ClockThứ Ba, 28/09/2021 15:30

Tự do, tùy thích không đồng nghĩa muốn làm gì thì làm

TTH - Tại sao người ta lại cần mẫn “phán”, cần mẫn “buôn” trên MXH? Hóa ra không phải là để được view, được like, được share cho oai…

Trách nhiệm của trao điLợi dụng tâm linh để lừa đảo

Bà chủ Đại Nam Nguyễn Phương Hằng trong 1 live stream tố nghệ sĩ “ăn chặn” tiền từ thiện

Vừa bưng tách cà phê nhấp một ngụm thì một người trong bàn hỏi: “Ông làm báo, vậy cơ quan ông có làm công tác xã hội từ thiện không?”. Tôi gật đầu, cất giọng hào sảng, lòng dậy chút tự hào vì bỗng dưng lại có cơ hội để khoe: “Có chứ, chưa được nhiều lắm nhưng anh em làm rất tích cực. Riêng đợt dịch lần này, anh em trong cơ quan tôi đã xắn tay vận động, kịp thời chuyển đi giúp các tỉnh phía nam mấy chục tấn hàng thiết yếu…”.

Tôi dừng lại, nhấc tách cà phê nhấp một ngụm cho ngọt giọng để khoe tiếp, thì cũng người lúc nãy tiếp lời với giọng rất chân thành: “Này, hỏi thật, làm thế có lãi nhiều không?”. Câu hỏi làm tôi suýt sặc bắn cả ngụm cà phê chưa kịp nuốt ra ngoài. Thế là từ chỗ vui vẻ tự hào, tôi phải cố tìm cách giảng giải, chứng minh để thuyết phục anh ấy tin rằng công việc này chúng tôi làm rất vô tâm vô tư, thậm chí có khi phải trích quỹ hoặc anh em tự nguyện bỏ thêm cho đầy chuyến hàng gửi tặng bà con. Là thiện nguyện, ai dám lăn tăn tính chuyện lời lãi…

Nhưng dù đã vận dụng tất cả “tuyệt kỹ” thuyết khách, người đối diện vẫn cười cười đầy gây gổ: “Ông thì tôi tin, nhưng ông có dám chắc những người khác không? Ông có kiểm soát được họ không?!!”. Nghẹn, biết có nói gì thì cũng chỉ đến vậy, nên thôi. “Nhi chỉ tri chỉ” - Biết chỗ dừng mà dừng như lời dạy của thánh nhân để đỡ mất thời gian.

Tại sao ông bạn cà phê lại hỏi cắc cớ và đầy nghi ngờ như vậy? Không cần phải động não nhiều tôi cũng có thể hiểu, ấy là bởi người ấy đã bị dẫn dắt bởi các thông tin được viết, được live stream, được “còm” búi xua trên mạng xã hội (MXH), trong đó, dày đặc nhất trong thời gian qua là những lùm xùm xung quanh câu chuyện từ thiện khiến xã hội nhìn bức tranh công tác thiện nguyện toàn một màu xám xịt, đầy nghi ngại. Người ta lên mạng mạ lỵ, tố cáo ông A, chị B… - toàn là người của công chúng, có ảnh hưởng xã hội - ăn chặn tiền từ thiện. Còn các đối tượng bị tố thì lại cứ vòng vo, không hoặc không chịu chứng minh một cách rõ ràng, dứt khoát. Cứ vậy cù cưa qua lại khiến công chúng rất bực bõ, bức xúc. Người tố cáo được thể tiếp tục rấn tới, công chúng tò mò tiếp tục nghe. Nghe một lần, hai lần có thể chưa tin, nhưng nghe đến lần thứ ba thì suy nghĩ của người ta sẽ chuyển. Nó hệt chuyện “Tăng Sâm giết người” ngày xưa.

Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Đột nhiên có kẻ hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ vẫn không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi. Một lúc nữa lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Đến lúc này thì bà mẹ sợ cuống lên, quăng thoi vùng chạy. Thật ra, Tăng Sâm giết người là một Tăng Sâm khác, trùng tên với con bà mà thôi. Câu chuyện này để nói cái sức mạnh và nguy hiểm của dư luận.

Việc có thể không có thật, là tầm phào, nhưng lại được nhiều người cùng nói, cùng khẳng định theo một hướng nào đấy thì khiến cho mọi người nghi hoặc rồi dần dần tin là có thật. Cũng như câu chuyện từ thiện xã hội như vừa kể, dù chưa có gì tường minh, có tính pháp lý, nhưng chỉ bởi nghe nhiều người nói, nghe nhiều lần, nên thiên hạ giờ đây hễ “đụng đến” từ thiện là nghi ngờ, là dị ứng (?!!)

Mà câu chuyện từ thiện xã hội chỉ là một đơn cử, còn nhan nhản trên MXH là đủ thứ còn nguy hại hơn.

Người ta “buôn”, người ta “bàn”, người ta “phán” đủ chuyện, đủ lĩnh vực, từ vĩ mô cho đến vi mô, từ “quốc kế dân sinh” cho đến “tổ chức cán bộ”. Có những chuyện thấy người phán nói chắc nịch, cứ như mình là người trong cuộc. Hôm sau trúng thì thành “thánh phán”, trật thì viện nguyên do để… nói lại. Hướng dẫn dư luận kiểu ấy, quả thật quá nguy hiểm!

Nhưng tại sao người ta lại cần mẫn “phán”, cần mẫn “buôn” trên MXH? Hóa ra không phải là để được view, được like, được share cho oai. Dân rành công nghệ khẳng định, với nhiều người “like, view” đều đẻ ra tiền cho họ cả đấy. Ai trả? Nhà mạng trả, nhà quảng cáo. Và ai trả nữa? Cái này cơ quan chức năng hẳn đã và sẽ có câu trả lời.

Bàn về MXH, không ít người bảo, MXH là tự do, là tùy thích. Ừ thì tự do, thì tùy thích, nhưng không đồng nghĩa với ai muốn làm gì thì làm. Tự do, tùy thích nhưng làm tổn thương, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của khác, khiến người khác phải tan gia bại sản, phải tìm đến cách giải quyết tiêu cực, thậm chí là quyên sinh; tự do tùy thích nhưng làm cho đạo đức xuống cấp, gây bất ổn xã hội, gây tổn hại đến an ninh quốc gia… Những hành vi ấy phải được pháp luật điều tiết. Và điều này đang được cả xã hội ngóng chờ hành động mạnh mẽ, nghiêm minh từ cơ quan hữu trách.

Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top