Nhiều tiểu thương đứng ngồi không yên khi nghe tin chủ hụi là bà Lê Thị T. (ở đường An Dương Vương, TP. Huế) tuyên bố bể hụi.
Hàng chục hụi viên lần lượt tìm đến nhà bà T. để đòi nợ và bà T. cứ hứa hẹn sẽ bán nhà để trả, nhưng đợi mãi hơn 5 tháng vẫn không có tin tức gì.
Chị C. tham gia chơi hụi của bà T. đã nhiều năm, hàng tháng tiền đóng hụi của chị khoảng 20 triệu đồng, tính đến nay đã góp hụi cho bà T. hơn 400 triệu đồng, dự định 2 tháng nữa rút hụi sẽ đầu tư kinh doanh lĩnh vực khác. Nghe tin bà T. không còn khả năng chi trả, chị C. “chết lặng”. Chị cho biết: “Bà T. trả hụi với lãi suất cao, nên có bao nhiêu vốn liếng tôi đều dồn vào chơi hụi để mong tích lũy được số tiền lớn, nay lâm vào cảnh này tôi không biết phải làm sao”.
Vốn là người có uy tín, có căn nhà mặt tiền đang cho thuê kinh doanh trên đường An Dương Vương, bà T. làm chủ hụi trong suốt thời gian dài và chi trả rất đều cho các hụi viên nên thu hút được nhiều người, đặc biệt là tiểu thương các chợ tham gia chơi.
Bà T. cho biết: “Trong quá trình làm chủ hụi, tôi bị một số hụi viên giật hụi nên phải bù tiền túi vào các dây hụi, thậm chí căn nhà tôi đang ở đã phải thế chấp ngân hàng hơn 3 tỷ đồng, mỗi tháng tôi phải trả lãi hơn 30 triệu đồng. Để có tiền trả lãi thì tôi phải mở thêm nhiều dây hụi để đắp vào chỗ này thì lại hụt chỗ khác, đến nay tôi không còn khả năng chi trả cho bà con”.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến hụi ở Thừa Thiên Huế. Trước đó, cơ quan công an cũng đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của người dân tố cáo bị giật hụi, bị chiếm đoạt tài sản. Điển hình như vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bị khởi tố vào ngày 7/4/2018. Bằng thủ đoạn vay, mượn tiền và bốc hụi của nhiều người rồi bỏ trốn, đối tượng Lê Thị Kiều Châu (SN 1975, đăng ký HKTT tại 92 Võ Trác, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) đã chiếm đoạt của nhiều người dân trên địa bàn số tiền hơn 14 tỷ đồng.
Từ năm 2005, Bộ luật Dân sự đã quy định về vấn đề chơi hụi. Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ được ban hành, quy định cụ thể về hoạt động của hình thức chơi hụi, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi.
Theo quy định, những người tham gia chơi hụi có nghĩa vụ góp phần hụi; trả lãi cho các thành viên khác khi được lãnh hụi; bồi thường thiệt hại cho những người tham gia hụi nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại… Nghĩa vụ của chủ hụi là giao các phần hụi cho thành viên được lãnh hụi. Chủ hụi phải trả lãi đối với các phần hụi giao chậm theo mức lãi do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Dù pháp luật đã có sự điều chỉnh, tuy nhiên việc chơi hụi hiện nay vẫn thường xảy ra những rủi ro vì hoàn toàn mang tính “tín chấp”, tin tưởng nhau mà không có bất kỳ tài sản thế chấp, bảo đảm nào.
Thượng tá Lê Hữu Sỹ, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an TP. Huế cho biết: Trường hợp các chủ hụi chiếm đoạt tiền thường bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ Luật hình sự, trong đó dấu hiệu bắt buộc phải là bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên việc điều tra, khởi tố đối với các trường hợp này rất khó khăn, một phần do chủ hụi và hụi viên đều thỏa thuận với nhau bằng miệng, khi xảy ra vỡ hụi không có giấy tờ, biên lai chứng minh. Chưa kể, khi vỡ hụi, chủ hụi hứa hẹn sẽ hoàn trả và không thể hiện ý định bỏ trốn. Vì thế cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự. Và dù giải quyết theo luật dân sự thì khả năng lấy lại được tiền cho các hụi viên cũng rất thấp, do đó những người tham gia chơi hụi phải hết sức cẩn thận.
“Để hạn chế rủi ro khi chơi hụi, người tham gia chơi phải có sổ sách rõ ràng, chứng cứ đầy đủ, chính xác và chi tiết về diễn biến của dây hụi. Ngoài số liệu tiền bạc, ngày, tháng thì chủ hụi và các thành viên nên lập thành văn bản thỏa thuận về việc chơi hụi, có điều khoản quy định rõ về chu kỳ đóng tiền, số tiền đóng, hình thức thanh toán, trách nhiệm của chủ hụi, quyền và nghĩa vụ của các hụi viên, vấn đề giải quyết tranh chấp. Ngoài ra còn phải có sổ phụ cấp cho các hụi viên, đây là những chứng cứ hết sức quan trọng, là cơ sở để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, bể hụi…”, Thượng tá Lê Hữu Sỹ khuyến cáo.
H. Nhung – M. Hùng