Một quán “pub beer” ở đường Đặng Thái Thân (TP. Huế) chỉ hoạt động vào ban đêm với âm thanh sôi động không phù hợp với không gian cổ kính ở Hoàng thành. Ảnh: MC
Đó là lời chia sẻ của ông chủ một không gian diễn xướng lãng mạn, cổ kính gắn với sông Hương. Không gian đi vào hoạt động đã vài năm và được du khách lựa chọn. Dòng khách hướng đến của không gian là những người yêu thích sự yên bình và lãng mạn. Âm nhạc cổ điển và truyền thống, cùng với không gian đậm chất Huế khiến nơi đây trở thành điểm đến đẳng cấp, hướng đến phân khúc dòng khách chuyên biệt, có mức chi tiêu cao.
Còn phía sông đối diện là một resort. Ở cơ sở lưu trú này thỉnh thoảng tổ chức những buổi tiệc “gala diner” cho những đoàn khách đi tour với số lượng khá lớn. Vậy là khi hai bên cùng một lúc đón và phục vụ khách, sự xung đột âm thanh và không gian đã xảy ra dù khoảng cách dòng sông Hương không phải là ngắn. Khi đó, âm thanh ở không gian nhạc thính phòng bị lấn át và không thể duy trì tổ chức biểu diễn.
Có một quan điểm luôn được thống nhất là, mọi dòng khách khi đến Huế được đánh giá tầm quan trọng và có những đối xử ưu ái như nhau. Mỗi cơ sở cung ứng dịch vụ đều hướng đến những dòng khách chuyên biệt riêng. Khi tiến hành những phép tính về bài toán kinh tế cho điểm đến thì các dòng khách đều có vai trò như nhau. Vì tất cả đều mang nguồn thu đến cho Huế. Đối với không gian diễn xướng cổ điển trên hướng đến dòng khách cao cấp, số lượng ít. Còn bên kia đối diện có thể là dòng khách phổ thông, mức chi tiêu thấp hơn, nhưng số lượng lại lớn.
Trong tình huống này, có nhiều vấn đề được đặt ra. Thứ nhất, phía đơn vị tổ chức nhạc sôi động chấp hành đúng về khung giờ, âm lượng có đúng quy định cho phép? Thứ hai, về phía doanh nghiệp đã nghiên cứu kỹ lưỡng về địa điểm tối ưu nhất cho một không gian diễn xướng cổ điển có thể hoạt động lâu dài mà không chịu tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh? Về phía cơ quan chức năng, liệu khi tham mưu, thẩm định, cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư dịch vụ đã phù hợp. Về vĩ mô hơn, liệu đã có một “bức tranh” quy hoạch điểm đến, dịch vụ bài bản, tổng thể. Ở đó sẽ không có sự xung đột mà phải là bổ trợ dịch vụ hợp lý cho nhau.
Đó chỉ là một minh chứng cụ thể cho thấy sự xung đột về không gian trong phát triển du lịch. Một yếu tố, mà cũng có thể xem là vấn nạn hiện nay được ngành du lịch nhấn mạnh là “ô nhiễm” âm thanh. Sự phát triển của các loa kéo (loa hát karaoke di động), hay sự mọc lên quá nhiều quán “pub beer”, dạng gần giống với quán bar khiến những không gian du lịch bị bội thực âm thanh. Có những không gian vốn cổ kính, yên bình, điểm làm nên đặc trưng của Huế cũng bị âm thanh của tiếng nhạc phá vỡ đi.
Đơn cử như trên đường Đặng Thái Thân, TP. Huế. Phía trước là Đại Nội, đây là không gian cổ kính, nằm trên tuyến đường quanh Hoàng thành. Định hướng trong tương lai là tuyến đi bộ với những loại hình kinh doanh đậm nét truyền thống. Nhưng gần đây mọc lên một quán “pub beer” với âm thanh sôi động, tiếng cụng ly của thực khách huyên náo mỗi đêm. Dù tuyến đường này chưa có quy định cụ thể về loại hình kinh doanh, nhưng xét về tổng thể, việc hình thành một quán “pub beer” ở đây là không hợp lý chút nào.
Vì sao chúng ta không quy hoạch, quy định ngay từ đầu ở những tuyến phố, những con đường với những loại hình kinh doanh đặc trưng khác nhau? Đó là câu hỏi có tính thời sự, vấn đề khó, nhưng rất cần có sự định hướng. Với kinh tế đêm và cần dịch vụ để tăng sức hút với du khách trẻ, những quán “pub beer”, quán bar là cần có, nhưng đó phải là những không gian phù hợp. Có thể là khu vực phố Tây, hay chuyển dịch về các vùng vệ tinh thành phố. Còn khu vực lõi trong Hoàng thành, vùng lõm của đô thị phải là cổ kính, truyền thống.
Chúng ta cứ so sánh mãi giữa đô thị cổ Cố đô Huế và Hội An: Vì sao họ có tính quy củ, nhìn đồng bộ, còn Huế lại chưa? Đó là họ có quy định, có khuyến cáo về loại hình kinh doanh rất cụ thể cho từng không gian, từng vị trí. Sông Hương đã phân chia Huế thành hai vùng khác nhau. Ở phía bắc thành phố, bây giờ đã phải tính đến quy hoạch lại từng khu vực, nơi sẽ giữ nguyên, không kinh doanh, làm mô hình đô thị kiểu mẫu đặc trưng; nơi sẽ là dịch vụ ăn uống, mua sắm… và cả những tuyến đường kinh doanh dịch vụ homestay cũng cần được định hướng. Ban đầu sẽ khó, nhưng không làm thì sao có sự chuyển biến.
Quy hoạch luôn là yếu tố quan trọng, mang tầm chiến lược cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Cho nên mới nói, quy hoạch khu vực dịch vụ du lịch đối với Huế là rất cần thiết và cần thực hiện sớm.
Đức Quang