ClockThứ Bảy, 29/08/2020 09:37

Giàu cũng lo tiết kiệm

TTH - Trung Quốc làm cái gì cũng thấy to cao vạm vỡ. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến Trung Quốc có động lực bơm vào 33 tỷ USD để xây tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải dài hơn 1.300km. Năm ấy, tôi có dịp đi du lịch Trung Quốc thấy tuyến đường này đang làm. Dọc theo nhiều tuyến đường bộ, nhìn hàng dãy trụ đúc hẫng chạy song song mà “lé mắt”.

Ở Huế lâu ngày thấy Đại Nội đã “dữ” và tự hào vô cùng. Qua Tử Cấm thành Trung Quốc, hay còn gọi Cố Cung mới thấy “dữ” hơn (tất nhiên là nói về độ “to cao vạm vỡ”).

Và gần đây là đập Tam Hiệp, cũng lớn nhất thế giới. Đợt lũ lụt đang hoành hành, đập Tam Hiệp là tâm điểm sự chú ý của thế giới, bởi lượng nước đổ về có lúc đạt lưu lượng gần 74.000m3/s, buộc 10 cửa đập phải xả. Lúc này mới thấy, có khi to quá cũng ớn!

Về kinh tế, hay như thời kỳ mở cửa, Trung Quốc không phải xây dựng doanh nghiệp này, mở xưởng sản xuất nọ mà xác định “ngay và luôn” - “công xưởng của thế giới”. Có lẽ chính điều này đã giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mức hai con số trong vòng 20 năm. Sinh ra một giới trung lưu và thượng lưu tăng vọt. Nó tác động đến nhiều mặt trong đời sống xã hội: giá đất đô thị tăng cao; các dịch vụ cao cấp nở rộ; mức độ xa xỉ của người dân tăng lên; tham nhũng cũng tăng cao… Và ô nhiễm môi trường cũng tăng cao chưa từng thấy!

Thế đấy! Ở một đất nước đông dân nhất thế giới, kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, tưởng Trung Quốc quên những điều “nhỏ nhặt”. Nhưng không phải, mới đây Chủ tịch Tập Cận Bình đăng đàn kêu gọi người dân tiết kiệm lương thực. Ông nói: “hiện tượng lãng phí thực phẩm rất đáng sợ và đáng lo ngại”.

Thực ra từ những năm trước, ông Tập đã từng nói đến việc tiết kiệm nhưng có vẻ như ít người để ý. Giờ người ta chú ý là vì có bối cảnh của nó: dịch bệnh hoành hành; lũ lụt diễn ra ngày càng gay gắt; giao thương bị gián đoạn… Phải chăng đất nước đông dân nhất thế giới đang lo đến cái tưởng chừng nhỏ nhặt nhất, nhưng không có nó “chết liền”: cái ăn!

Thế mới biết, sự lãng phí là rất cần phải xem xét, nghĩ lại, dù bất cứ đất nước nào, trong hoàn cảnh nào. Chuyện người phương Tây đi du lịch qua Việt Nam gọi thức ăn (mà chắc đi đến nước nào cũng vậy) họ gọi thức ăn bao giờ cũng đủ để ăn, có thể là thiếu (cũng nên) nhưng tuyệt nhiên không để thừa. Có cảm giác như họ ăn là để dành tiền để đi thăm thú được nhiều nơi chứ không phải mục đích tối thượng là ăn. Có lần tôi đi du lịch Singapore và cũng là lần đầu tiên đi ra nước ngoài. Trong tour này có một bữa tiệc buffet, toàn hải sản. Và trên bàn họ để ngay bảng căn dặn, đại ý thừa thức ăn là bị phạt bao nhiêu “đô” Sing tùy theo lượng thức ăn thừa. Thế là ai trong đoàn cũng rón rén. Thậm chí còn nhắc nhau: lấy thức ăn vừa vừa thôi nghe, hết rồi lấy tiếp! Còn người Việt mình, chuyện gọi thừa mứa là chuyện bình thường, dù là tiền của mình hay tiền được chiêu đãi. Hay là người Việt mình quan niệm (không phải là tất cả nhưng là phổ biến): lâu lâu đi chơi một lần nên chơi cho sang, cho sướng. Có phải vì thế không mà ăn uống thả ga, chẳng cần đắn đo gì chuyện lãng phí hay không lãng phí.

Ông Tập Cận Bình kêu gọi người dân Trung Quốc: “tiết kiệm trong ăn uống, tạo không khí xấu hổ vì lãng phí thực phẩm và tự hào vì tiết kiệm trong xã hội”. Không dừng lại ở lời vỗ về, ông Tập còn  dọa: “có biện pháp hữu hiệu, thiết lập cơ chế lâu dài và mạnh tay trấn áp tình trạng lãng phí thực phẩm không cần thiết”.

Những lời mạnh mẽ của ông Tập cho chúng ta một cảm giác cần thiết và cấp thiết - không tiết kiệm là không được rồi, mà là lương thực, trong bối cảnh nhiều biến động.

Có lẽ dịp này chúng ta xem lại chúng ta lãng phí những gì? Quan sát trong xã hội tôi thấy nhiều lắm. Cưới hỏi, tiệc tùng, kỵ giỗ, việc làng, hội hè, lễ hội… mỗi lần như thế, đồ ăn thức uống ê hề. Một tiệc cưới phải dọn 6-7 món, thịt thà dư thừa. Mỗi người đi mừng một phong bì bằng tiền coi như xong. Xong tiệc có nhiều món trên bàn không ai đụng đến hoặc rất ít. Không biết nó được đổ đi hay “xoay vòng” ở một bữa ăn nào đó! Nhưng dù sao cũng lãng phí. Hãy tính thử xem một năm cả nước mình, cả Thừa Thiên Huế có bao nhiêu cuộc như vậy! Lãng phí là một việc, một việc khác nó gây áp lực lên kinh tế gia đình.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khẩn trương hoàn thành Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều 2/5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 4/2024 và thảo luận Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khẩn trương hoàn thành Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương
Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Đọc sách là xây dựng xã hội tri thức

Đọc sách là một hành vi văn hóa của loài người đã mấy nghìn năm nay. Một trong những tiêu chí đã xác định một nền văn minh là phải có chữ viết và chữ viết tồn tại, phát huy, bảo tồn được các giá trị văn hóa của một quốc gia, dân tộc và rộng hơn nữa là nhân loại không nằm ngoài sách.

Đọc sách là xây dựng xã hội tri thức
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Return to top