ClockThứ Năm, 03/11/2022 07:00

Công trình chợ Lăng Cô: Gây ngập úng khu dân cư

TTH - Nhiều hộ dân ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) gửi đơn đến Báo Thừa Thiên Huế phản ánh, việc thực hiện dự án chợ truyền thống Lăng Cô đã làm bịt hệ thống thoát nước, khiến người dân khốn khổ bởi tình trạng ngập úng nghiêm trọng kéo dài.

Quanh vườn nước ngập sâu mặc dầu đã qua đợt mưa lớn

Sống trong ngập úng và ô nhiễm

Dự án chợ truyền thống Lăng Cô được Ban quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 176/QĐ-KKTCN ngày 15/11/2019. Dự án do Hợp tác xã Đầu tư khai thác và quản lý chợ Nam Việt - Lăng Cô thực hiện trên diện tích đất gần 15.000m2 đất, tổng vốn đầu tư 215 tỷ đồng. Công trình hoàn thành trong 12 tháng.

Sau khi được cấp giấy phép xây dựng vào ngày 7/12/2020, dự án chợ tuyền thống Lăng Cô được triển khai thi công. Cũng từ đó đến nay, người dân sống gần dự án này khốn khổ vì tình trạng ngập úng nghiêm trọng kéo dài không được giải quyết.

Bà Lê Thị Dung (trú ở tổ dân phố An Cư Tân, thị trấn Lăng Cô) cho biết, trước khi dự án được triển khai xây dựng, gia đình bà và người dân sống xung quanh chợ được chính quyền và chủ đầu tư mời họp. Tại cuộc họp, người dân bày tỏ lo ngại việc xây dựng chợ sẽ gây ngập úng do đường thoát nước của khu dân cư lâu nay sẽ bị bịt kín. Người dân kiến nghị, dự án phải đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước trước khi xây dựng các hạng mục công trình.

Trước kiến nghị của người dân, lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc và chủ đầu tư dự án hứa sẽ triển khai xây dựng hệ thống cống thoát nước để giải quyết nguy cơ ngập úng rồi mới triển khai xây dựng chợ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mặc dù dự án đã triển khai trong thời gian dài, các khối công trình bê tông đã được hình thành, nhưng hệ thống cống thoát nước vẫn chưa được xây dựng. Mỗi lần mưa lớn là nhà tôi bị ngập úng nghiêm trọng, có khi nước ngập sâu vào nhà đến 1,5m. Do nước không có đường thoát nên mỗi đợt ngập úng kéo dài từ 10 đến 15 ngày.

Theo ghi nhận của phóng viên, đến những ngày cuối tháng 10/2022, mặc dù đã gần nửa tháng kể từ đợt mưa lũ giữa tháng 10/2022, nhưng khu đất nơi gia đình bà Dung sinh sống nước vẫn chưa rút hết. Khu vườn gần 3.000m2 của gia đình bà Dung và đường sá xung quanh vẫn chìm trong dòng nước đen ngòm và bốc mùi khó chịu.

"Đợt mưa lũ vừa rồi nhà tôi bị nước ứ gây ngập đến hơn 1m. Nước ngâm dài ngày không thoát được nên gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề. Muỗi, côn trùng và các loài sinh vật khác phát triển mạnh dễ gây ra dịch bệnh, nhất là với trẻ em và người già, trong đó chồng tôi đã 85 tuổi bị bệnh nặng sốt rét kéo dài không di chuyển được", bà Dung buồn nói.

Tình trạng ngập úng nghiêm trọng kéo dài do dự án chợ truyền thống Lăng Cô gây ra không chỉ khiến gia đình bà Dung khốn khổ mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều hộ dân xung quanh dự án. Hộ bà Lê Thị Mến sống bên cạnh cũng chịu cực khổ vì bị ngập lụt và ô nhiễm; diện tích hoa màu bị ngập úng; nhà cửa bị lún và nứt.

Vẫn chờ những phương án tối ưu

Theo người dân, trong thời gian 2 năm nay, họ đã rất nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến UBND thị trấn Lăng Cô về tình trạng ngập úng, nhưng vẫn không được quan tâm giải quyết. Bên cạnh đó, người dân còn bức xúc việc thi công công trình chợ làm nứt nhà và tình trạng hệ thống cáp điện ngầm của dự án không bảo đảm an toàn gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Sau nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến UBND thị trấn Lăng Cô nhưng không mang lại kết quả, người dân đã gửi đơn đến UBND huyện Phú Lộc. Trên cơ sở đơn thư của người dân, vào ngày 13/10, UBND huyện Phú Lộc đã có văn bản chỉ đạo UBND thị trấn Lăng Cô vào cuộc. UBND huyện Phú Lộc yêu cầu UBND thị trấn Lăng Cô khẩn trương kiểm tra, rà soát, đề xuất phương án giải quyết và báo cáo UBND huyện ngày 21/10.

Ông Vương Đình Tuân, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, theo phương án xây dựng, dự án chợ truyền thống Lăng Cô có đầu tư hạng mục cống thoát nước để vừa thoát nước cho khu vực dự án cũng như khu dân cư xung quanh. Tuy nhiên, đến nay hệ thống cống thoát nước này vẫn chưa được triển khai xây dựng. Nguyên nhân khiến hệ thống thoát nước chưa được xây dựng là do… nhà thầu đang phải thi công các hạng mục chính. Hệ thống cống thoát nước chủ đầu tư cho biết sẽ triển khai xây dựng, nhưng khi nào triển khai thì bản thân ông không rõ.

Ông Tuân cho biết thêm, trước thời điểm xảy ra bão số 4 năm nay, chủ đầu tư dự án đã yêu cầu nhà thầu tạo một đường rãnh tạm thời để thoát nước cho khu vực dân cư xung quanh. Tuy nhiên sau đó đường rãnh này bị bồi lấp bởi cát, khiến nước không thoát được. Đến ngày 25/10, chính quyền địa phương và người dân đào tạm thời một con mương thoát nước. Tuy nhiên, về lâu dài ông Tuân cho biết sẽ yêu cầu chủ đầu tư sớm làm hệ thống thoát nước bài bản để không làm ảnh hưởng đến các hộ dân.

Về phản ánh việc thi công công trình làm nứt nhà dân và rò rỉ điện từ hệ thống cáp điện ngầm của dự án không bảo đảm an toàn trong mừa mưa bão, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô - Vương Đình Tuân cho biết, vấn đề này đã được chính quyền thị trấn báo cáo UBND huyện để có phương án chỉ đạo giải quyết.

Bài, ảnh: Thái sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

Trong một báo cáo ngày 28/2, Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới đã tạo ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị vào năm ngoái và lượng rác thải này ước tính sẽ tăng thêm 2/3 vào năm 2050, đồng thời cảnh báo về những tổn thất nặng nề đối với sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị
Đất san nền khu dân cư lẫn nhiều đá

Nhiều khối lượng đất san nền Dự án hạ tầng kỹ thuật (HTKT) Khu dân cư OTT4 thuộc khu E - đô thị mới An Vân Dương nằm trên địa bàn phường Thủy Dương và xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) bị lẫn nhiều đá tảng khiến nguy cơ ảnh hưởng chất lượng nền móng sau này.

Đất san nền khu dân cư lẫn nhiều đá

TIN MỚI

Return to top