ClockThứ Sáu, 27/08/2021 17:32

Thành lập tổ giám sát nổ mìn với sự tham gia của người dân

TTH.VN - Ngày 27/8, UBND xã Phong Xuân (Phong Điền) tổ chức buổi làm việc giữa Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm), đơn vị thi công là Công ty Khai thác đá Tân Việt Bắc, đại diện các hộ dân thôn Xuân Lộc, liên quan đến việc nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá nguyên liệu làm bụi bay về hướng nhà dân.

Tăng cường biện pháp kiểm soát và xác định hướng gió trước khi kích nổ mìnChăm lo cho người lao động trong mùa dịchKiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Công ty cổ phần xi măng Đồng LâmTiếp tục tháo gỡ, xử lý các vướng mắc tại mỏ đá Đồng Lâm - bài 2: Giải pháp hài hòa quyền lợi, phát triển bền vững

Như Thừa Thiên Huế Online đã thông tin, trong các ngày 23 và 24/8, các hộ dân thôn Xuân Lộc cho rằng, việc nổ mìn tại mỏ đá nguyên liệu của Công ty Đồng Lâm làm bụi vượt ra khỏi đê bao số 2 của khu mỏ, bay vào nhà dân. Sau khi phản ánh, người dân đã vào khu vực mỏ đá, ngăn cản sản xuất, chặn phương tiện vận tải, ảnh hưởng đến hoạt động tại khu vực này.

Yêu cầu có giải pháp hạn chế tối đa mức ảnh hưởng

Mỏ đá nguyên liệu của Công ty Đồng Lâm 

Theo biên bản tại buổi làm việc ngày 27/8, đại diện các hộ dân yêu cầu Công ty Đồng Lâm đứng ra nhận lỗi về vụ việc nổ mìn vào ngày 23/8 đã phát tán bụi tại đê bao số 2, hướng bụi bay vào nhà dân thôn Xuân Lộc. Yêu cầu công ty chấn chỉnh về công tác nổ mìn tại mỏ đá vôi và phải có giải pháp hạn chế tối đa mức ảnh hưởng đến người dân.

Hiện tại, Đồng Lâm thường xuyên hỗ trợ tiền ảnh hưởng khói bụi cho các hộ dân với mức 400 nghìn đồng/tháng/khẩu, riêng tiền BHYT Đồng Lâm còn giữ lại khi các hộ dân chưa nhận, công ty này sẽ cộng thêm tiền lãi theo lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Trần Văn Lùa, một hộ dân nêu ý kiến: "Việc nổ mìn gây rung chấn làm nứt nẻ nhà cửa ngày một nghiêm trọng hơn nhưng việc đền bù chưa phù hợp. Công tác khảo sát bền bù hỗ trợ do nứt nẻ, xe chạy gây bụi, khoan khai mỏ đề nghị tính toán lại"... Ngoài ra, người dân còn kiến nghị sửa chữa các nhà bị nứt vì sắp đến mùa mưa bão; tăng cường thời gian tưới nước nhằm giảm bụi; thông báo thời gian nổ mìn cụ thể để người dân giám sát; hỗ trợ giếng nước bị khô do ảnh hưởng từ việc khai thác đá…

Tại cuộc họp, chính quyền địa phương xã Phong Xuân thống nhất thành lập tổ giám sát nổ mìn, thành phần gồm đại diện cán bộ xã và đại diện các hộ dân, có hỗ trợ chi phí cho đoàn giám sát. 

Sẽ thông báo tín hiệu để người dân cùng giám sát

Đồng Lâm đã hỗ trợ các hộ dân xử lý các hố sụt lún (Hoạt động diễn ra trước khi bùng phát dịch bệnh)

Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Đồng Lâm cho rằng, việc nổ mìn vào ngày 23/8, Đồng Lâm thừa nhận có bụi bay ra khỏi khu vực và hướng vào nhà dân. Tuy nhiên, người dân ra ngăn chặn sản xuất vào chiều 23 và sáng 24/8, ảnh hưởng đến sản xuất, gây tổn thất cho nhà máy.

Ông Phạm Phước Hiền Hòa cũng thống nhất ý kiến với chính quyền địa phương trong việc tổ chức đoàn giám sát công tác nổ mìn. Trường hợp nếu có bụi bay vào nhà dân, sẽ phạt 10 triệu đồng/lần. Chi phí này chuyển về cho UBND xã quản lý và chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng bụi. Việc khai thác trong phạm vi 150m vào mốc M12 vào mỏ về chủ trương của nhà máy là luôn tuân thủ theo đúng quy định.

Công ty Đồng Lâm khẳng định, sẽ triển khai các biện pháp như trước khi nổ mìn 30 phút, thông báo tín hiệu cho người dân biết để cùng giám sát. Tăng cường phương tiện tưới nước tại khu mỏ, giảm thiểu bụi. Công tác khảo sát rạn nứt nhà cửa, các giếng bị khô... sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, có hướng xử lý phù hợp.

Sau khi trao đổi, thống nhất với các bên liên quan, ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân yêu cầu Công ty Đồng Lâm thực tuân thủ những cam kết tại buổi làm việc. Người dân cử một đại diện tham gia đoàn giám sát việc nổ mìn cùng UBND xã và Đồng Lâm. Chi phí cho hoạt động này, phía Đồng Lâm sẽ chịu trách nhiệm chi trả.

Trước đó, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến các hộ dân, Công ty Đồng Lâm đã điều chỉnh khu vực khai thác tịnh tiến về phía đê bao số 3, tập trung tại trung tâm mỏ. Giảm lượng thuốc nổ tại các khu vực giáp đê bao xuống còn 1,5 tấn/bãi (giảm 50% so với quy định cho phép); áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong khoan nổ mìn, sử dụng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện-phương án nổ mìn tiến tiến nhất hiện nay, tuyệt đối không sử dụng phương pháp nổ mìn tức thời.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

TIN MỚI

Return to top