ClockThứ Bảy, 11/02/2023 16:43

Xứ Huế thu nhỏ giữa lòng Budapest

TTH - Ngay giữa lòng Thủ đô của Hungary, nơi cách Việt Nam hơn 8.700km, có một xứ Huế thu nhỏ được tạo nên bởi chị Nguyễn Phương Thảo, người con Cố đô xa xứ đã gần 40 năm.

Thành quả sau bao ngày vun trồng. Ảnh: NVCC

Ngôi nhà Việt

Đối với chị Nguyễn Phương Thảo, cây cỏ và hoa lá quê nhà đã là tình yêu gắn với máu thịt, như chính tình cảm mà chị dành cho quê hương khi phải rời xa Huế lúc 17 tuổi. Chị bồi hồi kể: “Ba mẹ mình có nhà vườn nho nhỏ, nhưng cây trái thì nhiều lắm. Không chỉ căn nhà thân thương ở đường Trần Nguyên Đán, cứ mỗi khi hè đến, mình lại được tắm mát trong không gian xanh thăm thẳm khi ghé Khe Sanh thăm người thân”.

Chị Thảo mồ côi cha khi còn bé, mẹ chị vừa bận rộn với nghề giáo, vừa xoay xở, gánh vác cả hai vai trò người làm cha, làm mẹ. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn lại ngày càng khó khăn thêm. Đến năm 17 tuổi, với mong ước thoát khỏi cái nghèo, đỡ đần cho nỗi gian truân của mẹ, chị sang Hungary lập nghiệp.

Nhẩm tính đã 37 năm xa nhà, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, chất giọng Huế chẳng lẫn đi đâu được, vẫn đậm đà trên từng câu chữ, trong từng câu chuyện chị kể. “Sau 10 năm lăn lộn nơi trời Âu, mình đã có trong tay ngôi nhà đầu tiên. Ngôi nhà ấy là bao nỗi khát khao, là ước mơ mà mình đã chạm tay tới. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn mình, nỗi nhớ quê hương vẫn luôn đau đáu. Niềm da diết ấy lan cả vào trong từng bữa cơm, từng giấc ngủ”, chị bộc bạch.

Năm 2006, nỗi nhớ ấy được chị gói ghém, gửi gắm vào Ngôi nhà Việt, thỏa mong ước cho hàng chục năm mong mỏi nơi xứ người. Chị chia sẻ: “Sau nhiều năm mơ ước, mong muốn được đưa văn hóa Việt đến với cộng đồng người Hungary và bạn bè quốc tế của mình đã thành hình. Mỗi lúc có dịp về quê hương Việt Nam, về với Huế, mình lùng tìm, mua cho bằng được những món đồ trưng bày trong và ngoài ngôi nhà. Để trong tầm mắt của mình, mọi ngóc ngách, mọi nơi tay mình chạm đến, mắt mình nhìn thấy đều là hình ảnh của quê hương”.

Trong khuôn viên rộng 1.400m2 tại quận 16, Thủ đô Budapest của Hungary, một xứ Huế thu nhỏ đã được hình thành như thế. Ngôi nhà của chị Nguyễn Phương Thảo được xây dựng lấy cảm hứng từ Đại Nội Huế, hình ảnh của ký ức, cho nỗi nhớ, và với chị, còn biểu trưng cho cả xứ Huế mộng mơ nữa. Bên trong và bên ngoài ngôi nhà mơ ước ấy là đôi quang gánh, là chiếc chum đựng nước mưa, những con trâu đá “made in VietNam” cho đến chiếc xích lô từ xứ Huế...

Từ khi Ngôi nhà Việt xuất hiện, không chỉ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nơi đây cũng chính là địa điểm ra đời của Hội đồng hương Huế tại Hungary (thành lập vào ngày 30/12/2007) và là địa chỉ kết nối những người con Cố đô xa xứ. Ngôi nhà ra đời như góp gió cho nỗi nhớ quê hương của chị thêm bùng cháy.

Nơi “trái tim của châu Âu”

Thủ đô Budapest của Hungary được mệnh danh là “trái tim của châu Âu”. Khác với Việt Nam, Hungary có khí hậu ôn đới ẩm ướt và chia ra làm 4 mùa rõ rệt trong năm. Nhất là vào mùa đông, nhiệt độ nơi đây xuống rất thấp và thường có tuyết rơi.

Chị Thảo bộc bạch: “Cây cối là thú vui của mình sau những giờ làm việc mệt nhọc. Niềm vui bên cỏ cây không chỉ giúp vơi bớt nỗi nhớ nhà, được sống, hít thở trong không gian, mùi thơm và hình ảnh cây cối thân thuộc như đưa mình quay trở lại quê hương, trở lại ngôi nhà yêu dấu với con đường xanh rợp bóng cây trong Thành nội”.

Bắt đầu cho hành trình của mình, ban đầu chị đã trồng rất nhiều hoa hồng. Từ năm 2008 cho đến nay, vườn hồng của chị với rất nhiều loại khác nhau đã đưa chị đến với thế giới của những người yêu chuộng giống hoa này. Từ vườn hồng, nhiều bạn bè ở Việt Nam, Mỹ, Pháp, Đức, Áo, Ba Lan… đã đến thăm chị ở Budapest.

Ngoài hoa hồng, những người bạn ghé thăm khu vườn của chị còn đặc biệt thú vị và choáng ngợp bởi sự gần gũi, thân thương của những loại hoa, cây, rau củ Việt Nam. Đó là những gốc tường vy, hoa nhài, hay những đóa sen e ấp được kỳ công mang sang từ Huế. Chị kể: “Bốn năm đầu, hoa sen không sống được do thời tiết châu Âu quá lạnh giá. Mãi đến sau này, vào mùa đông, mình rút kinh nghiệm chỉ để cây ngoài trời hai tháng rồi đưa vào trong nhà. Thời gian để cây ngoài trời trong mùa lạnh cứ sau mỗi năm tăng dần lên cho đến khi sen thích nghi. Mãi đến 3 năm sau, cây mới thuần khí hậu và cho hoa lần đầu”.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, lúc Budapest có lệnh cấm ra đường, chị Phương Thảo đã thuê đất để trồng rau. Khi trồng rau thành công, chị vừa bán, vừa tặng cho những người bạn Việt và cả người nước ngoài. Năm 2021, ngay khu đất của công ty mình, chị dành gần 2.000m2 đất, dự định tạo thêm khu vườn, trồng thêm thật nhiều rau cải, bí, bầu, ngô, khoai lang, những loại rau thân thuộc của quê hương.

Tình yêu của chị với quê nhà đã lay động rất nhiều con tim. Khi biết tin chị muốn trồng rau, có người bạn mang máy cày đến giúp khai hoang, làm đất. Những người bạn khác ủng hộ công làm. Một Việt kiều hỗ trợ cùng chị làm vườn chia sẻ: Tôi cũng yêu cây cối, rau củ quê hương lắm nhưng không có điều kiện trồng hay chăm sóc vì phải kiếm tiền mưu sinh. Bởi thế, tôi rất vui vì được trồng cây, được giúp sức để vườn rau Việt Nam này thành hình những lúc rỗi rảnh”.

Rau khoai là loại rau đầu tiên được chị giâm trồng trên khu đất này. Sau rau khoai là ổi, ngô, hành lá, cải bẹ, bầu, bí, rau dền, mồng tơi... Cũng từ tình yêu với vườn rau, chị mở rộng cánh cửa khu vườn, chào đón cả người lớn và các bạn nhỏ, cả người Việt lẫn người nước ngoài ghé thăm, tìm hiểu về các loài cây, rau củ Việt Nam.

MAI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một chiều xứ Huế

Đi qua khu nghĩa trang mênh mông có đường lên Chín Hầm điểm những vạt thông biếc xanh như những chiếc ô trời che nơi cõi tịnh.

Một chiều xứ Huế
Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế
Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Đình Nhật Nguyên luôn có tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương. Từ niềm trăn trở khi chứng kiến các dòng sông ở Huế thơ mộng nhưng lượng bèo lục bình nổi trôi trên mặt sông đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, Nguyên đã cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án mang tên A.N Paper – Sản xuất giấy từ bèo lục bình.

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế
Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế

Nhiều món ngon trứ danh đại diện cho một số vùng miền được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có thể kể đến như mì Quảng (Quảng Nam), nghề nấu phở (Nam Định). Trước những thông tin này, những thực khách đặt câu hỏi vậy bún bò Huế đứng ở đâu trên bản đồ ẩm thực và tại sao chưa được ghi danh?

Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế
Những người làm rạng danh thể thao xứ Huế

Không chỉ góp phần làm rạng danh và đưa thương hiệu thể thao vang xa, đội ngũ những VĐV là thành viên đội tuyển quốc gia còn là nguồn lực để phát triển lâu dài và bền vững thể thao xứ Huế.

Những người làm rạng danh thể thao xứ Huế
Return to top