|
Người dân cần trang bị các kiến thức khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số |
Xác minh giao dịch bất thường
Trong phiên giao dịch chiều 21/11, khách hàng T.T.P.T., phường Hương Hồ, TP. Huế mang sổ tiết kiệm 35 triệu đồng yêu cầu rút tiết kiệm trước hạn. Lúc đó Lê Quý Thị Quỳnh Nhi, giao dịch viên của Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế đã hỏi thăm nguyên nhân rút tiền của khách hàng. Sau khi trao đổi và biết khách hàng tất toán sổ tiết kiệm để có đủ số tiền 80 triệu đồng "trả lệ phí hải quan và sân bay nhận tiền từ nước ngoài chuyển về".
Sau khi tìm hiểu cụ thể câu chuyện và nhận thấy bất thường, giao dịch viên đã khuyến cáo khách hàng xác minh lại thông tin. Khi biết được đây là chiêu thức lừa đảo, lợi dụng sự cả tin và chưa nắm rõ kiến thức của người dân về pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giao dịch viên Lê Quý Thị Quỳnh Nhi đã kịp thời báo kiểm soát phòng cùng phối hợp giải thích, ngăn chặn thành công việc chuyển tiền của khách hàng.
Nhờ phát hiện và tìm hiểu các biểu hiệu “bất thường” trong các giao dịch của khách hàng, giao dịch viên Quỳnh Nhi đã góp phần ngăn chặn kịp thời tình huống khách hàng bị lừa đảo 80 triệu đồng.
Trước khi vụ việc lừa đảo này xảy ra, hầu hết các ngân hàng, cơ quan điều tra… đều có những khuyến cáo đến đông đảo người dân về chiêu thức “lừa đảo chuyển tiền để nhận hàng từ nước ngoài”. Tuy không phải là chiêu thức mới, song với các chiêu trò thao túng tâm lý, các đối tượng lừa đảo vẫn lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để lừa tiền.
Thận trọng với các giao dịch không rõ ràng
Không riêng các ngân hàng thương mại, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng đã phát đi rất nhiều công văn chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống trong toàn ngành.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quản lý chặt các hoạt động đăng ký, mở tài khoản, đặc biệt là các tài khoản online; kịp thời phối hợp cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản ngân hàng có dấu hiệu vi phạm khi cơ quan công an yêu cầu. Đối với các giao dịch nghi ngờ, ngân hàng cần hướng dẫn khách hàng cụ thể để tránh rút, chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức cho khách hàng trong việc đảm bảo an toàn bảo mật các giao dịch trực tuyến, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác truyền thông đến khách hàng về các thủ đoạn của tội phạm mạng và các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán thẻ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ, tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, các chiêu trò lừa đảo xuất hiện ngày càng đa dạng. Khi các ngân hàng chú trọng nhiều hơn cho vấn đề an ninh, bảo mật thông tin tài khoản khách hàng, các đối tượng lừa đảo sẽ “nhắm” đến lỗi bất cẩn của khách hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Vì thế, ngoài sự nhập cuộc trong truyền thông của các cơ quan, ban ngành liên quan, người dân cũng cần chủ động tiếp cận các chiêu thức lừa đảo mới để nâng cao cảnh giác, thận trọng xác minh thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Hiện, ngành ngân hàng cũng đang tiếp tục đổi mới công tác truyền thông giáo dục tài chính hướng tới là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người tiêu dùng tài chính trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, ngân hàng, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Ngoài sự nhập cuộc của ngành ngân hàng, mới đây UBND tỉnh cũng ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản, như: đăng tin giả mạo tuyển cộng tác viên làm việc online; kêu gọi đầu tư online siêu lợi nhuận; chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội và quyền sử dụng sim số điện thoại; giả danh giáo viên chủ nhiệm, nhân viên bảo vệ nhà trường hoặc nhân viên bệnh viện; lừa đảo đặt tiệc; chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng; cho vay vốn online; giả danh nhân viên công ty xổ số cho số đánh lô đề; giả danh nhân viên ngân hàng, nhà mạng, nhân viên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki...; giả danh cơ quan chức năng, người nổi tiếng, người nước ngoài thành đạt...
Nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cơ quan, tổ chức đoàn thể ở tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đến từng cơ quan, doanh nghiệp, trường học, người dân; hướng dẫn cán bộ, nhân viên, người dân chủ động xác minh, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch, chuyển tiền và không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ dưới bất cứ hình thức nào.