|
Khu vực số 1 Lê Lợi, TP Huế ảnh hưởng bởi dự án xây dựng Học viện Âm nhạc Huế
|
Nhiều thắc mắc
Các hộ có phản ánh nêu trên cho rằng, ngay từ đầu năm 2014 cơ quan chức năng đã có phương án TĐC, đưa toàn bộ 57 hộ bị ảnh hưởng dự án phải di dời giải tỏa đến TĐC ở khu Bàu Vá, chứ không phải do chủ đầu tư không có nhà chung cư nên bố trí đất tại Bàu Vá. Riêng hộ bà Tâm, tuy nói chỉ bố trí 1 lô đất TĐC, nhưng thực tế diện tích lô này lớn gấp đôi các lô bố trí cho các hộ dân khác, dù hộ đó có diện tích bị thu hồi nhiều hơn hộ bà Tâm. Từ nhiều điểm còn chưa “thông suốt”, các hộ đề nghị được tạo điều kiện tiếp xúc, đối thoại với các cấp có thẩm quyền để giải quyết những thắc mắc trong chính sách đền bù, giải tỏa.
|
Theo 9 hộ, được cơ quan Nhà nước bố trí vào ở tại khu vực số 1 Lê Lợi, TP Huế trong giai đoạn 1975-1979, các hộ luôn nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định chính sách pháp luật của Nhà nước, sinh sống ổn định từ đó đến nay. Cùng cư trú tại khu vực thuộc sở hữu Nhà nước (số 1 Lê Lợi), thế nhưng khi bị ảnh hưởng bởi dự án, số tiền các hộ cán bộ được bồi thường, hỗ trợ quá ít, chỉ vài trăm triệu đồng/hộ. Trong khi đó, các hộ dân được hỗ trợ bồi thường hàng tỷ đồng/hộ. Ví dụ, hộ cán bộ giáo viên như ông Nguyễn Văn Bằng số tiền đền bù gần 304 triệu đồng, trong khi hộ dân như bà Lê Thị Bê, tổng số tiền đền bù lên đến gần 4,7 tỉ đồng. Câu hỏi các hộ đặt ra nữa là, vì sao đến nơi tái định cư, đối với các hộ dân, gia đình có từ 2 hộ phụ trở lên thì được bố trí đất lô phụ. Trong lúc các hộ gia đình nguyên là cán bộ, giáo viên lại không có? Nếu không có lô phụ thì con cháu họ sẽ ở đâu. Làm sao họ có thể an cư lạc nghiệp? Điểm “nổi cộm” khiến các hộ thắc mắc, trong khi đất bố trí cho các hộ cán bộ ngặt nghèo là vậy, thì hộ bà Lê Thị Băng Tâm độc thân (được đền bù 4 tỉ đồng) lại được bố trí đến 2 lô đất tại khu tái định cư. Điều này khiến các hộ dân có diện tích đất bị thu hồi lớn, gia đình đông con nhưng không được bố trí lô phụ cũng bất bình.
Cũng theo 9 hộ, khi thực hiện dự án xây dựng Học viện Âm nhạc Huế, tất cả các hộ hiện đang cư trú tại số 1 Lê Lợi, TP Huế đều được dự kiến chuyển đến nơi ở mới là khu tái định cư Bàu Vá, phường Thủy Xuân, TP Huế. Trong khi các hộ dân chỉ phải trả tiền sử dụng đất tái định cư 1 triệu đồng/m2, thì tiền sử dụng đất đối với các hộ cán bộ là 6,5 triệu đồng/m2, là quá cao so với đồng lương thấp, cuộc sống khó khăn của những cán bộ hưu trí. Từ những vấn đề nêu trên, theo các hộ phản ánh, việc thực hiện đền bù, giải tỏa trong dự án xây dựng Học viện Âm nhạc Huế là thiếu công bằng.
Cần đối thoại
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho biết: Theo thẩm định của Phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP Huế, khu vực số 1 Lê Lợi có 2 nhóm, gồm nhóm các hộ gia đình đủ điều kiện bồi thường về đất, nhóm thứ hai là các hộ gia đình cán bộ công nhân viên và các hộ gia đình ở trong khuôn viên sở hữu Nhà nước. Từ căn cứ này dẫn đến sự khác nhau về số tiền hỗ trợ mà các hộ nhận được tùy từng trường hợp bị thu hồi đất hay trả lại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) đối với các nhóm nêu trên được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. Về nhóm các hộ gia đình đủ điều kiện bồi thường về đất, được thực hiện theo quá trình bồi thường, hỗ trợ và TĐC. Riêng đối với hộ bà Tâm (bà Tâm đại diện cho nhiều đồng thừa kế khác), được bồi thường và được xét bố trí 1 lô đất TĐC đúng theo quy định. Phản ánh bố trí cho hộ bà Tâm 2 lô đất TĐC là không chính xác.
Trường hợp các hộ gia đình ở nhà sở hữu Nhà nước, lẽ ra được bố trí căn hộ chung cư (Nhà nước cho thuê) và không được hỗ trợ về tiền nhà, đất khi Nhà nước thu hồi. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không có căn hộ chung cư, nên Nhà nước hỗ trợ 60% tiền nhà, đất để hộ dân tự lo chỗ ở. Do các hộ có làm đơn yêu cầu, nên UBND tỉnh đã cho phép các hộ gia đình này được bố trí đất, theo giá cụ thể và giá sàn đấu giá (6,5 triệu đồng/m2). Hiện nay, các hộ có đơn phản ánh giá đất cao nên Trung tâm Phát triển quỹ đất đã tham mưu UBND TP Huế để gửi Sở TN&MT đề nghị một mức giá, làm sao để có thể tạo điều kiện cho các hộ dân. Phương án thứ hai, UBND TP Huế sẽ tìm các quỹ đất khác trên địa bàn TP Huế (như ở Hương Sơ, Thủy Xuân, Phú Hậu), xây dựng giá để báo cáo với Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh, đưa giá xuống thấp hơn để các hộ gia đình có nhiều phương án lựa chọn.