Chưa có thùng phân loại rác, ý thức người đổ rác cũng thiếu, khó cho khâu xử lý rác
Sơ ý làm vỡ chiếc ly thủy tinh, bà xã tôi sau khi gom các mảnh vỡ còn lấy chổi quét thật kỹ để đảm bảo không còn bất kỳ mẩu mảnh chai nào sót lại, sợ người nhà vô tình giẫm phải thì khốn. Tất cả số mảnh chai được bà xã tôi cho vào cái túi ni lông, sau đó, cẩn thận gói thêm bên ngoài mấy lớp giấy báo rồi nhờ tôi mang ra thùng rác. Tôi vẫn thấy chưa yên tâm, kiếm thêm tờ giấy xi măng quấn bên ngoài mấy lớp nữa, tránh mảnh vỡ xỉa ra ngoài gây thương tích cho anh chị em công nhân môi trường hoặc những người nhặt rác. Vậy nhưng, trong lòng vẫn áy náy, e rằng thấy cái gói gói ghém kỹ quá, người nhặt rác tò mò mở ra xem, rồi lại vứt vương vãi, người đi sau giẫm phải thì khổ. Nhưng không bỏ vào thùng rác thì cũng chẳng biết bỏ đi đâu. Giá như, có 2 loại thùng rác, một cho rác hữu cơ, một cho lon, chai, mảnh vỡ thủy tinh..., thế thì hay biết mấy.
Phân loại rác đã trở thành việc làm bình thường ở nhiều nước, rất tiện lợi, rất văn minh và khoa học. Việc này tính ra không mất quá nhiều công sức hay quá tốn kém, nhưng sao áp dụng vào ta thấy nhọc nhằn quá. Ở Huế, cách đây mấy năm đã thấy có áp dụng thí điểm, có thùng màu xanh, thùng màu cam để cho người dân phân biệt rác trước khi bỏ vào. Vậy nhưng xem chừng do tuyên truyền chưa đủ mạnh, hướng dẫn chưa đều khắp, ý thức chưa thực chuyển,... nên rác bỏ lung tung xèng cả; thậm chí người dân có người còn theo dõi và phàn nàn rằng người đổ rác có phân loại thì khi thu gom người ta cũng... "trộn" chung vào 1 thùng, phân loại làm gì cho mất công (?!). Nhiều lý do hợp lại, cuối cùng thì phân loại rác "vỡ trận".
Đến cuối năm ngoái, với sự tài trợ của Công ty TNHH Bridgestone Việt Nam, Huế có 15 thùng rác thông minh, thân thiện môi trường. Số lượng khiêm tốn nên chủ yếu để đặt ở một số điểm di tích, địa điểm du lịch để phục vụ du khách. Nói chung là... chỉ mang tính ví dụ, phần khổng lồ rác còn lại thì vẫn là thu gom, chôn lấp truyền thống, số chưa gom được thì trôi nổi tự do. Được biết, hiện số lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 570 tấn/ngày. Còn tại Quyết định số 2298/QĐ-UBND ngày 6/10/2008 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, con số được dự báo đến 2020, nghĩa là chỉ 2 năm nữa thôi, riêng chất thải rắn các loại, mỗi ngày cả tỉnh Thừa Thiên Huế thải ra đến gần 2.500 tấn!
Rác nhiều như thế, nhưng "công nghệ" xử lý hiện tại chủ yếu chỉ là chôn lấp. Riêng rác sinh hoạt của thành phố Huế, trước đây chôn ở bãi Châu Ê, nay đưa về Thủy Phương, Lộc Thủy. Sắp tới, nếu không có gì trắc trở thì bãi Thủy Phương đóng cửa để chuyển vào bãi Phú Sơn. Các huyện, thị cũng đều có quy hoạch bãi chôn lấp tại địa phương mình. Và thực trạng chung là bãi chôn lấp nào cũng nhanh chóng quá tải; dân chúng quanh vùng kêu trời van đất vì mất vệ sinh, vì mùi xú uế và nạn ruồi nhặng... Đến nỗi có gia đình đã phải cho con cái "di tản", thậm chí từng đã xảy ra tình trạng người dân phản đối, ngăn đường không cho xe vào đổ rác...
Rác thải thực sự là vấn nạn. Lãnh đạo địa phương rất thao thức trăn trở, tạo điều kiện ưu đãi để mời gọi các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này. Đã từng có những dự án tái chế rác được triển khai nhưng xem chừng hiệu quả không được như ý. Vừa rồi, thấy mừng khi Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) tổ chức khánh thành lò đốt chất thải theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Công trình được thực hiện từ vốn viện trợ không hoàn lại của JICA và vốn đối ứng của tỉnh, tổng mức đầu tư hơn 7,3 tỷ đồng. Đây như một thí điểm để mở rộng nếu thành công nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp, tái sử dụng, tái chế các loại rác thải... Tuy tiên tiến, nhưng với thực trạng rác không được phân loại như hiện tại, công nghệ đốt rác của Nhật Bản e cũng khó phát huy công năng. Điều ấy có thể cảm nhận ngay từ phát biểu nhận xét với báo chí của chuyên gia xứ Anh đào ngay trong ngày nhà máy vận hành.
Trong một cuộc giao lưu trực tuyến tại Báo Thừa Thiên Huế, có khách mời đã nêu cách làm hay cũng từ xứ sở Mặt trời mọc, đó là phát túi đựng chuyên dùng cho dân, túi có phân biệt màu để phân loại rác. Cái này có lẽ không tốn kém, các cửa hàng, cửa hiệu nhỏ còn đầu tư được, huống gì cả doanh nghiệp công ích lớn của tỉnh như HEPCO? Nếu cần, có thể tính toán hợp lý vào phí môi trường hàng tháng. Song song đó là "ráo riết" tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân phân loại rác từ đầu; tại điểm thu gom, có thùng chứa phân loại rác; xe vận chuyển rác về bãi trung chuyển, bãi xử lý cũng vậy. Làm được những việc ấy thì các nhà máy đốt rác, tái chế rác... mới phát huy hiệu quả, và nhà đầu tư mới khỏi nản lòng, mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải.
Phân loại rác ngay từ nguồn, cái này theo tôi dễ hơn... bỏ thuốc lá ngàn lần, nhưng lợi ích thì vô cùng lớn, vậy cớ gì không đầu tư để vận động và thực hiện. Không ai muốn sống chung với rác cả, thế nên, nếu quyết tâm làm, toàn dân sẽ hưởng ứng. Tôi tin chắc như vậy!
Bài, ảnh: Hiền An