ClockThứ Năm, 01/12/2016 05:56

Lỏng lẻo trong quản lý khai thác đất sét

TTH - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ khai thác đất sét vượt quá khối lượng quy định, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Hậu quả từ việc khai thác đất sét tại Hương Thọ (Hương Trà) khiến mặt ruộng nham nhở, tạo ra những hố sâu nguy hiểm

Lạm dụng khai thác

Với “danh nghĩa” nạo vét, cải tạo lòng hồ Bàu Cừa, xã Hương Vân (Hương Trà) để tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, một số doanh nghiệp đã đưa máy móc lấy đi khối lượng lớn đất sét. Quá trình vận chuyển đất sét cũng gây tình trạng ô nhiễm môi trường, phá nát những con đường nội đồng, đường liên xã, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ông Châu Văn An, Chủ tịch UBND phường Hương Vân cho rằng, do địa bàn rộng, việc quản lý của chính quyền địa phương khó khăn. Hơn nữa, lực lượng kiểm tra mỏng, lại không được thường xuyên, nên có tình trạng doanh nghiệp khai thác quá khối lượng quy định để bán.

Tại xã Lộc Tiến (Phú Lộc) cũng xảy ra tình trạng tương tự, khi nhiều diện tích đất ruộng lúa đã bị tư nhân đưa phương tiện đến khai thác đất sét. việc làm này không chỉ phá nát đồng ruộng của người dân, mà còn tạo những hố sâu nguy hiểm. Ông Huỳnh Tấn Tam, Giám đốc HTX Trung Tiến cho biết: “Đầu tháng 7/2016, HTX Trung Tiến có tờ trình xin chủ trương về cải tạo đất ruộng lúa sang trồng rau má, kết hợp tận thu nguồn đất sét bên dưới. Đề nghị này được UBND xã Lộc Tiến đồng ý chủ trương, cho phép cải tạo và lấy đất sét”. Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, chủ trương cải tạo mặt ruộng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hợp lý, nhưng khi các thủ tục chưa trình huyện, HTX đã cho xe múc, xe tải vào lấy đất. Việc làm này người dân có ý kiến và UBND xã đã kiểm tra, đình chỉ buộc HTX phải hoàn trả lại mặt bằng.

Lợi dụng việc cải tạo, nạo vét hồ nuôi cá cho các hộ dân, một số địa phương cũng để xảy ra tình trạng khai thác đất sét bừa bãi. ở thôn Lương Miêu (cũ), xã Dương Hòa (Hương Thủy) cũng để xảy ra tình trạng trên. Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa cho biết: “Cải tạo, nạo vét hồ nuôi cá phục vụ việc lập trang trại của người dân thì chính quyền địa phương rất hoan nghênh. Đây là điều kiện thuận lợi cho người dân bị ảnh hưởng việc di dân hồ Tả Trạch phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Ngay sau khi phát hiện, việc lợi dụng cải tạo để khai thác đất sét, chính quyền đã phối hợp với Ban Quản lý dự án hồ Tả Trạch lập biên bản đình chỉ, không để tình trạng kéo dài”.

Không khó để trả lời câu hỏi, vì sao nguồn đất sét lại trở nên bức thiết đến như vậy? Đó là, do nhu cầu sản xuất gạch của các nhà máy trên địa bàn tỉnh quá lớn. Hơn nữa, nguồn lợi nhuận cao hơn gấp hàng chục lần xử phạt, nên rất nhiều “đầu nậu” đi săn lùng đất sét để bán cho các nhà máy gạch. Thấy lợi, nhiều nông dân bất chấp rủi ro cũng sẵn sàng bán đất mặt ruộng cho các “đầu nậu”. Đến khi, việc khai thác ồ ạt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân mới hốt hoảng “cầu cứu” chính quyền địa phương.

Tăng cường, siết chặt quản lý

Thống kê của Phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện có 17 điểm mỏ đất sét được UBND tỉnh quyết định phê duyệt quy hoạch phân vùng hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, có 6 điểm được cấp phép khai thác tập trung ở các địa phương: Hương Phong (Hương Trà), Lộc Trì, Lộc An (Phú Lộc), Phong An (Phong Điền), Thủy Bằng (Hương Thủy), A Ngo (A Lưới); trong đó, chỉ còn 2 điểm còn có hiệu lực khai thác là A Ngo (A Lưới) và Lộc An (Phú Lộc), những điểm còn lại đã hết thời hạn. Trên địa bàn tỉnh đang tồn tại 10 nhà máy gạch tuynen, trong đó chỉ có 3 nhà máy được tỉnh cấp mỏ nguyên liệu. còn lại không có mỏ đất sét.

ông Cái Văn Vinh, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi chỉ quản lý, theo dõi những điểm khai thác đất sét đã được UBND tỉnh quy hoạch, cấp phép. Đối với những điểm khai thác nhỏ lẻ, trách nhiệm do chính quyền cơ sở quản lý. Những vụ việc ở Bàu Cừa, xã Hương Vân (Hương Trà), Lộc Tiến (Phú Lộc), thôn Lương Miêu (cũ), xã Dương Hòa (Hương Thủy) là những điểm có đất cần cải tạo, di dời, nên chính quyền địa phương theo dõi, quản lý”. 

Một người dân ở Hương Trà bức xúc, việc khai thác đất sét trên địa bàn không phải chính quyền địa phương không biết. Vấn đề ở đây là cần làm rõ, có sự bao che, làm ngơ của chính quyền địa phương và các đơn vị, ban, ngành hay không. Khai thác có quy hoạch, có giấy phép, lại được giám sát kỹ, thì khó để xảy ra tình trạng lợi dụng để khai thác vượt khối lượng cho phép. Người dân chúng tôi rất mong, chính quyền địa phương và ngành chức năng vì quyền lợi của người dân, kịp thời ngăn chặn, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm khai thác vô tội vạ tài nguyên khoáng sản nói chung và đất sét nói riêng.

Đất sét là một trong những tài nguyên, song với mức xử phạt như hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức răn đe, nên các đối tượng vẫn cố tình vi phạm. Vì vậy, bên cạnh tăng mức xử phạt, cần xử lý trách nhiệm đối với các địa phương để buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong xử lý; nhằm kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.   

Ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc:

Tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với chủ tịch UBND cấp xã

Tuy đã luôn nỗ lực cố gắng ngăn chặn, nhưng thời gian gần đây tình hình khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra trên địa bàn huyện, làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, gây nguy cơ mất an toàn đến một số công trình kỹ thuật, thất thu ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân, do sự quản lý của các cấp chính quyền, đơn vị liên quan còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, không kịp thời; công tác kiểm tra chưa thường xuyên, xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm thực hiện chưa triệt để và thiếu cương quyết. Ngoài yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn và các tổ chức cá nhân thực hiện nghiêm túc để sớm khắc phục, hậu quả, UBND huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với chủ tịch UBND cấp xã trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Ông Phan Văn Đáng, Chánh Thanh tra môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tự ý bán đất sét là hoàn toàn sai trái

Sắp tới, chúng tôi cùng phối hợp với các phòng, ban liên quan để tiến hành kiểm tra toàn bộ nguyên liệu ở các nhà máy sản xuất gạch tuynen. Riêng ở xã Hương Vân (Hương Trà), chúng tôi đã phối hợp với Cảnh sát Môi trường cùng chính quyền địa phương kiểm tra hai lần để nắm tình hình. Quan điểm cũng như chủ trương, đối với những điểm khai thác đất sét không có giấy phép đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu các xã tự ý cấu kết với các cá nhân và doanh nghiệp bán đất là hoàn toàn sai trái. qua kiểm tra, thanh tra, chúng tôi cũng đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, chứ không riêng gì khai thác đất sét.

Phong Anh

Bài, ảnh: Tâm Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác thị trường du lịch y tế

Nhu cầu du khách nước ngoài đến Việt Nam để kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và khám, chữa bệnh rất cao. Với thương hiệu y tế của cả đông - tây y và đặc điểm yên bình của Huế, du lịch Cố đô có thể đầu tư khai thác thị trường tiềm năng này.

Khai thác thị trường du lịch y tế
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV:
Cần bổ sung quy định về hành lang an toàn mỏ

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, chiều 5/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Cần bổ sung quy định về hành lang an toàn mỏ
Khai thác tiềm năng du lịch đường sông

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch đường sông ở Huế phát triển vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tài nguyên hiện có. Thiếu dịch vụ, hạ tầng giao thông, thiếu liên kết trong phát triển du lịch đường sông là những trở lực khiến du lịch đường sông chưa thể bứt phá.

Khai thác tiềm năng du lịch đường sông
Return to top