Khai báo và test nhanh sàng lọc COVID-19 trước khi vào làm thủ tục khám, chữa bệnh tại BVTƯ Huế
Đáo hạn tái khám, tôi lo sắp xếp đến Bệnh viện T.Ư Huế sớm. Đang “mùa COVID-19”, phải đến để còn khai báo, rồi thực hiện test nhanh sàng lọc, không đi sớm thì không khéo vắt qua buổi chiều, có mà mất cả ngày.
Lo xa thế nhưng số thứ tự được nhận để vào chờ khai báo, test nhanh cũng đã đến 311, nhìn cả đống người đang chầu chực chờ, rất nản, nhưng không thể “cởi” bệnh được, phải chờ thôi. Tiếng người lao xao, tiếng búa đe của công trường đang thi công mở rộng đường Hà Nội sát bên cạnh chan chát, đúng là ô nhiễm âm thanh nên có smartphone cũng không dám lướt mạng để đốt thời gian, sợ đến số mà không nghe thì qua phiên, rất phiền.
Cuối cùng thì cũng đến lượt. Ơn trời, âm tính! Vậy là qua được một cửa ải. Bước tiếp theo là lấy số để nộp hồ sơ làm thủ tục vào khám. Bình thường chờ làm hồ sơ mới lâu, chứ phát và nhận số thì rất nhanh. Nhưng lần này thì khác, người xin số cũng bị ứ lại tại đây. Hóa ra, nhân viên phát số sau khi xem qua giấy tờ đã yêu cầu người bệnh phải xin giấy chuyển viện, dù là có giấy hẹn tái khám cũng phải có giấy chuyển viện, bởi bây giờ đã qua năm 2022. Đó là nguyên tắc, là quy định. Còn không thì người bệnh xem như chấp nhận vượt tuyến. Tôi vỗ trán, “vụ” này năm ngoái mình đã dính rồi, năm nay lại quên, lý do là bởi quán tính, cứ đáo hạn là đến khám nên mới vậy.
Chả cha, đã hơn nửa buổi rồi, còn chạy đi xin cái giấy chuyển viện nữa không biết có quay lại khám kịp không, mà nếu để sang hôm sau thì lại phải xếp hàng, chờ chọt lỗ mũi test sàng lọc nữa thì quá ngao ngán. Trời thì lại đang mưa tầm tã… Thôi, “lỡ mang lấy nghiệp vào thân”, nếu không thể tự mình quẳng bệnh đi được thì đằng nào cũng phải đội mưa mà chạy cho rồi. Vừa chạy vừa tự động viên mình còn may mắn hơn nhiều người chán, chân tay còn mạnh, tai óc còn ngon, chỗ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là Phòng Bảo vệ sức khỏe cán bộ cách bệnh viện cũng chỉ một quãng ngắn, quen biết cũng khá khá nên chắc xin giấy chuyển viện sẽ suôn sẻ, còn kêu ca nỗi gì? Thương là thương cho các ông, các bà già yếu, mắt mờ tai lãng, lại không có người thân đi kèm. Vướng như thế này chẳng biết họ phải làm sao xử lý và xoay xở cho kịp?
Đã là nguyên tắc, đã là quy định thì phải chấp hành, không cách nào khác. Nhưng giá như, khi ký cái giấy hẹn tái khám ở tháng cuối năm, các vị lương y lưu ý cho người bệnh một tiếng, rằng “ông hay bà, anh hay chị, đợt tái khám tới, nếu qua năm thì nhớ phải xin cái giấy chuyển viện để khỏi phải chạy tới chạy lui”, được như thế thì phúc đức cho người bệnh biết bao.
Chuyện đã rồi, bây giờ viết mấy dòng chỉ là để cảnh báo cho những ai chuẩn bị tái khám như mình đỡ khổ. Và tất nhiên, cũng là để mơ từ năm sau bệnh nhân sẽ được lưu ý để khỏi quên thao tác này; hoặc “ngon” hơn nữa là bảo hiểm y tế nghiên cứu “liên thông” thời gian, bỏ được quy định này thì người bệnh sẽ vô cùng tri ân, cảm kích.
Bài, ảnh: HÀN YÊN