ClockChủ Nhật, 26/05/2024 12:45

Bình yên cho môi trường mạng

TTH - Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, nạn lừa đảo trên không gian mạng còn gây bất an cho xã hội, làm xói mòn lòng tin trong cuộc sống…

Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi Cảnh báo lừa đảo bằng hình thức bình chọn cuộc thi ảnh trên mạng xã hộiCảnh báo lập giả trang mạng xã hội để kêu gọi từ thiện

Các ngân hàng thường xuyên gửi cảnh báo lừa đảo đến khách hàng. Ảnh: Bảo Phước 

“Bạn đã đủ điều kiện hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN)” - Tin nhắn gửi đến điện thoại đúng thời điểm đang chờ hoàn thuế, kích vào thấy hiện “Cổng dịch vụ công quốc gia”. Nghĩ bữa nay có lẽ tất cả đều làm việc qua mạng, vì mới đi làm cái đăng ký tạm trú cho người nhà, cũng phải khai báo trên VneID; lý lịch tư pháp cũng vừa được thông báo làm qua VneID; và vừa lúc sáng này thôi, đi công chứng mấy văn bản giấy tờ ở UBND phường, cũng buộc phải đăng ký qua cổng trực tuyến… vậy là tôi vô tư vào “Cổng dịch vụ công quốc gia” khai báo theo yêu cầu.

Hoàn tất khai báo, vừa nhấn “Gửi”, tiền hoàn thuế đâu không thấy về mà lập tức thấy bao nhiêu tiền trong tài khoản bị rút sạch! Biết ngay là dính chiêu lừa đảo, tôi lập tức liên hệ tổng đài hỗ trợ để khóa tài khoản ngân hàng, không thì không biết sẽ còn xảy ra điều gì nữa.

Sau phút trấn tĩnh, tôi quyết định đến đến ngay cơ quan công an để trình báo. Không mong lấy lại được tiền đã mất, mà ít ra cũng để báo cho cơ quan chức năng biết thêm một chiêu trò, thủ đoạn của kẻ gian để có giải pháp đấu tranh, phòng ngừa. Tiếp theo là làm việc với ngân hàng để hủy tất cả các loại thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thay mật khẩu tài khoản, cài đặt lại điện thoại để loại trừ mã độc…

Rất cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng, và thường căn dặn bạn bè, người thân, vậy mà bây giờ, bản thân mình lại bị “dính chưởng”. Tôi vừa tức, vừa giận bản thân, lại vừa xấu hổ không thể tả. Có ai ngờ đâu tin nhắn lừa đảo lại đến đúng “điểm rơi” như thế, khiến tôi dính bẫy “thao túng tâm lý” của bọn ăn cướp, mất của một cách đầy… ngu ngốc!

Làm việc với công an, mới biết thêm muôn hình vạn trạng thủ đoạn lừa đảo trên mạng, chúng không hề đứng yên mà “tùy biến” thay đổi rất tinh vi để nhử con mồi sập bẫy. Đồng chí công an còn cảnh báo tôi, có những cuộc điện thoại gọi đến, chỉ cần bấm nghe là lập tức bị chiếm quyền điều khiển, trong máy có gì là mất sạch. Nghe rất… ghê răng và vô cùng bất an!

Không nghe điện thoại lạ chào mời, dọa nạt…; Không nói mật khẩu, tài khoản, mã OTP, thông tin cá nhân…; Không sợ hãi khi có người tự xưng công an, cảnh sát đe dọa, hay báo tin người nhà đang bị tai nạn nằm viện…; Không hoa mắt trước những món quà miễn phí, lời chào mời việc nhẹ lương cao; Không làm theo yêu cầu của người lạ để cài đặt bất kỳ ứng dụng gì theo hướng dẫn của đối tượng hoặc kết bạn với người lạ… Đó là “5 Không” được khuyến cáo để bảo vệ mình, tránh bị lừa đảo trên không gian mạng.

Lừa đảo trên không gian mạng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Số liệu được cơ quan công an công bố tại Hội thảo phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng vừa diễn ra tại Hà Nội cho biết, năm 2023 trên cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Trong đó, có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, nạn lừa đảo trên không gian mạng còn gây bất an cho xã hội, làm xói mòn lòng tin trong cuộc sống  khi mà nhìn đâu cũng có cảm giác bị lừa đảo.

Thông tin rất đáng trông chờ là tại hội thảo nói trên, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và A05 cho biết, sắp tới sẽ cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng. Dự kiến, phần mềm sẽ chính thức ra mắt vào tháng 7/2024. Dẫu thế vẫn nghĩ, sẽ không bao giờ là an toàn tuyệt đối nếu mọi người lơ là mất cảnh giác, bởi có phần mềm bảo vệ nhưng chuyện hack phần mềm là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều mà mọi người mong chờ là làm sao lực lượng chức năng của ta có cơ chế phối hợp hiệu quả với lực lượng chức năng các quốc gia, truy xét, triệt phá và xử lý thật nghiêm khắc những kẻ thủ ác, buộc chúng phải trả giá xứng đáng với hành vi gây ra để làm gương và răn đe các đối tượng khác, bảo vệ sự bình yên bền vững cho môi trường mạng.

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vì cuộc sống bình yên

Nhờ sự chung tay trong công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống tệ nạn, tố giác tội phạm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) phường Phước Vĩnh (TP. Huế), tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn ngày càng được đảm bảo.

Vì cuộc sống bình yên
Bình yên ở cơ sở

Mới đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức lễ ra mắt đi vào hoạt động các tổ bảo vệ an ninh trật tự (ANTT). Lực lượng này được xem là “chính quy” hoạt động có trách nhiệm, giữ bình yên ở cơ sở.

Bình yên ở cơ sở
Bình yên nơi làng An Truyền

Người Huế có niềm vui nho nhỏ tụ tập gia đình, họ hàng vào dịp cuối tuần, thể hiện được nét đẹp văn hóa thấm đẫm tình thân. Làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) vừa gần với trung tâm thành phố vừa gìn giữ được chất “làng quê yên bình”, không khí của phá Tam Giang trong lành là chọn lựa phù hợp cho một ngày nắng đẹp.

Bình yên nơi làng An Truyền
Mỗi người dân là một đại sứ du lịch

Huế luôn nỗ lực xây dựng và khẳng định là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Thế nhưng, thi thoảng vẫn còn những "con sâu" làm rầu "nồi canh", đặc biệt khi vụ việc được đẩy đi xa trên môi trường mạng.

Mỗi người dân là một đại sứ du lịch
Để cuộc sống thêm ý nghĩa và bình yên

Tùy theo chức trách, nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS )trong toàn lực lượng Công an tỉnh ai cũng ý thức được rằng, góp một phần công sức, việc làm nhỏ bé của mình để cuộc sống thêm ý nghĩa, vì sự bình yên cuộc sống người dân.

Để cuộc sống thêm ý nghĩa và bình yên

TIN MỚI

Return to top