|
Ngày càng nhiều người tiêu dùng chọn mua sắm qua mạng xã hội. Ảnh: Bảo Phước |
Nếu như trước đây, người tiêu dùng còn chần chừ khi mua một món hàng đã qua sử dụng, thì ngày nay, từ vật dụng gia đình, tủ lạnh, bàn ghế đến áo quần, giày dép, đồ trẻ con đều được thanh lý khi không có nhu cầu sử dụng... với giá đa phần chỉ bằng một nửa so với mua mới. Đây là một xu hướng, giúp người không có nhu cầu sử dụng nữa có thể thanh lý đồ, thu về một số tiền nhất định; còn người mua thì mua được thứ cần dùng với giá mềm.
Sinh đứa thứ hai rồi nên mọi chi tiêu đều cần tính toán, hơn nữa biết con nhanh lớn, đồ trẻ con mua rồi chẳng mấy chốc mà không cần sử dụng tới nên chị Kiều Vân (TP. Huế) đã rảo các hội nhóm thanh lý để mua cho con một chiếc xe đẩy. Cuối cùng chị cũng lựa được một chiếc xe đẩy còn khá mới, được đăng thanh lý 700 ngàn đồng. Sau khi trao đổi với người bán, chị được yêu cầu đặt cọc tiền trước vì có nhiều người cũng hỏi mua, nếu không cọc họ sẽ bán cho người khác.
Được yêu cầu cọc 200 ngàn đồng, chị chần chừ muốn cọc bằng tiền ship nhưng người bán lấy lý do đồ cồng kềnh, nếu ship cod (thanh toán khi nhận hàng) mà người mua boom hàng thì họ sẽ mất thời gian, trong khi mặt hàng đó khá cần thiết đối với nhiều người, nên phải cọc như vậy để chắc chắn người mua phải nhận hàng cùng cam kết tình trạng sản phẩm đúng như hình. Nghe cũng có lý nên chị Vân đã không ngần ngại chuyển khoản cọc. Sau 3 ngày, rồi 5 ngày cũng chưa nhận được hàng, chị Vân nhắn tin thì tài khoản bên kia vẫn ậm ờ là hàng đã đi gửi rồi. Sau đó một vài hôm cũng chưa nhận được hàng, chị Vân thấy nghi nghi vào trang cá nhân của người bán thì thấy thông tin rất mơ hồ, mới ngờ ngợ ra mình bị lừa; nhắn tin hỏi lần nữa thì lập tức bị chặn tin nhắn.
|
Khi mua hàng thanh lý, người mua cần cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo (Hình minh họa) |
“Dù đã lừa mình ngay từ đầu, nhưng họ vẫn giả vờ là đã gửi hàng, vẫn trả lời tin nhắn để câu thời gian, để không bị mình đăng bài cảnh báo lên các hội nhóm và tiếp tục lừa những người khác. Bẵng đi thời gian, tôi lại thấy những mặt hàng quen quen, những hình ảnh đó tiếp tục được đăng thanh lý bằng những tài khoản khác nhau”.
Chị Thanh Phương ở huyện Phú Vang cũng là một nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này. Chị Phương vẫn nhận được hàng, nhưng là hình một đằng hàng một nẻo. “Tôi mua một đôi giày hàng hiệu thanh lý với nửa giá, nhưng khi giao hàng tới không có ở nhà nên nhờ chồng nhận hàng và thanh toán; về nhà kiểm tra lại thì mới phát hiện ra là hàng đểu; nhắn tin với người bán thì phát hiện ra mình đã bị chặn từ lúc hàng được giao thành công”, chị Phương kể.
Mới đây, khi thấy trên trang “Rao vặt Huế” đăng bán một số món đồ khá xịn của sinh viên ra trường, cũng tò mò nên tôi có mở từng cái ảnh ra xem; nhưng phát hiện mỗi món đồ được chụp ở một nơi khác nhau. Trang facebook của người bán thì chẳng có uy tín. Nhưng để muốn xác thực nghi ngờ của mình, tôi vẫn nhắn tin hỏi mua một món hàng, sau khi thỏa thuận giá cả, người bán cũng với chiêu trò bắt tôi cọc tiền, khi tôi không đồng ý cọc mà muốn nhận hàng mới thanh toán thì liền bị chặn...
Không chỉ mua phải hàng cũ chất lượng không đúng như mô tả, hàng nhái, mà chiêu trò lừa đảo như chuyển khoản đặt cọc hoặc chuyển khoản trước tiền hàng để được miễn ship xong thì chặn người mua, là một trong những cách lừa đảo tinh vi. Không chỉ thao túng tâm lý người mua với những lời hối thúc mà đánh vào tâm lý, với suy nghĩ tiền cọc chẳng đáng là bao, cọc để họ giữ hàng cho chắc nên những kẻ lừa đảo đã dễ dàng “móc túi” các con mồi.
Thực tế, cơ quan chức năng đã bắt và xử lý nhiều vụ lừa đảo bán hàng thanh lý qua mạng xã hội. Các đối tượng này đã lập nhiều tài khoản facebook để bán hàng và chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều người mua trên khắp cả nước. Các nick ảo này đăng vào nhiều hội nhóm rao bán, thanh lý những món hàng có giá trị...
Để tránh bị lừa đảo, người mua hàng cần kiểm tra độ tin cậy của các tài khoản đăng bán hàng; tốt nhất là chỉ thanh toán sau khi đã được nhận và kiểm tra hàng, tránh rủi ro bị lừa đảo mất tiền đặt cọc.
Kinh doanh online là xu hướng tất yếu trong thời đại hiện nay, nhưng đây cũng là cơ hội để những kẻ lừa đảo núp dưới nhiều hình thức khác nhau để lừa người tiêu dùng nên mọi người cần cẩn thận, cân nhắc trước khi mua hàng theo hình thức này. Các hình thức lừa đảo trên mạng vẫn cứ nở rộ, biến đổi từng ngày với những hình thái khác nhau. Đối tượng mà chúng hướng đến chủ yếu là người có thu nhập thấp, sinh viên... và số tiền lừa cũng tương đối ít để người bị lừa không tố giác. Nhưng thực tế, một người một ít số tiền mà chúng lừa đảo mỗi ngày là rất lớn...