ClockThứ Tư, 04/01/2017 05:46

Đánh bắt thủy sản bằng xung điện: Cần xử lý nghiêm

TTH - Trước sự tiện ích và lợi nhuận cao nên nhiều người dân vẫn bấp chấp hiểm nguy, hành nghề đánh bắt thủy sản bằng xung điện.

Dùng xung điện đánh bắt cá tại thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong (TX. Hương Trà)

Những ngày mưa cuối năm 2016, dạo quanh các cánh đồng thuộc địa bàn xã Hương Phong (TX. Hương Trà), Phú Thanh, Phú Mậu (Phú Vang) không khó bắt gặp những người sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản. Tại thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, trên cánh đồng dưới chân đập Thảo Long, chúng tôi chứng kiến có 2 người dùng kích điện tự chế vô tư “chích” tôm cá. Tại một số địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, thậm chí có nhóm 2-3 người dàn hàng ngang “càn quét” khắp cánh đồng. Một người dân ở Hương Phong bức xúc nói, nạn kích điện hoành hành kiểu này tôm cá làm gì còn chỗ sống.

Theo tìm hiểu, được biết, với loại dụng cụ này người sử dụng chỉ cần khoác bình điện cùng một bộ kích điện trên vai, nối dây dẫn nguồn điện xuống 2 mũi chích bằng kim loại nhọn lồng vào một vợt sắt, sau đó nhúng xuống nước là tôm cá “cứng đơ”. Hiện nay, một bộ kích điện tự chế nhỏ gọn, cơ động dùng để đánh bắt cá, tôm và các loài thủy sản có giá trên dưới 1 triệu đồng, dù có bị tịch thu cũng dễ dàng sắm lại. Tình trạng đánh bắt cá bằng kích điện ngày càng gia tăng nên môi trường sinh thái ở các sông ngòi, ao, hồ, đồng ruộng… đang bị đe dọa nghiêm trọng; số lượng cá tôm, sinh vật có ích ngày càng bị sụt giảm, môi trường bị suy kiệt.

Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Chỉ thị nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước”. 

Theo quy định tại điều 15, Nghị định 103/2013/NĐ-CP, ngày 12/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản thì các hành vi vi phạm về sử dụng điện để khai thác thủy sản có thể bị phạt đến 2 triệu đồng, ngoài ra còn bị tịch thu công cụ kích điện. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi vi phạm này chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn lơ là, nên tình trạng sử dụng kích điện tự chế trên các vùng nội đồng vẫn còn diễn ra.

Được biết, các cơ quan chức năng như cảnh sát môi trường, cảnh sát đường thủy, công an các huyện đã có nhiều đợt ra quân bắt, xử lý nhưng trước sự tiện lợi và nguồn thu có từ nguồn đánh bắt này mà nhiều người dân vẫn bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng sắm lại bộ dụng cụ để “hành nghề”. Trước thực trạng nêu trên, ngoài biện pháp răn đe, chế tài bằng pháp luật, việc tiếp tục tổ chức tuyên truyền vận động, giáo dục công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên đến mọi tầng lớp Nhân dân là rất cần thiết.

Bài, ảnh: THÁI SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

Để đảm bảo trật tự đô thị - an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) tại các địa điểm tham quan du lịch và các “điểm nóng” trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế huy động nhân lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần ổn định trật tự đô thị và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị
Thêm nguồn thức ăn nuôi trồng thủy sản an toàn

Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tăng lên. Điều này kéo theo những vấn đề lo ngại về bệnh tật, nguồn thức ăn cho thủy sản, môi trường nước và các chi phí khác... Việc nghiên cứu thành công sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho một số loài thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh mở ra cơ hội mới và những lợi ích kinh tế, xã hội đi kèm.

Thêm nguồn thức ăn nuôi trồng thủy sản an toàn

TIN MỚI

Return to top