Công nhân thi công các hạng mục cảnh quan phố đêm Hoàng Thành. Ảnh: Ngọc Thắng
Ban đầu, trong thời gian gọi là thí điểm, TP. Huế chỉ chọn làm tuyến đường Lê Huân và đường 23 tháng 8. Nghe thông tin mô tả đã thấy hết sức hấp dẫn. Không gian ở khu vực này đã đẹp – có những hàng cây cổ thụ, có những bức tường cổ rêu phong, có những hồ nước; có sen, có hoa có thảm cỏ… Nơi này về đêm lại càng lung linh huyền ảo nhờ thêm ánh đèn. Đến đây mà cứ rảo bước, chầm chậm… để “ cảm thật sâu” không gian ấy thì có thể nói là quá tuyệt vời!
Nhưng đến đây đâu chỉ để rảo bước! Nghe mô tả thêm - có các chương trình văn nghệ, biểu diễn, quảng diễn, ẩm thực, mua sắm… như thế cũng đã là phong phú, đa dạng. Xem ra các phố đêm tây ta gì đều thế cả.
Phố đêm – tất nhiên là phải đi bộ. Cho nên có gọi là phố đêm hay phố đi bộ thì đều được cả. Như vậy, bắt đầu từ năm 2022, TP. Huế đã có 3 phố đêm – 3 phố đi bộ. Mỗi phố là một khu vực gồm nhiều tuyến đường. Khởi thủy là phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, tiếp đến là phố đêm Chu Văn An (tạm gọi là vậy vì đây là khu vực có nhiều con đường). Giờ là phố đêm Hoàng Thành.
Cũng xin nói rằng, ba tuyến phố nói trên tất thảy đều có nhiều lợi thế. Phố Nguyễn Đình Chiểu thì ven sông Hương, giáp cầu Trường Tiền nổi tiếng. Nhìn qua bên kia sông là chợ Đông Ba, công viên Thương Bạc giờ đã chỉnh trang rất đẹp. Phố đêm Chu Văn An được đặt trong một không gian được gọi là sầm uất nhất Huế với đủ loại hình dịch vụ; đã có bề dày phát triển. Mật độ khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, của hàng bán đồ lưu niệm… tập trung dày đặc là một lợi thế để thu hút khách và các loại hình dịch vụ phát triển. Chính vì vậy, khỏi cần lo phố này vắng khách nếu không có chuyện dịch bệnh xảy ra. Nhưng rồi dịch bệnh, hy vọng cũng sẽ qua đi chứ không thể kéo dài mãi.
Còn phố đêm Hoàng Thành thì như trên đã mô tả.
Phố đêm là một sản phẩm du lịch. Nếu nó đặc sắc thì trở thành một phần quan trọng của kinh tế đêm. Thời gian qua, các chuyên gia kinh tế và chuyên gia du lịch nói nhiều đến khái niệm kinh tế đêm. Có người ước tính nó có thể tạo ra khoảng 40-50% mức chi tiêu của khách. Ở Huế, những năm qua, ước tính mức chi tiêu của khách du lịch là khoảng 1 triệu đồng/ lượt khách (lấy doanh thu chia cho tổng số lượt khách). Như vậy, nếu con số ước tính nêu trên là chính xác, thì kinh tế đêm cũng tạo ra trên mỗi khách ít nhất là 400 ngàn đồng !?
Phố đêm, có thể chiếm một tỷ lệ cao trong mức chi tiêu này! Ví dụ như ở Singapore chưa nói đến nhà hát, chỉ đi xem chương trình nhạc nước hoặc du thuyền trên vịnh Marina, du khách cũng đã tốn “bộn tiền”. Nếu sản phẩm phố đêm hấp dẫn, phong phú, đa dang, không gian rộng mở hơn thì, chẳng những nó có ý nghĩa về đêm mà còn có thể lan tỏa đến ban ngày. Tức là thêm một yếu tố có khả năng neo chân du khách dài ngày hơn. Trước đây, người ta bảo Huế đi ngủ sớm thì giờ đây yên tâm đến Huế có nhiều chỗ để chơi, để thưởng thức rồi!
Nhưng có một điều cũng cần lưu ý. Phàm cái gì giống nhau thì có tính cạnh tranh nhau, thậm chí là cạnh tranh mang tính loại trừ? Tất cả các loại hàng hóa, các sản phẩm dịch vụ… đều như thế cả. Cạnh tranh có cái hay là để nâng cao chất lượng. Ai không tự nâng cao chất lượng thì cũng đồng nghĩa với việc tự mình rời khỏi cuộc chơi! Nhưng vì đây là sản phẩm của Huế, của du lịch Huế nên cũng cần tính toán, mỗi nơi có những sản phẩm riêng biệt để tránh cạnh tranh đối đầu. Như thế, sẽ tiết kiệm được nguồn lực (dù là của nhà nước, của doanh nghiệp hay của người dân) đầu tư.
Xem ra, những định hướng ban đầu của phố đêm Hoàng Thành cũng là một sự khác biệt với hai khu phố đêm (phố đi bộ) nói trên. Hy vọng, mỗi nơi có những tính chất khác biệt, có sức hấp dẫn của riêng mình để du khách có nhiều lựa chọn khi đến Huế.
Nguyên Lê