ClockThứ Sáu, 22/09/2023 06:33

Đãng trí - mối nguy hỏa hoạn

TTH - Hỏa hoạn bắt đầu từ đâu? Câu trả lời là bất cứ từ nơi đâu, trên cạn lẫn dưới sông nước miễn là có điều kiện phát hỏa. Có một nơi hỏa hoạn cũng có thể “bắt đầu”: sự đãng trí.

Không chủ quan lơ là trong công tác phòng cháy, chữa cháy

 Người dân hưởng ứng lời kêu gọi: "Mỗi gia đình có một bình chữa cháy" Ảnh: Q. LÊ

Một buổi trưa trung tuần tháng 9/2023, sau khi dùng cơm trưa, uống nước tôi nằm nghỉ trưa. Do thiếu ngủ từ đêm trước, sáng hôm sau dậy sớm nên tôi thiếp đi lúc nào không hay. Tôi tỉnh ngủ choàng dậy sau khi có cuộc điện thoại gọi đến. Tôi cầm điện thoại nói chuyện một lúc rồi cúp máy. Cuộc nói chuyện điện thoại đã làm tôi tỉnh hẳn và cũng đến giờ đi làm. Đúng lúc ấy tôi cảm nhận có mùi khét nào đó thoảng qua, rất gần. Tôi đi xuống bếp thì hoảng hốt nhận ra khói mịt mù cả gian bếp, trong khi cái soong trên bếp đã cháy đen như than. Tôi phóng đến tắt bếp gas, khóa van gas; mở toang cửa sổ, dội nước làm nguội bếp… rồi nhanh chóng hiểu ra nguồn cơn sự cố nguy hiểm này.

Trước khi nghỉ trưa, tôi mang thức ăn còn trong soong đi hâm nóng lại để tránh thiu ôi. Do buổi trưa hôm ấy tôi ở nhà một mình nên việc bật bếp gas hâm thức ăn chỉ mình tôi làm, mình tôi biết. Và rồi tôi đi nghỉ trưa khi quên rằng trên bếp lửa vẫn đang đốt soong thức ăn hâm dở. Chuyện chỉ có vậy và tôi thầm cảm ơn cuộc gọi của người bạn đánh thức tôi dậy lúc ban trưa. Tôi cũng cảm ơn sự may mắn, rằng trưa hôm ấy tôi đã không  đóng cửa đi ra ngoài uống cà phê trưa rồi đi làm việc, hay có những cuộc hẹn đột xuất, hoặc vội đi làm những việc gì đấy. Tôi càng nghĩ càng không dám tưởng tượng cái hậu họa tôi đi ra khỏi nhà mà bếp gas không tắt. Tôi cũng không dám tưởng tượng về hậu họa nếu tôi đang sống trong khu chung cư cao tầng và căn hộ của tôi là nơi phát hỏa khi tôi đã đi ra khỏi nhà.

Chúng ta đã, trải qua thời kỳ “hậu COVID-19” với những biểu hiện về sức khỏe, “triệu chứng” khác lạ thường được nhiều người nói đến, trong đó có sự suy giảm của trí nhớ gây ra một số tình huống “đãng trí” trong sinh hoạt, làm việc hằng ngày. Có sự tác động, hay tổn thương nào đó lên hệ thần kinh trong thời kỳ “hậu COVID-19” hay không phải chờ minh chứng từ các nhà chuyên môn và bằng chứng khoa học. Chúng ta chỉ biết rằng, sự suy giảm trí nhớ ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng gây bất lợi, nếu không nói là rất tai hại. Ví như trường hợp của tôi, suýt nữa thì gây ra đại họa.

Tôi tin rằng, những sự cố tương tự đến từ bệnh đãng trí như câu chuyện của tôi kể trên, không phải là cá biệt. Đáng lưu tâm là chứng đãng trí lại xảy ra nhiều với người từ tuổi trung niên đến những người lớn tuổi, bậc ông, bà. Cuộc sống hiện đại ở thành phố không thiếu những gia đình có ông bà, cha mẹ, con cháu sống cùng nhau, thậm chí là “tứ đại đồng đường” trong cùng ngôi nhà. Trong nhiều gia đình, còn có những người giúp việc toàn thời gian hoặc bán thời gian. Khi bố mẹ đi làm, con cái đi học, ngôi nhà, căn hộ do ông, bà hay người giúp việc quản lý

 Đãng trí trong khi nấu ăn là mối hiểm nguy khôn lường. Ảnh: MC

Tại thành phố Huế có nhiều khu chung cư, nhà ở xã hội cao tầng. Ở đấy không ít những căn hộ có ông bà, bố mẹ sống chung với con cháu. Họ giúp con cái mình trông coi căn hộ, đón đưa cháu đến trường, về nhà khi con đi làm. Họ cũng nấu ăn, làm việc nhà, đỡ đần con cái, dâu rể của mình khi đi làm mệt nhọc bên ngoài trở về. Bếp gas, hệ thống điện sinh hoạt, các thiết bị sử dụng nhiệt, điện hiện đại luôn hiện diện trong nhiều gia đình, nhưng quản lý vận hành các thiết bị, đồ dùng này cũng như các tác nhân gây cháy khác trong gia đình thế nào cho an toàn, vẫn còn là những nỗi lo. Liệu chúng ta đã “truyền thông” tốt cho nhau trong mỗi gia đình hay chưa về phòng tránh hỏa hoạn? Có cách nào nhằm “khắc chế” chứng đãng trí có thể xảy ra với chúng ta, hoặc người lớn tuổi khi họ vào bếp, khi sử dụng dụng cụ gas, nhiệt, điện?

Khi hỏa hoạn xảy ra, việc tìm ra nguyên nhân do “chập điện” hay lỗi cố ý, sơ ý từ chủ thể nào đó; kể cả trang bị những kỹ năng ứng phó giảm thiểu thiệt hại trong hỏa hoạn, chỉ là giải quyết phần ngọn. Phần gốc vẫn là phòng tránh. Kiến thức phòng tránh gây ra hỏa hoạn cần được “truyền thông” thường xuyên trong sinh hoạt gia đình. Đặc biệt là để chứng đãng trí không thành mối nguy, chúng ta chọn trong căn nhà, căn hộ của mình những vị trí thích hợp nhất để dán lên ấy những dòng chữ nhắc nhở cẩn trọng với sử dụng gas, điện cho các thành viên trong gia đình.

Cuộc sống của chúng ta hằng ngày bận rộn với rất nhiều công việc, phần việc; bận rộn từ cơ quan công sở, bận về tới gia đình. Có khi lên giường ngủ, trong bữa ăn chúng ta vẫn không rời chiếc Smartphone bởi công việc và nhiều thứ khác. Chúng ta có nhiều, rất nhiều thứ phải lo toan thường nhật, nhưng chúng ta có một thứ duy nhất phải thực hiện: không tạo cơ hội cho hỏa hoạn!

Mai Đình Toàn
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di tích và mối nguy đối mặt với mùa mưa bão

Sở hữu rất nhiều di tích như Huế được xem lợi thế phát huy giá trị văn hóa lịch sử. Thế nhưng, để bảo vệ những di tích này là chuyện không hề đơn giản, trong đó có việc đối mặt với thách thức do thời tiết khắt nghiệt, thiên tai bất thường vào cuối năm.

Di tích và mối nguy đối mặt với mùa mưa bão
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Trao 90 suất quà hỗ trợ tiểu thương chợ Khe Tre

Ngày 5/12, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng UBND huyện Nam Đông tổ chức gặp mặt động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các tiểu thương chợ Khe Tre sau vụ thiệt hại do hỏa hoạn.

Trao 90 suất quà hỗ trợ tiểu thương chợ Khe Tre
Return to top