ClockThứ Sáu, 24/09/2021 14:53

Nguy cơ mất an toàn khi vào rừng mùa bão, lũ

TTH - Vào rừng làm nương rẫy, chăm sóc cây trồng, cạo mủ cao su… trong mùa bão, lũ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn.

Gác rừng mùa mưa lũ

lán trại tạm bợ được người dân dựng để lưu trú trong rừng

Biết nguy hiểm nhưng vẫn đi

Mùa mưa lũ năm nào, vợ chồng ông Trần Văn Minh ở xã Thượng Lộ (Nam Đông) cũng vào rừng chăm sóc cây trồng, làm cỏ, chặt tỉa cành hạn chế nguy cơ gió bão gây gãy đổ. Mỗi chuyến đi bộ đường rừng rất vất vả nên vợ chồng ông thường gùi theo lương thực, thực phẩm, che lán trại, lưu trú trong rừng dài ngày.

“Việc lưu lại ở rừng chỉ là bất đắc dĩ. Lán trại che tạm bợ, không thể trụ vững khi gặp gió lớn. Do ở trong rừng không có sóng điện thoại, không theo dõi diễn biến thời tiết nên không chủ động về kịp trước khi xảy ra bão, lũ”, ông Minh nói.

Trong đợt bão số 5 vừa rồi, vợ chồng ông Minh cùng với nhiều người dân ở huyện Nam Đông mắc kẹt trong rừng. “Hơn một tuần trong rừng, người dân phải ăn uống tiết kiệm, cầm cự qua ngày vì thiếu lương thực. Lán trại bị gió thổi bay, phải dựng lại mấy lần. Áo quần ướt sũng, mấy bộ áo quần mang theo không đủ thay. Đêm nào cũng thao thức, lạnh co ro, không ngủ được. Đây là bài học cho những chuyến đi rừng trong mùa mưa bão”, bà Ngô Thị Thót vợ ông Minh chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Thượng Lộ, ông Hồ Văn Chính cho rằng, người dân luôn ý thức được những hiểm nguy khi đi rừng trong mùa mưa bão nhưng vẫn đi. Ngoài các hoạt động sản xuất, chăm sóc rừng, vào mùa này người dân vào rừng keo chặt tỉa cành tránh đổ gãy do bão. Một bộ phận đi cạo mủ cao su, trong khi một số vườn cây cách khá xa khu dân cư nên bà con thường lưu lại dài ngày, gặp gió bão không kịp về nhà. Những người vào rừng trong đợt bão số 5 mới đây không liên lạc được do điện thoại ở trong rừng bị mất sóng.

Chính quyền địa phương cũng đã cảnh báo với người dân về những nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm khi lưu lại rừng nhiều ngày trong mùa mưa bão. Trong đó, nguy cơ gặp nạn rất cao do cây cối đè khi đổ gãy, nước lũ gây sạt lở đất, sạt lở núi, khe suối chảy xiết...

Người dân phải chủ động phòng tránh

Theo ông Trần Quốc phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, lãnh đạo huyện đang tổ chức kiểm tra, làm việc với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó thời tiết, rà soát số người đi rừng, kêu gọi trở về an toàn trước khi bão, lũ. Nghiêm cấm, ngăn chặn người dân đánh bắt cá, vớt củi trên các khe suối trong các khu rừng khi mưa bão diễn ra. Người dân chủ động theo dõi thời tiết, tự phòng tránh bão, lũ an toàn cho bản thân. Trong điều kiện không thể về nhà trước bão, lũ, các địa phương, người nhà khẩn trương tìm cách liên lạc, kêu gọi những người đang đi làm trong rừng, vùng sản xuất tìm những nơi an toàn trú tránh; không nên di chuyển, đi lại trong lúc đêm tối, mưa bão lớn đang diễn ra.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Phan Thanh Hùng thông tin, tình trạng người dân vào rừng sản xuất, làm rẫy trong mùa mưa bão cũng thường xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là tại huyện miền núi A Lưới, Nam Đông và các vùng gò đồi huyện Phong Điền, TX. Hương Trà, Hương Thủy… Nhiều năm qua đã từng xảy ra các vụ người dân mắc kẹt nhiều ngày trong rừng do bão, lũ, một số người gặp nạn, thương tích, thậm chí mất mạng khi đang săn bẫy chim, vượt suối, lội lũ...

Trong đợt bão số 5 mới đây, tổ công tác, tuần tra bão, lũ thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt khi đến địa điểm Điền Lò Dầu, thôn Hưng Thịnh, xã Hương Phong thì phát hiện 5 người dân trú tại xã Hồng Thượng (A Lưới) bị nước sông A Sáp cô lập trong khi đi làm nương rẫy trong rừng. Rất may Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã huy động lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ứng cứu kịp thời, các nạn nhân đảm bảo an toàn.

Ông Hùng cảnh báo, tai nạn, mất tích có thể xảy ra bất cứ lúc nào do mưa bão, cây đè, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, nước dâng cao, chảy xiết ở các triền núi, khe suối, ngầm tràn… Các địa phương, ban ngành thông qua hệ thống truyền thanh địa phương, mạng xã hội, thậm chí đến tận khu dân cư, hộ gia đình để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là dân cư sống ven rừng về phòng ngừa rủi ro thiên tai; nghiêm cấm không vào rừng sản suất, canh tác, khai thác lâm sản, bắt cá, lấy mật ong, hay bất kỳ lý do nào trong mùa thiên tai, bão lũ xảy ra.

Hiện nay, các địa phương đang phối hợp với Vườn Quốc gia Bạch Mã, các đơn vị kiểm lâm, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và ngăn chặn người dân đi vào rừng trong thời gian mưa bão. Các lực lượng quân sự, biên phòng, công an đóng trên địa bàn có biện pháp tuần tra, chốt chặn, kiểm soát các cửa rừng và các địa bàn vùng sản xuất của người dân, hay trang trại trong rừng...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cho rừng thêm xanh

Phía tây Phong Điền bây giờ không còn đất trống, đồi trọc mà thay vào đó là những cánh rừng đã xanh hơn. Đây là kết quả của sự đoàn kết chung tay của ban, ngành chức năng và người dân trong việc trồng, quản lý và bảo vệ rừng thời gian qua.

Giữ cho rừng thêm xanh
Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Return to top