ClockThứ Ba, 07/12/2021 06:45

Vài góp ý cho phố đi bộ Hoàng thành Huế

TTH - Trong tư tưởng Thái hòa của quy hoạch cổ điển Kinh thành Huế, con người khiêm cung trước trời đất, nghệ thuật phong thủy đã đưa thiên nhiên hòa vào cuộc sống chốn đế đô, tạo nên tuyệt tác đô thị - thành phố vườn, với sự đồng điệu của xứ Thiền kinh, làm cho cảnh sắc và con người luôn thâm trầm, an nhiên, tĩnh tại.

Xây dựng chương trình nghệ thuật phục vụ phố đi bộ Hoàng thành Huế

Chuẩn bị để đưa phố đi bộ Hoàng thành vào hoạt động đầu năm 2022. Ảnh: Việt Hùng

Từ đầu thế kỷ XX, người Pháp trân trọng tinh thần chủ đạo đó, nhất là với quần thể kiến trúc Kinh thành vùng Bắc sông Hương, cùng Nam triều đầu tư xây dựng khu phố Tây - đô thị mới ở bờ Nam. Từ đó, Đại Nam đồng điệu với hơi thở thời đại đỉnh cao suốt một thời gian dài. Hệ sinh thái tự nhiên thoáng đãng là môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng tâm hồn hướng nội, càng có ý nghĩa, nổi bật giá trị trong xã hội hiện đại - vấn nạn ô nhiễm môi trường, nhân mãn... Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là hành lang pháp lý để phát triển đô thị sinh thái và di sản nhân văn độc đáo, trên nền tảng bảo tồn hồn cốt riêng có của Huế.

Khám phá Huế ở không gian phố đi bộ quanh Hoàng thành là thử nghiệm giúp phát lộ lối đi hợp lý, gắn kết chặt chẽ đời sống người dân - doanh nghiệp - chính quyền địa phương để chuyển hóa hệ di sản văn hóa hiện hữu trong những sản phẩm - hoạt động cụ thể, phục vụ đời sống dân sinh, phát triển du lịch dịch vụ.

Kinh thành - Hoàng thành và Tử Cấm thành, thành quách rêu phong sẽ từng bước được quan tâm đầu tư, kích thích để thổi hồn di sản, làm sống lại không gian di tích bởi những hoạt động mang đậm giá trị lịch sử và văn hóa phù hợp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Bước đầu, đề án được triển khai thực nghiệm trên bốn tuyến đường 23 Tháng 8 (Nam), Đoàn Thị Điểm (Đông), Đặng Thái Thân (Bắc) và Lê Huân (Tây).

Ở mặt Nam - Đường 23 Tháng 8 là mặt trước của Kinh thành. Trục thiêng Ngọ Môn - Kỳ đài tạo nên không gian lễ nghi khánh tiết trang trọng. Các hoạt động ở đây cần đặc biệt chú ý trong mối quan hệ với các thiết chế đặc hữu như Ngọ Môn - lầu Ngũ Phụng, Kỳ Đài, Tả - Hữu pháo xưởng và Quảng trường Ngọ Môn. Chính vì tính chất trọng yếu chính danh đó mà nơi đây cần được ưu tiên đặc biệt cho các hoạt động lễ nghi chính thức, tái hiện các hoạt động gắn liền cung đình triều Nguyễn, như lệ đổi gác, đêm hoàng cung, lễ hội truyền lô, lễ ban sóc, thi tiến sỹ võ... Quảng trường Ngọ Môn đúng nghĩa là không gian đi bộ, nơi trưng bày, quảng diễn các hoạt động phù hợp mang nhiều giá trị đặc trưng như diều Huế (ban ngày) và đèn lồng (ban đêm)...

Ở mặt Đông - đường Đoàn Thị Điểm, có cửa Hiển Nhơn gắn liền với truyền thống khoa bảng của quý ông, nhất là với Di Luân Đường Quốc Tử giám có thể phát triển thành trung tâm sách - đường sách và văn phòng phẩm cùng các hoạt động của một Lễ đường giáo dục, quảng diễn liên quan đến chủ đề di sản văn hóa với học đường. Không gian này gắn kết chặt chẽ với Lầu Tàng Thơ và hồ Tịnh Tâm ở đường Đinh Tiên Hoàng.

Phủ Nội Vụ (trong cửa Hiển Nhơn) là đại công xưởng chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công nghiệp tinh xảo, quý  giá của triều Nguyễn, như hệ hàng hóa vàng bạc, dệt và thêu, may trên vải lụa gấm vóc sa đũi... Khách sạn Thành Nội nay là Đại Nam Thái Y viện, kỳ vọng với nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng kết hợp y học cổ truyền thời Nguyễn và y dược học hiện đại. Đây là điểm chuyển tiếp, kết nối với Bình An đường ở đầu đường Đặng Thái Thân.

Ở mặt Bắc - đường Đặng Thái Thân, Bình An đường là nơi nghỉ dưỡng cuối đời của quý bà trong hậu cung. Nơi đây có thể gắn kết với Đại Nam Thái Y viện trong chức năng chăm sóc, vật lý trị liệu, khám chữa bệnh, nghỉ dưỡng... gắn liền Ngự Y, Thượng Thiện ở bên trong Hoàng thành.

Lầu Tứ Phương Vô Sự là trường học đặc biệt dành cho các hoàng tử, công chúa, về văn chương, cầm kỳ thi họa, và cả cung kiếm... Có thể xây dựng nơi đây thành một không gian bảo tàng giáo dục khoa cử cung đình độc đáo, văn phòng phẩm cao cấp, gắn kết chức năng thưởng lãm cổ vật, trang phục, thư họa, văn chương, triết học, nhất là ẩm thực cung đình, nghệ thuật diễn xướng thính phòng...

Vùng nằm giữa đường Đoàn Thị Điểm - Đặng Thái Thân và Phùng Hưng là dấu tích Trường Bá Công (Trường Kỹ Nghệ Thực Hành sau này), nổi danh với nghề mộc, nề và cơ khí. Từ nền tảng này, có thể kiến tạo không gian phát triển nghề thủ công độc đáo phục vụ nhu cầu hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, trùng tu di tích, phục chế di sản văn hóa...

Ở mặt Tây - đường Lê Huân, có cửa Chương Đức dành cho quý bà chốn hậu cung (Cung Diên Thọ, Thọ Ninh, Trường Ninh...). Định vị một số không gian - địa chỉ độc đáo bên trong, xây dựng quy chế mở cửa Chương Đức gắn liền Cầu Đất - Chợ Cầu Đất, quy hoạch thành trục đường gắn liền các hoạt động biểu diễn thời trang, đèn lồng, hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là những sản phẩm đặc trưng dành riêng cho phụ nữ.

Tái hiện tinh thần Lý Thiện (ẩm thực cung đình Huế) bởi một tác phẩm nghệ thuật bằng đá kể lại câu chuyện này. Tìm về một số gia đình có tiền nhân từng làm ở Ty Lý Thiện, Thượng Thiện, Thượng Trà để đưa tinh thần ẩm thực cung đình Huế vào một số nhà hàng Huế trong khu vực này. Vệ tinh cho Lý Thiện (có thể mở rộng dọc đường Lê Huân và những tuyến đường ngang, qua đến Nguyễn Trãi) sẽ là không gian văn hóa ẩm thực Huế đặc sắc.

Từ Lý Thiện, với cội nguồn ẩm thực truyền thống từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước, cần thiêng hóa nhiều hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan xanh, hoạt động lễ nghi, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp sạch gắn liền Đàn Xã Tắc, ruộng Tịch Điền - Trường Canh Nông.

Tinh thần xã hội hóa sẽ đóng vai trò chủ đạo, mang lại sức sống cho phố đi bộ Hoàng thành, cả ngày lẫn đêm. Thành phố Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đóng vai trò trung tâm kết nối, điều phối để tụ hội các đơn vị, các doanh nghiệp và cá nhân sở đắc di sản nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật tạo hình, các trò chơi dân gian - cung đình, văn hóa ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ, sách báo - văn phòng phẩm, cổ vật, hoa trái,... ở những không gian công cộng, công trình, cửa hiệu cụ thể, đảm bảo giao thông, mỹ quan, vệ sinh môi trường. Tất cả đều được quy hoạch hài hòa, hợp lý với những tiêu chí cụ thể từ đơn vị tư vấn, làm thành quy chế, quy tắc: hình khối, diện tích, kích cỡ, màu sắc, chất liệu, âm thanh, họa tiết trang trí, ý nghĩa biểu tượng... đảm bảo tính hài hòa, hợp lý trong khu di sản theo quy định của Luật Di sản, của UNESCO.

Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Uy nghi điện Thái Hòa

Sau 3 năm tập trung cao nhất có thể các nguồn lực về tài chính, nhân lực…, điện Thái Hòa - trái tim của Hoàng thành Huế, đã chính thức trở lại đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) năm nay.

Uy nghi điện Thái Hòa
Góp ý dự thảo “Hướng dẫn chuyên môn về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn”

Ngày 27/9, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo “Hướng dẫn chuyên môn về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn” (gọi tắt là Hướng dẫn). Tham dự có lãnh đạo Cục Dân số, lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục Dân số, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh viện đa khoa 19 tỉnh, thành phố…

Góp ý dự thảo “Hướng dẫn chuyên môn về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn”
Kiến nghị bổ sung nhiều nội dung vào các dự án luật

Dự kiến, các dự án Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Kiến nghị bổ sung nhiều nội dung vào các dự án luật
Khởi động chương trình Giáo dục di sản

Tô màu di sản và trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế với họa tiết truyền thống Việt Nam của triều Nguyễn là các hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Giáo dục di sản” năm 2024 do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và tổ chức GEKE (Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức) hợp tác triển khai. Chương trình được tổ chức tại điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế và miễn phí toàn bộ đối với trẻ em.

Khởi động chương trình Giáo dục di sản

TIN MỚI

Return to top