ClockThứ Sáu, 10/04/2020 13:15

Sông Bồ lại đau - kỳ 1: Lời kêu cứu của dòng sông

TTH - Khoảng đầu tháng 2 Âm lịch trở lại, sông Bồ tiếp tục “chảy máu” khi liên tục bị sa tặc rút ruột. Dư luận đặt câu hỏi về vai trò của chính quyền địa phương, của lực lượng chức năng, cũng như nghi vấn về đường đi của cát khai thác trái phép…

Liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều đò lén lút khai thác cát trái phép trên sôngĐã xử lý 20 đối tượng khai thác cát, sạn trái phép trên sông BồĐiều tra “công trường cát” trái phép trên sông Hương

Một đoạn bị xói lở khu vực Thanh Lương 2​

Không đóng cọc, đổ đá xuống sông làm hàng rào như người dân Lại Bằng 2 (P. Hương Vân – TX. Hương Trà) hồi đầu tháng 5/2019, nhưng việc bà con ở P. Hương Xuân và P. Hương Văn (TX. Hương Trà) chặt tre thả xuống sông Bồ làm vật cản ngăn “sa tặc” vươn vòi đủ để chứng minh nạn khai thác cát trái phép đang tiếp tục diễn ra...

Mất cả ngàn mét đất do “sa tặc”

Sông Bồ 3h sáng 5/4. Khi tất cả đang chìm trong tĩnh mịch, thì đoạn sông ngang qua khu vực các phường: Tứ Hạ, Hương Văn, Hương Xuân (TX. Hương Trà) và 2 xã: Quảng Thọ, Quảng Phú (huyện Quảng Điền) vẫn nghe được tiếng lao xao, tiếng va đập, tiếng bì bõm ngụp lặn trong lờ mờ bóng thuyền, bóng người.


Cảnh khai thác cát trái phép trên sông Bồ rạng sáng 5/4

Là “sa tặc”. Không phải 1, mà 2 - 3, thậm chí có khúc sông san sát đến 5 - 6 thuyền với sức chứa từ 5 - 15m3. Thuyền nhỏ dùng tời cùng sức người đưa cát từ lòng sông lên, thuyền lớn "có điều kiện” thì dùng máy hút gắn giảm thanh cắm thẳng vòi xuống đáy sông. Cứ thế, cát từ lòng sông ồng ộc trào lên cho đến khi “no”, lần lượt từng chiếc thuyền mới nổ máy rời đi trong vội vã.

Đây không phải là chuyến khai thác cát trái phép duy nhất trong đêm của từng thuyền, cũng như, không phải là ngày đầu tiên “sa tặc” khai thác cát trái phép ở khúc sông này. Sau khi UBND tỉnh ngừng cấp phép khai thác cát sỏi, đóng cửa các mỏ cát, siết chặt công tác kiểm ra, đẩy đuổi những đối tượng khai thác cát trái phép, tình trạng sạt lở phía thượng nguồn sông Bồ giảm rõ rệt.

Clip cảnh khai thác cát trái phép trên sông Bồ rạng sáng 5/4

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, khoảng đầu tháng 2 Âm lịch, từ thượng nguồn sông Bồ, “sa tặc” chuyển địa bàn hoạt động khi kéo về khúc sông ngang qua khu vực các phường: Tứ Hạ, Hương Văn, Hương Xuân (TX. Hương Trà) và 2 xã: Quảng Thọ, Quảng Phú (huyện Quảng Điền). Hậu quả là hai bờ sông Bồ, đoạn ngang qua khu vực nói trên, bị sạt lở hàng trăm mét. Nặng nhất là đoạn ngang khu vực Thanh Lương 2 (P. Hương Xuân – TX. Hương Trà) khi 2 bên bờ có khúc mỗi bên đã bị "ngoạm" vào hơn 25m.

Để giữ đất, giữ nhà và cả tính mạng, hàng chục người dân tiếp tục thâu đêm canh giữ, đẩy đuổi sa tặc; đồng thời, chặt hàng trăm gốc tre thả sát mép sông làm vật cản, ngăn không cho sa tặc vươn vòi ở những khu vực sạt lở. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, số tre “bo” dọc theo khu vực sạt lở đã bị sa tặc chặt phá để tiếp tục khai thác cát trái phép.


Một người dân P. Hương Xuân đau xót nhìn con sông Bồ ngày càng sạt lở nghiêm trọng

Ông Phan Huy Mân, người dân Thanh Lương 2, bức xúc: “Khúc sông ngang qua P. Hương Xuân trước đây chỉ rộng khoảng 50m. Bây giờ, sông đã được nới rộng thành khoảng 100m. Nghĩa là, mỗi bên đã bị “sa tặc” làm xói lở chừng 25m. Nếu tính ngang đoạn đi qua P. Hương Xuân, người dân nơi đây đã mất hàng ngàn mét đất do “sa tặc”.

Ngang nhiên, manh động

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cường, Trưởng Công an huyện Quảng Điền, công an huyện và các lực lượng chức năng đã lập đoàn liên ngành kiểm tra, đẩy đuổi sa tặc theo kế hoạch 1 tuần 3 lần. Chỉ trong quý I - 2020, lực lượng triển khai 45 đợt tuần tra, xử lý 14 vụ khai thác cát sỏi trái phép trên sông Bồ”, Thượng tá Nguyễn Văn Cường cho biết.

Về phía người dân, để ngăn chặn “sa tặc”, ngoài thả tre làm vật cản, mỗi đêm thường có hàng chục thanh niên thay nhau canh giữ bờ sông. Tuy nhiên, điều mà những người đang mất đất, mất tài sản do “sa tặc” gây ra cần là sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ hơn từ phía chính quyền.


Vận chuyển cát giữa ban chiều

“Hiện, khu vực chúng tôi ở đã sạt lở hơn 1 mẫu trong khi sự vào cuộc, phối hợp của chính quyền còn lỏng lẻo. Dù chúng tôi thường xuyên ngăn cản nhưng “sa tặc” rất liều lĩnh, tìm mọi cách để hút trộm cát cho bằng được”, ông Nguyễn Lương (TDP Thanh Lương 2) bức xúc.

Qua tìm hiểu, những đối tượng khai thác cát trái phép đa phần đến từ thôn Hạ Lang (Quảng Phú, Quảng Điền). Điều đáng nói, dù vi phạm pháp luật nhưng những đối tượng này rất manh động khi ngang nhiên “dằn mặt” người dân cũng như rất tinh vi khi nắm “đường đi nước bước” của lực lượng chức năng.

“Có lần, cán bộ huyện đến khảo sát tình hình sạt lở và trao đổi với một số người dân quanh khu vực này. Khi trở về, chúng tôi nghe tin nhà của một trong những người dân nói trên bị một số đối tượng ném đá, hư hại đồ đạc trong nhà”, ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền kể.

Clip vận chuyển cát trên sông Bồ giữa buổi chiều và cảnh sạt lở ở khu vực Thanh Lương (Hương Xuân - Hương Trà

Không chỉ khai thác cát trái phép vào ban đêm, trong những ngày đầu tháng 4, không ít lần vào tầm khoảng 4 - 5 giờ chiều còn xuất hiện đoàn thuyền cả chục chiếc chở đầy cát nối đuôi nhau thong thả xuôi sông Bồ mà không hề gặp phải sự kiểm tra của lực lượng chức năng cả ở trên bờ lẫn dưới sông.

Đến lúc này, dư luận đặt câu hỏi: Số cát vận chuyển giữa ban ngày nói trên từ đâu ra khi UBND tỉnh đã đóng cửa các mỏ cát? Và, điểm đến tiếp theo của số cát khai thác trái phép là ở đâu?

Bài, ảnh: Võ Nhân

Kỳ 2: Đường đi của cát lậu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ
Thơm trong một gói xôi đường

Cụ Hồ Văn Tá, Đội trưởng Đội Thượng thiện năm xưa có cháu nội là bà Hồ Thị Hoàng Anh nay là một nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng. Bà từng giới thiệu nhiều món ngon trên các trang sách ẩm thực, trong đó có món xôi đường.

Thơm trong một gói xôi đường
Return to top