ClockThứ Tư, 28/04/2021 14:40

“Tái định cư” mồ mả

TTH - Khi dự án di dời khu nghĩa trang ở đường Ngự Bình - Núi Bân (TP. Huế) phục vụ xây dựng công viên văn hóa hoàn thành, sẽ tạo điểm nhấn cho phía tây nam thành phố.

Công viên nghĩa trang hoà cùng thiên nhiênNghĩa trang thời 4.0

Công viên nghĩa trang Hương An Viên hòa hợp thiên nhiên

Cách đây hơn 15 năm, trong những quy hoạch đầu tiên, chính quyền thành phố đã có động thái cấm người dân chôn cất, an táng người quá cố tại núi Ngự Bình và khu vực lân cận. Song, đến lúc này, số lượng mồ mả lại liên tục tăng, thậm chí đến mức mất kiểm soát.

Hệ lụy của thực trạng này là những vụ cháy rừng xảy ra trong những năm qua tại khu vực núi Ngự Bình, nguyên nhân chính là do người dân vô ý thức đốt vàng mã mà không kiểm soát được ngọn lửa.

Hiện nay, danh thắng núi Ngự Bình với tượng đài Quang Trung gắn với di tích lịch sử núi Bân đã trở thành địa chỉ tham quan, vui chơi quen thuộc của người dân địa phương và vùng lân cận. Và sự hiện diện của hơn 100.000 ngôi mộ tại khu vực này ảnh hưởng lớn cảnh quan chung, như một “rào cản” làm giảm sức thu hút của điểm đến du lịch.

Thực tế, với lịch sử để lại, trong cả trăm ngàn ngôi mộ tại đây, có những ngôi mộ cổ lẫn những khu vực lăng mộ dòng tộc. Do vậy chưa bàn đến kinh phí, việc vận động người dân di dời phần mộ tiền nhân chắc chắn sẽ gặp không ít thách thức.

Truyền thống của người Việt nói chung, mồ mả là điều linh thiêng song không phải vì thế mà việc di dời bất khả thi. Ở nhiều dự án, đặc biệt là khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hàng loạt ngôi mộ đã được di dời để nhường mặt bằng triển khai đầu tư. Và khi hợp lòng dân, việc di dời sẽ thuận lợi hơn.

Câu chuyện “tái định cư” cho trăm ngàn ngôi mộ tại khu vực núi Ngự Bình sẽ cần một quỹ đất khá lớn bởi tổng diện tích các mộ phần tại đây chừng 40ha. Nhằm giải quyết vấn đề này, tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát quỹ đất, mở rộng Nghĩa trang phía Bắc và Nghĩa trang phía Nam để “đón” mộ phần ở khu vực núi Ngự Bình, và dự kiến mặt bằng cho việc “tái định cư” này khoảng 20-30ha.

Lâu nay, nguyên nhân sự nhếch nhác, thiếu đồng bộ tại các khu nghĩa địa, nghĩa trang tại vùng nông thôn lẫn thành thị, ngoài do sự thiếu ý thức của người dân còn có việc thiếu kinh phí để đầu tư, dẫn đến thực trạng mạnh ai nấy làm trong việc xây cất lăng mộ đến mức mất kiểm soát.

Bà Hồ Thị Chước (TP. Huế) chia sẻ: “Tại khu vực núi Ngự Bình cũng do chính quyền địa phương giám sát chưa chặt chẽ nên nhiều ngôi mộ tự phát mọc lên. Bây giờ nếu tính đến việc di dời cần phải hợp tình hợp lý, đặc biệt là việc đầu tư, chọn địa điểm di dời. Người dân sẽ khó có sự đồng thuận nếu địa điểm di dời không phù hợp và thiếu ổn định”.

Hình thành công viên văn hóa tại khu vực núi Ngự Bình sẽ tạo nên một điểm nhấn thú vị, được TP. Huế xác định quan trọng sau các dự án di dời khu vực 1 kinh thành Huế và chỉnh trang hai bờ sông Hương. Song, nhiều cái khó đang hiển hiện trước mắt. Thông tin về dự án này, lãnh đạo TP. Huế cũng thừa nhận sẽ gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.

Hiện nay, TP. Huế đang tập trung công tác kiểm kê, đánh giá, rà soát lại toàn bộ mồ mả. Xác định kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ rất lớn nên thành phố cũng xem xét các khu vực tạo quỹ đất, huy động nguồn kinh phí để thực hiện di dời sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn.

Theo kế hoạch, sau khi đo vẽ bản đồ thu hồi đất, thành phố sẽ triển khai các thủ tục trình thông báo thu hồi đất trong tháng đồng thời sẽ thông báo kế hoạch để người dân kê khai mồ mả.

“Vấn đề khó khăn trong việc thực hiện dự án này là số lượng mồ mả cần di dời quá lớn, diện tích giải phóng mặt bằng rộng. Vì vậy, việc thực hiện dự án sẽ thực hiện theo phân kỳ từng phần, diện tích nào giải tỏa trước sẽ trồng cây xanh cảnh quan, tiếp đó sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Để tránh trục lợi về đền bù, kiểm kê, trước mắt, chúng tôi đã đề nghị tỉnh chỉ đạo Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh lắp đặt thêm camera, quay fly-cam để quản lý chặt chẽ việc xây dựng mộ ở đây, cũng như góp phần vào việc kiểm đếm số lượng mồ mả tại khu vực dự án”, lãnh đạo TP. Huế cho biết.

Di dời, “tái định cư” mồ mả tự phát trong khu vực dân cư, đô thị đang là bài toán được chính quyền địa phương giải quyết theo từng giai đoạn. Dù tại Thừa Thiên Huế đã hình thành nên một số công viên nghĩa trang hiện đại, đầy đủ pháp lý và được nhiều người dân đón nhận như Công viên nghĩa trang Hương An Viên (Hương An, Hương Trà) nhưng cho đến nay, số lượng mồ mả “xen cư” đang vẫn còn rất lớn.

Xây dựng công viên văn hóa là một dự án trọng điểm của TP. Huế, song trước khi nghĩ đến một địa chỉ thu hút du khách thì cần tính toán cẩn trọng việc “tái định cư” mồ mả sao cho hợp lòng dân.

S.V

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ người dân khu tái định cư Hồng Thượng

UBND huyện A Lưới phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kêu gọi đầu tư dự án (DA) cụm công nghiệp Cân Tôm - Hồng Thượng. Đồng thời, tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân, nghiên cứu phương án đổi đất lâm nghiệp đối với 15ha đất ở Hồng Thượng thuộc DA đền bù giải phóng mặt bằng thủy điện A Lưới.

Hỗ trợ người dân khu tái định cư Hồng Thượng
Liên quan việc cấp đất tái định cư để mở rộng đường 100m:
Cần giải quyết đúng lý, hợp tình

Mấy năm nay, gia đình ông Ngô Văn Dựt, ở phường Xuân Phú, nằm trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án (DA) mở rộng đường 100m, nối khu A và khu B đô thị An Vân Dương (TP. Huế). Ông Dựt cho rằng, con của mình đủ các điều kiện để tái định cư (TĐC), nhưng chính quyền địa phương chưa xem xét thấu tình, đạt lý...

Cần giải quyết đúng lý, hợp tình
Những điểm mới của Luật Đất đai 2024

Thừa Thiên Huế đang tập trung thực hiện Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống. Kế hoạch đặt ra nhiều mục đích; trong đó chú trọng phổ biến sâu rộng các điểm mới so với luật cũ.

Những điểm mới của Luật Đất đai 2024
Khu tái định cư Đại học Huế:
Điều chỉnh quy hoạch, hạn chế đền bù giải phóng mặt bằng

Theo Ban Quản lý Dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh, việc điều chỉnh quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Đại học Huế (thuộc phường An Cựu và An Tây, TP. Huế) nhằm hạn chế đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), cố gắng giữ lại hiện trạng phần đất của cụm dân cư hiện hữu.

Điều chỉnh quy hoạch, hạn chế đền bù giải phóng mặt bằng

TIN MỚI

Return to top