai Bà Trưng

Vừa qua, hàng chục hộ kinh doanh thuê mặt bằng ở vỉa hè phố đi bộ Hai Bà Trưng từ vị trí Tòa nhà VNPT đến Trung tâm giao dịch khách hàng của VNPT Thừa Thiên Huế bức xúc khi Công ty CP Tân Hà WINPRO (đơn vị cho thuê mặt bằng) đã bị UBND phường Vĩnh Ninh chấm dứt bố trí sử dụng dụng vỉa hè nhưng không thông báo, khiến việc kinh doanh bị ngưng trệ.

Chấn chỉnh, sắp xếp bố trí sử dụng vỉa hè ở phố đi bộ Hai Bà Trưng
Chấn chỉnh xe vi phạm chở quá tải trọng

Xe chở hàng hóa quá tải trọng cho phép gây ra nhiều hệ lụy cho hạ tầng đường sá, nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Đây là thực trạng mà lực lượng chức năng cần thường xuyên triển khai các biện pháp kiểm soát, xử lý.

Chấn chỉnh xe vi phạm chở quá tải trọng
Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh ở đường Trịnh Công Sơn

Tháng 3/2011, HĐND tỉnh chính thức thông qua việc đặt tên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho con đường mới mở ven sông Hương thuộc phường Phú Cát, TP. Huế (nay là phường Gia Hội), nằm cạnh bên công viên (CV) Trịnh Công Sơn. Thế nhưng, chỉ sau 12 năm, con đường này đã trở thành “phố ăn nhậu” với hàng chục quán mọc lên san sát ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và làm nhếch nhác cả tuyến đường.

Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh ở đường Trịnh Công Sơn

TIN MỚI

Return to top