ClockThứ Sáu, 27/10/2017 13:36

Em Phú cần sự hỗ trợ để tiếp tục đến trường

TTH - Nghe tin con trai gặp nạn, chị Phan Thị Thắm dù rất muốn chạy vội lên với con nhưng sau hơn nửa buổi chị mới đến được bệnh viện.

Em Phú đang được điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế với sự hỗ trợ của thầy, cô giáo Trường THCS Vinh Xuân

Sau những tai ương liên tiếp đổ lên cha, mẹ và 2 anh trai, ngày 11/10, Dương Chí Phú, học sinh lớp 8/2, Trường THCS Vinh Thanh (Phú Vang) bị tai nạn khi tham gia hoạt động thể thao do nhà trường tổ chức dẫn đến gãy xương đùi phải tiến hành phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Phú là học sinh giỏi, đang tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn vật lý của trường. 

Tai họa liên tiếp

Nghe tin con trai gặp nạn, chị Phan Thị Thắm dù rất muốn chạy vội lên với con nhưng sau hơn nửa buổi  chị mới đến được bệnh viện.

Sự chậm trễ của chị Thắm cũng do cách đây 6 tháng, đang đi trên đường thì không may chị bị tai nạn, chân trái phải bắt vít ở xương bánh chè nên đi lại rất khó khăn; trong người còn mang trọng bệnh. Chị Thắm bùi ngùi: “Đã 14 năm rồi, tai họa cứ liên tiếp đến với gia đình tôi”.

Hơn 10 năm trước, chị Thắm may mắn có chồng là thợ mộc vừa chăm chỉ vừa sáng ý nên quanh năm không thiếu việc để làm. Thế nhưng, năm 2004 cả gia đình bàng hoàng với kết luận trong bệnh án cho biết anh bị ung thư hạch giai đoạn cuối. Anh mất khả năng lao động từ đó. Người con trai đầu lúc đó mới 14 tuổi theo học nghề thợ mộc của ba được vài năm trở thành lao động chính phụ chị gánh vác gia đình và lo chạy chữa cho cha.  Chị Thắm vừa chăm sóc chồng vừa tận dụng gỗ thừa xin hoặc mua rẻ từ đồng nghiệp cũ của anh để làm cào, máng lợn đem ra chợ bán kiếm được đồng nào hay đồng đó. Sau 7 năm chiến đấu với bệnh nan y trong điều kiện kinh tế khó khăn, năm 2011, chồng mất để lại cho chị gánh nặng gia đình và những khoản nợ chồng chất.

Cuộc sống chưa ổn định thì 1 năm sau, người con trai đầu lại gặp tai nạn khi lao động, bàn tay phải mất 3 ngón tay, bàn tay trái cũng mất 1 ngón và không thể tiếp tục làm nghề mộc được nữa. Một người quen cũ của anh nhận vào phục vụ cơm nước cho nhân công tại một xưởng mộc ở Đắc Lắk với mức lương bằng nửa tiền công thợ mộc.

Thế nhưng, sự bình yên như muốn lẫn tránh căn nhà nhỏ của chị Thắm ở vùng quê nghèo. Năm 2014, thấy người mệt, có triệu chứng giống chồng, chị Thắm đi khám thì quả là chị đã mắc đúng căn bệnh của chồng. Lúc này, người con trai thứ 2 chưa hết lớp 10 phải nghỉ học để giúp mẹ kiếm tiền. Trớ trêu thay, không lâu sau em cũng mất khả năng lao động vì bị bệnh thần kinh tọa ở mức độ nặng, chỉ ngồi một chỗ, đi nhiều, đứng nhiều cũng đau.

Chị thở dài: “Thời gian đầu, tôi cũng có uống thuốc tiêu hạch hết 700 ngàn đồng/tháng. Nhưng mà, ngày nào cũng phải chạy không đủ gạo ăn thì uống thuốc cũng không có tác dụng chi nên cứ kệ bệnh tật”. Tuy vậy, chị Thắm vẫn nhận thấy rất rõ sức khỏe của mình đang giảm sút từng ngày, đã mấy năm nay chị không thể gắng gượng với đinh, với búa để kiếm tiền được nữa.

Sợ con phải nghỉ học

Mối lo lớn nhất của chị Thắm bây giờ là con trai út không thể tiếp tục đến trường. Đó cũng là sự trăn trở hiện nay của Ban Giám hiệu Trường THCS Vinh Thanh. Cô giáo chủ nhiệm lớp 8/2 Nguyễn Tâm Yến cho biết: “Phú là học sinh giỏi của trường nhiều năm liền, hiện em đang theo học bồi dưỡng để chuẩn bị tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn vật lý”.

Thầy Mai Xuân Phước, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường đang kết nối với các nhà hảo tâm để tìm nguồn tài trợ lâu dài giúp Phú yên tâm đến trường.

Dù đến nay vẫn chưa tìm ra hướng để duy trì việc học cho em Phú. Thế nhưng, đôi mắt Phú long lanh khi thổ lộ rằng, ước mơ của em sau này sẽ thi vào ngành y.

Từ ngày Phú xảy ra tai nạn, mọi việc nhờ cả vào nhà trường, từ đóng viện phí đến việc thầy cô giáo thay nhau chăm sóc, tự nguyện hiến máu cho em.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Phan Thị Thắm, thôn 1, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang; điện thoại: 01639137020; hoặc Báo Thừa Thiên Huế; 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế; điện thoại: 0914078282.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nghèo từ hỗ trợ sinh kế

Phường Đông Ba (TP. Huế) có 21 hộ nghèo. Để thực hiện lộ trình đến cuối năm 2025 xóa 7 hộ nghèo, Mặt trận và các đoàn thể phường đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ các mô hình sinh kế, góp phần chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn thành phố.

Giảm nghèo từ hỗ trợ sinh kế
Return to top