ClockThứ Hai, 17/05/2021 15:25

Xử lý rơm rạ trên đồng ruộng: Khó phương tiện lẫn đầu ra

TTH - Dù đã có chỉ thị của UBND tỉnh cùng các văn bản của các sở ngành về việc cấm đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch nhưng vụ đông xuân năm 2020-2021, tình trạng đốt rơm rạ vẫn tái diễn, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông.

Xử lý rơm rạ bằng biện pháp canh tác tổng hợpLàm lợi sản xuất, môi trường từ rơm, rạ

Thu gom rơm rạ bằng cơ giới

Chuyển động từ một số mô hình

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh đánh giá, hiện nay, một số địa phương đã áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom rơm (máy cuốn rơm) và vận chuyển rơm, giúp hoạt động thu gom, tái phục vụ các hoạt động sản xuất nông nghiệp (SXNN) dễ dàng hơn.

Từ năm 2019 đến nay, TTKN tỉnh đã triển khai mô hình ứng dụng các giải pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch như “thu gom rơm bằng máy cuốn phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường”, “áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch vụ đông xuân nhằm tăng năng suất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa”.

Các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho hộ nông dân tham gia và có lợi cho người sử dụng dịch vụ tại địa phương. Sau hội nghị trình diễn tại các địa phương Phú Lương, Phú Đa, Phú Hồ (Phú Vang) đã nhân rộng thêm 5 máy cuốn rơm, tạo ra tính cạnh tranh giá dịch vụ giữa các chủ máy, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Ông Châu Ngọc Phi thông tin, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã có 14 máy cuốn rơm (trong đó có 4 máy tự hành). Ngoài thu gom rơm phục vụ SXNN tại các địa phương, một số chủ máy đã bán với giá 20-22 nghìn đồng/cuộn cho các đối tác ở Hà Nội, Phú Yên, Bình Định với thuận lợi là “giao hàng” ngay tuyến Quốc lộ 1A. Với giá thuê cuốn rơm và chở đến nơi tập kết 10-11 nghìn đồng/cuộn, nông dân sẽ có thu nhập thêm 90-120 nghìn đồng/sào ruộng.

Những năm tới, việc phát triển máy cuốn rơm không những làm dịch vụ thu gom rơm phục vụ SXNN trên địa bàn tỉnh mà còn thu gom rơm để bán cho các tỉnh khác. Việc đầu tư máy cuốn rơm không chỉ dừng lại ở hộ tư nhân phục vụ sản xuất cho gia đình như trước đây mà sẽ chuyển sang kinh doanh dịch vụ chuyên nghiệp.

Chính nguồn rơm rạ từ vụ trước phân hủy đã tạo ra lượng lớn phân hữu cơ cung cấp trở lại cho đồng ruộng. Kết quả đánh giá từ các hộ nông dân tham gia mô hình cho thấy năng suất lúa sử dụng phân bón đạt cao hơn diện tích đối chứng từ 1-4 tạ/ha, mang lại lợi nhuận hơn 1-5 triệu đồng/ha.

Khó phương tiện lẫn đầu ra

Toàn tỉnh hàng năm đưa vào gieo cấy 2 vụ lúa với hơn 50 nghìn ha. Cứ tính bình quân mỗi ha lúa sau thu hoạch có khoảng 4 tấn rơm “dôi dư”, mỗi năm có khoảng 200 nghìn tấn rơm trên đồng ruộng. Tuy nhiên, mới chỉ có một lượng rất nhỏ rơm rạ này được sử dụng trong việc làm nấm, chăn nuôi gia súc, bán cuộn hoặc làm phân bón vi sinh. Số còn lại đa số phải đốt bỏ.

Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tuyên truyền vận động nông dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, khảo sát tại các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, các địa phương, người dân dù ý thức rất rõ trong việc tác hại của đốt rơm gây ô nhiễm môi trường, cạn kiệt chất dinh dưỡng trong đất, nhưng để “không phí hoài cọng rơm” là cả một “bài toán” khó.

Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX SXNN Đông Phú (Quảng An, Quảng Điền) cho rằng, nhiều năm nay, HTX vẫn “tự bơi” loay hoay tìm phương án giải quyết số lượng lớn rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch. Nhưng rồi cũng đành quay lại cách sản xuất truyền thống là “đốt bỏ” bởi chi phí đầu tư quá lớn. Rơm rạ cuộn rồi chẳng biết bán cho ai. Thậm chí HTX vận động và cam kết tìm đầu ra cho rơm rạ sau khi cuộn máy người dân đã đăng ký rồi nhưng lại không dám làm vì sợ rủi ro.

Hàng năm trên địa bàn tỉnh thời tiết thất thường, nếu sau khi thu hoạch không tiến hành đốt rơm ngay mà chờ máy cuộn thì gặp lúc trời mưa rất mất chi phí tiền công để dọn. Thứ khác, đặc điểm sản xuất lúa trên địa bàn 2 vụ đông xuân và hè thu rất sát nhau, không đủ thời gian để thu gom (phải có nơi chứa) để xử lý rơm rạ”, ông Thứ cho biết.

Mới đây, Công ty CP Sữa TH tại Nghệ An, có vào địa bàn tỉnh đặt vấn đề thu mua rơm cuộn cho các HTX sản xuất lúa. HTX NN Đông Phú với sản lượng rơm khá lớn khoảng 2.000 tấn/năm, dự kiến ký hợp đồng hợp tác cung cấp rơm cuộn cho đơn vị này.

Tuy nhiên, yêu cầu rơm khô mà công ty này đưa ra phải đảm bảo các tiêu chí về máy ép rơm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ khô phải đạt 86%... trong khi điều kiện cơ sở vật chất tại HTX không đáp ứng được, cùng với nguồn kinh phí đầu tư quá lớn nên “dự án” tiêu thu rơm tại HTX NN Đông Phú cũng đành bỏ dở.

Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX NN Thủy Thanh 2 (Thủy Thanh, Hương Thủy) cho rằng, nếu đầu tư một số tiền lớn để có máy cuộn rơm, hoặc cơ sở xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học làm phân bón có ích cho SXNN nhưng bán sản phẩm cho ai? Trong khi đầu ra cho sản phẩm còn “mơ hồ” thì giải pháp chọn đốt bỏ rơm cho kịp khung lịch thời vụ người dân vẫn lựa chọn.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp Sở TT&TT thiết lập đường dây nóng và triển khai ứng dụng Hue-S để tiếp nhận phản ánh của các cá nhân, tổ chức đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ trên đồng ruộng, đường giao thông gây cản trở và làm mất an toàn giao thông.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

Để đảm bảo trật tự đô thị - an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) tại các địa điểm tham quan du lịch và các “điểm nóng” trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế huy động nhân lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần ổn định trật tự đô thị và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top