ClockThứ Tư, 10/04/2024 13:05

Nuôi chó thả rông - hiểm họa khôn lường

TTH - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện bệnh dại trên người, nhưng cả nước đã ghi nhận 23 ca tử vong do bệnh dại ở 22 tỉnh, tăng 13 ca so với cùng kỳ năm trước và gần 70 ngàn người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước).

Cần chế tài mạnh chó thả rôngLại chuyện chó thả rông

 Chó thả rông có dấu hiệu đuổi theo người đi đường

Đã gần 5 tháng nay, nhưng gia đình và nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng, lo lắng khi chứng kiến một con chó Phú Quốc thả rông tấn công, cắn nhiều phát vào cơ thể cháu bé 4 tuổi ở xã Phú Dương (TP. Huế).

Theo lời kể của người nhà thì trong lúc ra đường chơi, cháu bé bị con chó hung dữ tấn công, rất may được nhiều người đi đường, người nhà kịp thời đến ngăn chặn, đưa cháu cấp cứu ở Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế. Qua kiểm tra, có đến 5 vết thương rất nặng phải được phẫu thuật, băng bó vì có nguy cơ hoại tử, đe dọa đến tính mạng.

Cháu bé sau đó được tiêm vắc-xin phòng dại và chăm sóc, theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đến nay, dù sức khỏe ổn định, song mỗi khi thấy chó cháu bé tỏ ra hoảng sợ, mất tinh thần.

Trên địa bàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn lâu nay, cứ mỗi khi ra đường hay vào các công viên không khó để bắt gặp những con chó thả rông, không rọ mõm, không người trông giữ. Nhiều con hễ thấy người đi bộ, hay tham gia giao thông trên đường là đuổi theo, có ý muốn tấn công.

Với hình thức nuôi thả rông phổ biến như hiện nay thật sự là hiểm họa khôn lường. Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, phần nhiều hộ dân chủ yếu nuôi chó cỏ, chó cảnh thân nhỏ. Tuy nhiên, vẫn có không ít con chó cỏ có biểu hiện bất thường, hung dữ. Riêng một số giống chó Phú Quốc, Beagle… rất hung dữ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao tấn công người, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chị Trần Thị Mai ở tổ 13, khu vực 5, phường Thủy Xuân (TP. Huế) chia sẻ, chị thật sự lo lắng khi dẫn các con đi chơi công viên, hay cho con ra đường trước tình trạng nuôi chó thả rông khá phổ biến như hiện nay. Chó nuôi thả rông hầu hết không rọ mõm, không có người chăn dắt. Nhiều năm trước, chị Mai từng bắt gặp chó cắn người, đặc biệt là trẻ em khiến chị rất lo ngại.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 70 ngàn con, trong đó chó 55 ngàn con, còn lại là mèo. Tính đến ngày 4/4, toàn tỉnh đã tiêm hơn 11.500 liều vắc-xin dại chó, mèo, chỉ đạt 20% tổng đàn. Hiện ngành chăn nuôi, thú y cùng các địa phương đang triển khai công tác phòng, chống bệnh dại chó, mèo, phấn đấu đến ngày 15/4, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại đạt 85% diện tiêm.

Lâu nay, hoạt động tuyên truyền bằng xe lưu động, loa truyền thanh tại các phường, xã về phòng, chống bệnh dại được triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, việc quản lý chó, mèo nuôi thả rông đang gặp nhiều khó khăn, đến nay toàn tỉnh mới in và cấp 1.080 sổ quản lý chó nuôi và cam kết thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh, trong khi đàn chó, mèo có đến 70 ngàn con. Ý thức của chủ nuôi chó, mèo về việc báo cáo kê khai vật nuôi với chính quyền địa phương chưa cao, nên việc thống kê và quản lý số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo đến nay vẫn chưa đầy đủ. UBND cấp xã, phường chưa thành lập được đội bắt và xử lý chó thả rông trên địa bàn.

Đến thời điểm này, chưa có địa phương nào thành lập và tổ chức bắt chó thả rông. Trở ngại lớn hiện nay là chưa được bố trí kinh phí để hỗ trợ cho các đội xử lý chó thả rông, các lực lượng chưa được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ bắt chó, chưa bố trí được nơi tạm giữ, chăm sóc chó sau khi bắt tại các xã, phường…

Ông Nguyễn Văn Hưng cho rằng, giải pháp trước mắt tập trung triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh dại chó, mèo đến tận thôn, tổ dân phố, chủ nuôi chó. Đồng thời, kết hợp thống kê chính xác tổng đàn, buộc các chủ nuôi cam kết nuôi nhốt, xích, có rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng, giám sát, phát hiện, ứng phó kịp thời các ca bệnh dại trên động vật. Tuyên truyền tác hại, sự nguy hiểm của bệnh dại được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức cho chủ nuôi và người dân thông qua các buổi hội họp, tờ rơi, các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo khuyến cáo của ông Hưng, khi người dân nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay đến chính quyền địa phương, hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở. Trường hợp chó, mèo tấn công gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Chó nuôi phải được xích, nhốt hoặc chăn giữ trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm, hoặc xích giữ chó và có người dắt.

Bài, ảnh: Thế Hoàng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việc nhỏ, tránh hậu quả lớn

Việc nuôi chó, mèo của nhiều hộ dân không đúng theo quy định, đã gây ra nhiều hệ lụy cho chính người nuôi và xã hội…

Việc nhỏ, tránh hậu quả lớn
Hiểm họa từ việc vượt rào chắn

Việc không tuân thủ quy tắc giao thông của một số người dân khi đi qua những điểm giao cắt đường bộ - đường sắt như vượt rào chắn khi đã có tín hiệu cảnh báo, không chấp hành hiệu lệnh, biển chỉ dẫn là những hành vi vô cùng nguy hiểm, đã và đang là nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn giao thông.

Hiểm họa từ việc vượt rào chắn
Tác hại khôn lường từ thuốc lá điện tử

Mặc dù các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại nước ta, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) trong giới trẻ đang gia tăng, bất chấp những tác hại khôn lường của trào lưu mới này.

Tác hại khôn lường từ thuốc lá điện tử
Tăng glucose máu - hiểm họa cho toàn xã hội

Ngày 17/12, Hội Nội tiết & Đái tháo đường Thừa Thiên Huế và Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 5 về bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa. Chủ đề năm nay là “Tăng Glucose máu - hiểm họa cho toàn xã hội”.

Tăng glucose máu - hiểm họa cho toàn xã hội
Return to top