ClockThứ Năm, 06/08/2015 11:02

Công viên thành quán nhậu...

TTH - Nhiều công viên trên địa bàn TP Huế đã bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán. Điều này không chỉ làm mất chức năng của công viên mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường đô thị…

Mặc dù điểm xanh công viên đường Phan Chu Trinh có biển cấm, nhưng các hộ vẫn lấn chiếm bán quán nhậu

 

Ngang nhiên lấn chiếm

Từ ngày 29/6 đến ngày 14/7/2015, Đội Quản lý đô thị TP Huế phối hợp với Trung tâm Công viên cây xanh, lực lượng công an và các phường Vĩnh Ninh, Phú Hội, Phú Nhuận đồng loạt ra quân trên đường Lê Lợi. Qua đó, phát hiện tại Công viên 3/2 và Lý Tự Trọng có 4 kiốt có hành vi cơi nới, mở rộng sai quy định. Trung tâm Công viên cây xanh đã yêu cầu các chủ cơ sở vi phạm nói trên tự giác tháo dỡ và các hộ này đã chấp hành, trả lại nguyên trạng. Quá trình ra quân, Đội Quản lý đô thị TP Huế đã xử lý 58 trường hợp lấn chiếm công viên và vỉa hè (7 trường hợp lập biên bản tạm giữ tang vật vi phạm, 51 trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính với số tiền 7.650.000 đồng); đồng thời, tạm giữ 85 tang vật, phương tiện vi phạm để đưa về đội xử lý.
Tại công viên bờ sông Hương thuộc phường Phú Cát, TP Huế, từ sáng sớm, bàn ghế đã được bày la liệt để kinh doanh cà phê, nước giải khát và sau đó là nhậu. Dọc đường đi bộ Trịnh Công Sơn, xe cộ tấp nập đậu, đỗ. Hàng quán san sát, bạt giăng ngang dọc trong công viên khiến nơi đây trở nên nhếch nhác, lộn xộn. Ông T, một người dân sống cạnh khu vực này cho biết, từ khi công viên được đưa vào sử dụng (năm 2011), người dân nơi đây rất vui mừng vì có nơi để tập thể dục, thư giãn, giải trí. Chỉ được một thời gian ngắn, công viên đã bị các hộ dân nơi đây trưng dụng để bán quán nhậu vào buổi chiều, tối. Sau nhiều lần bị các đơn vị chức năng ra quân xử lý, cứ tưởng tình trạng lấn chiếm sẽ không còn. Vậy nhưng, đến nay họ lấn chiếm cả ngày, coi công viên là của riêng…
Theo thông tin từ phường Phú Cát, phường đã cùng với các đơn vị chức năng của TP Huế nhiều đợt ra quân dẹp bỏ, có những lúc 4 đến 5 tháng liên tục vào những thời điểm từ 17h30 đến 20h. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng thì các hộ lại lấn chiếm để buôn bán và đến nay thì công khai, thách thức với chính quyền.
Dạo một vòng quanh TP Huế có thể dễ dàng nhận thấy việc lấn chiếm công viên, điểm xanh diễn ra ở nhiều nơi. Cụ thể, quán nhậu 176 và 178 Phan Chu Trinh đã lấn chiếm điểm xanh công viên bên bờ sông An Cựu ngay từ sáng để bán. Theo đó, khách ăn nhậu đi tiểu tiện, xả rác gây ô nhiễm cục bộ tại các điểm này. Việc lấn chiếm công viên, điểm xanh xảy ra nhiều nhất là khoảng 17h chiều đến 22h đêm hàng ngày như ở công viên dọc đường Lê Lợi, công viên đường Tôn Đức Thắng, công viên dọc đường Phan Chu Trinh, hồ Kiểm Huệ…Tại các điểm công viên đều có bảng cấm buôn bán, kinh doanh. Các hộ gần công viên cũng ký cam kết không buôn bán trên công viên, nhưng chủ quán vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh chỉ “buôn thúng bán mẹt” nên rất khó cho các lực lượng chức năng xử lý vi phạm. Họ đổ lỗi cho khách muốn ngồi trong công viên, trong khi đó, khách hàng thiếu ý thức, tiếp tay cho việc chủ quán lấn chiếm công viên.
Cần nhiều biện pháp mạnh
Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế hiện đang quản lý 23 công viên và 51 điểm xanh, với diện tích gần 1,2 triệu m2. Trong đó, trung tâm cho một số hộ thuê 26 kiốt tại các Công viên 3/2, Nguyễn Văn Trỗi, Lý Tự Trọng và Thương Bạc để kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, bán hoa, chụp ảnh, nước giải khát… Ông Văn Hữu Hùng, Phó phòng Tổ chức Hành chính kiêm Đội trưởng Đội quy tắc Trung tâm Công viên cây xanh cho biết, lực lượng bảo vệ các công viên thường xuyên kiểm tra các kiốt, không cho cơi nới, lấn chiếm. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ liên tục chốt chặn, đẩy đuổi những hộ kinh doanh lấn chiếm công viên, nhưng cứ đuổi nơi này họ lại sang nơi khác nên gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, chức năng của bảo vệ trung tâm chỉ được đẩy đuổi, không có công cụ hỗ trợ, không có chế tài xử phạt, thường xuyên bị các đối tượng lấn chiếm có hành vi chống trả nên tình trạng lấn chiếm công viên vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Làm việc với các phường Phú Cát, Phú Hội, Phước Vĩnh…, nơi có công viên thường xuyên bị lấn chiếm, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là thường xuyên ra quân kiểm tra, xử lý, nhưng do lực lượng mỏng nên cứ dẹp xong, các chủ kinh doanh lại tái lấn chiếm. Trong khi đó, Trung tâm Công viên cây xanh còn bị động, giao phó công việc này cho các phường. Theo ông Trần Quang Dũng, Chủ tịch UBND phường Phước Vĩnh, những điểm công viên trên đường Phan Chu Trinh phải có rào chắn bằng sắt ngăn cách, nhất là những điểm thường xuyên xảy ra vi phạm. Còn theo ông Trần Trọng Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cát, để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm công viên bờ sông Hương thì UBND TP Huế phải giải quyết dứt điểm việc giải tỏa, đền bù ở khu vực này. Bên cạnh đó, đường đi bộ Trịnh Công Sơn đã có biển báo cấm các phương tiện qua lại 1 năm nay, nhưng chưa có xích sắt rào chắn nên xe vẫn tự do qua lại.
Ông Lê Văn Phiệt, Đội trưởng Đội Quản lý đô thị TP Huế cho rằng, công viên thuộc sự quản lý của Trung tâm Công viên cây xanh nên đơn vị này phải chủ động giải quyết việc lấn chiếm, đội chỉ là đơn vị phối hợp để xử lý vi phạm. Thời gian qua, đội đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng, trong đó có Trung tâm Công viên cây xanh để xử lý việc lấn chiếm công viên và kết quả có chiều hướng giảm ở nhiều công viên… Sắp tới, đội sẽ phối hợp với 3 phường Xuân Phú, Phú Hội, An Đông kiên quyết ra quân giải tỏa việc buôn bán, kinh doanh tại hồ Kiểm Huệ, trả lại nguyên trạng con đường này cho người dân vui chơi, giải trí...
Việc các chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán lấn chiếm công viên đã gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc. Sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ các đơn vị chức năng và các phường trong việc xử lý vi phạm với những biện pháp mạnh tay, nhất là các trường hợp tái vi phạm, vi phạm nhiều lần là rất cần thiết. Có như vậy, không gian công viên mới thực sự là của chung.
Ông Nguyễn Cẩn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế:
Phối hợp để xử lý vi phạm
Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm công viên, điểm xanh do Trung tâm quản lý vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, mặc dù lực lượng bảo vệ là nhân viên đội quy tắc đã được cài cắm trong những giờ cao điểm (từ sau 17h). Xảy ra tình trạng này là do nhân viên quy tắc chỉ nhắc nhở ở nơi này rồi đi làm việc ở nơi khác. Sau khi nhận được phản ánh từ người dân, Trung tâm đã yêu cầu tất cả các nhân viên đội quy tắc từ đầu tháng 8/2015 phải ứng trực thường xuyên trên địa bàn có công viên, điểm xanh do mình quản lý. Kiên quyết không cho các chủ kinh doanh bỏ bàn, ghế tại khu vực công viên, điểm xanh. Nếu phát hiện ở điểm xanh, công viên nào có người buôn bán, kinh doanh thì nhân viên bảo vệ tại điểm đó sẽ bị xử lý kỷ luật. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm công viên, trung tâm cũng mong chính quyền địa phương, công an phường phối hợp để xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần làm trong lành môi trường công viên.
Thanh Hải (ghi)
 
Bài, ảnh: Hải Huế - Dương Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi bị lấy thông tin cá nhân đăng ký SIM số lạ

Do đi nước ngoài thăm con gái hơn nửa năm, mà lại mang theo SIM điện thoại nên khi trở về, SIM của mẹ chồng tôi bị khóa. Để mua SIM mới cho mẹ dùng, tôi chở mẹ tới cửa hàng giao dịch của nhà mạng mua SIM mới. Nhưng khi tới, được thông báo không thể mua SIM vì mẹ đã đứng tên 3 SIM điện thoại của nhà mạng này. Và hiện tại, các SIM đó đều hoạt động bình thường, mặc cho mẹ tôi khẳng định từ khi bắt đầu sử dụng điện thoại đến nay, mẹ tôi mới mua và đăng ký duy nhất một SIM.

Khi bị lấy thông tin cá nhân đăng ký SIM số lạ
“Ẩn họa” từ nạn trộm chó

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn phường Phú Thượng (TP. Huế) xuất hiện các đối tượng bắt trộm chó bằng đánh bả. Thực trạng này không chỉ gây hoang mang lo lắng cho người dân, mà còn tiềm ẩn nguy cơ chết người từ bả thuốc vứt vương vãi trên đường.

“Ẩn họa” từ nạn trộm chó
Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế

Xe không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, xe ba, bốn bánh tự chế, xe mô tô, gắn máy kéo theo xe khác, vật khác luôn là nỗi ám ảnh của người đi đường khi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông.

Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top