ClockThứ Năm, 25/11/2021 13:30

Động vật hoang dã vẫn “đi lạc” vào quán

TTH - Nếu như không bị săn bắn, không có nhu cầu của con người, chắc chắn các loài động vật hoang dã (ĐVHD) chẳng bao giờ “đi lạc” vào các nhà dân, nhà hàng ở đồng bằng. Chúng cũng không thể tự dùng đôi chân của mình từ bỏ chốn “thâm sơn cùng cốc”, vượt qua chặng đường dài với bao nguy hiểm để đến phố thị rồi sau đó phải nhờ chính con người giải cứu.

Bị phạt 270 triệu đồng do tàng trữ động vật hoang dã quý hiếmPhát hiện kinh doanh nhiều động vật hoang dã trái phépCứu chim trời

Tiếp nhận một cá thể tê tê nặng 4kg “đi lạc” vào nhà một người dân ở phường Phú Thượng, TP. Huế

Liên tiếp nhiều vụ việc

Vừa qua, UBND tỉnh quyết định xử vi phạm hành chính đối với ông Cao Văn Hoàng là phụ bếp tại nhà hàng Sơn Hải Quán 3 (Thủy Dương, Hương Thủy) với mức phạt 270 triệu đồng do hành vi tàng trữ, chế biến, mua bán ĐVHD trái phép.

Trong quá trình kiểm tra nhà hàng nơi ông Hoàng đang làm việc, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy đã phát hiện và tịch thu 1 cá thể kỳ đà vân (Varanuss nebulosus) với trọng lượng 1,2kg đang còn sống. Đây là loài động vật nằm trong Sách Đỏ Việt Nam nhóm IB, mức độ cực kỳ nguy cấp và cần phải được bảo vệ để tránh nguy cơ tuyệt chủng.

Ngày 17/8, tại khoảnh 2 tiểu khu 385, rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã, lực lượng kiểm lâm bắt giữ 6 đối tượng (trú huyện Nam Đông) với tang vật là 1 khẩu súng săn tự chế cùng 9 viên đạn và một số dụng cụ đi rừng. Kiểm tra trong 2 ba lô mà các đối tượng mang theo phát hiện xác 2 con chồn bay, 1 con cầy vòi hương, 6 đầu linh trưởng (nghi vọoc chà vá chân nâu) và 3 phần thân linh trưởng bị thui đen. Qua đấu tranh, 6 đối tượng thừa nhận dùng súng săn tự chế để săn bắn các động vật rừng này. Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đông hiện vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Trước đó, kiểm lâm VQG Bạch Mã bắt quả tang Võ Bùi Ngọc Thịnh (33 tuổi; trú huyện Nam Đông) vận chuyển trái phép 10 kg thịt lợn rừng. Đối tượng khai nhận đây là số thịt động vật rừng do tự bẫy bắt tại tiểu khu 419, VQG Bạch Mã sau đó xẻ thịt mang về tiêu thụ.

Nhiều vụ giải cứu ĐVHD “đi lạc” ở các khu dân cư, nhà hàng để đưa chúng về với môi trường sống tự nhiên đã được thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Riêng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2020 đến nay tiếp nhận và cứu hộ thành công 20 cá thể ĐVHD, trong đó 19 cá thể loài nguy cấp, quý, hiếm; ngoài ra đã cứu hộ 208 động vật rừng là tang vật các vụ vi phạm như mèo rừng, sơn dương, cá thể chim.

Mới đây, lực lượng chức năng kiểm tra tại nhà hàng Sơn Hải Quán (Thủy Dương, Hương Thủy) và thu giữ 3 cá thể cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) đã bị giết mổ, không còn lông và nội tạng; 1 cá thể kỳ đà vân (Varanus nebulosus). Điều này phần nào chứng minh vì sao vẫn có rất nhiều đối tượng bất chấp nguy hiểm, coi thường pháp luật để vào rừng sắn bắn và cũng cho thấy các loài ĐVHD không thể tự “đi lạc”.

“Sự hiểu biết và nhận thức và của một bộ phận không nhỏ người dân về tác dụng của các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD còn sai lệch. Họ cho rằng các sản phẩm này có tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, gián tiếp tạo động lực cho các đối tượng săn bắt, mua bán, vận chuyển ĐVHD trái pháp luật”, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhìn nhận.

Lúng túng định giá để xử lý

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã cho rằng, để tăng cường công tác bảo vệ rừng, bảo vệ ĐVHD, ngoài tuần tra, kiểm soát, đơn vị này cũng đã thực hiện ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và bảo tồn đa dạng sinh học với 3 xã vùng đệm cùng lực lượng hạt kiểm lâm, công an huyện. Bên cạnh đó, đơn vị còn chú trọng thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân sinh sống ở vùng đệm để giảm phụ thuộc vào rừng.

Ông Lê Ngọc Tuấn cũng nhận định, để giải quyết vấn đề này, cần tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đối với những khu vực có rừng để làm giảm áp lực từ việc săn, bắn, bắt, bẫy các loài ĐVHD trái phép. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm các VQG, khu rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài ĐVHD.

Trong công tác đấu tranh với tội phạm săn bắn, giết mổ, vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD, ngoài lực lượng kiểm lâm còn có công an, chính quyền địa phương, các chủ rừng cũng như cộng đồng xã hội. Thế nhưng vì sao vấn nạn này vẫn cứ tồn tại, ngày càng tinh vi hơn?

Ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng, trong quá trình vận chuyển hoặc giao hàng, các đối tượng này luôn cử người theo dõi, canh gác lực lượng chức năng, đồng thời thay đổi phương thức cũng như đối tượng giao nhận hàng; tàng trữ động vật rừng trái phép ở những nơi kín đáo nên rất khó kiểm tra, phát hiện bắt giữ.

Các cơ quan thực thi pháp luật hiện thiếu cơ sở vật chất như tủ đông lạnh để bảo quản các tang vật là sản phẩm ĐVHD. “Nếu không có các tủ đông thì tang vật dạng này thường bị phân hủy và thối rữa rất nhanh, ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xử lý”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, do hiện nay hầu như không có giá thị trường, đặc biệt là đối với ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm thì càng không thể có căn cứ chính xác nào để quy định về giá, có chăng chỉ là định giá theo cảm tính, không thống nhất, dẫn tới việc áp dụng pháp luật không công bằng.

Các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác cũng như kinh phí giám định còn hạn chế. Việc giám định các mẫu vật, nhận dạng loài, sản phẩm của ĐVHD quý, hiếm còn gặp khó khăn, thời gian kéo dài, chi phí cao; do vậy công tác đấu tranh còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời.

Người đứng đầu ngành kiểm lâm tỉnh cũng cho rằng, cần kiến nghị Quốc hội nên bổ sung “nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của kiểm lâm” được quy định tại Điều 34 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đối với “Tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD”.

Hạn chế vấn nạn săn bắn chim trời

Từ đầu năm cho đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 25 đợt ra quân xử lý tình trạng bẫy bắt chim trời; đã tịch thu tiêu hủy 9.110 bẫy que dính, 2.263 cò mồi xốp, tháo 5 giàn bẫy, 1.300m2 lưới, 3 bộ loa dụ chim và bình ắc quy, cứu hộ thả 160 cá thể cò sống về tự nhiên. Đây là một trong nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa nạn săn bắt chim trời.

Hà Nguyên - Minh Linh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Nói không với thịt thú rừng

Sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD).

Nói không với thịt thú rừng
Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

Để đảm bảo trật tự đô thị - an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) tại các địa điểm tham quan du lịch và các “điểm nóng” trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế huy động nhân lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần ổn định trật tự đô thị và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
  • Bảng giá nệm khuyến mãi 2025
Thức ăn ướt Pate Tellme 130g
Return to top