ClockThứ Ba, 20/07/2010 20:29

Mục đích để khơi thông dòng chảy và phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân

TTH - Vừa qua, Báo Thừa Thiên Huế nhận được ý kiến của một người dân phản ánh việc khai thác cát ồ ạt tại cửa biển Tư Hiền, khiến tình trạng xâm thực của biển đối với đất liền ngày càng mạnh. Biển xâm thực không chỉ tàn phá nhà cửa, cây cối, ngư lưới cụ, phương tiện đánh bắt hải sản mà còn ảnh hưởng trực tiếp tính mạng của người dân. Người dân 2 thôn Hải Bình (Lộc Bình) và Hiền An 2 (Vinh Hiền) là người phải gánh chịu hậu quả của việc khai thác cát này... Sự việc có như người dân đã phản ánh?

Ông Hoàng Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết, nguyên trước đây, cửa biển Tư Hiền rất rộng. Hàng năm, cát bồi lấp làm cho cửa biển Tư Hiền ngày càng bị thu hẹp dần, khiến người dân khó khăn trong việc ra biển đánh bắt thủy, hải sản. Thuyền, gọ máy đi qua cửa biển thường bị gãy chân vịt, láp và nhiều lần bị chìm thuyền. Tại nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân đề nghị nạo vét cát tại cửa biển để nhân dân ra khơi được dễ dàng, thuận tiện hơn.

Hơn nữa, năm 2009, thực hiện chủ trương tái định cư cho dân thủy diện ven biển và đầm phá, xã Vinh Hiền đã có 127 hộ lên định cư trên bờ; trong đó có 98 hộ tập trung, 29 hộ xen ghép. Quá trình triển khai xây dựng nhà tại khu định cư tập trung, nhu cầu về cát xây dựng là bức thiết. Từ những đề xuất, kiến nghị và nguyện vọng thiết thực của người dân tái định cư thủy diện ven biển, đầm phá, UBND xã Vinh Hiền đã đồng ý để người dân thu bớt một số cát biển ở ngoài múi doi phía đông cửa biển Tư Hiền (địa phương có thu lệ phí). Nhờ vậy, cửa biển Tư Hiền được mở rộng hơn, người dân được hưởng lợi cát trong quá trình xây dựng nhà.


Doi cát tại cửa biển Tư Hiền, nơi người dân đang được phép khai thác

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác cát, do quản lý về mặt địa bàn cách trở, nên có một số phương tiện khai thác không đúng địa điểm. Hiện nay, chính quyền địa phương đã cử người giám sát việc khai thác cát, chỉ cho phép khai thác ở doi cát nhô ra cửa biển. Đến nay, khu định cư đã xây dựng hoàn thành, nên việc khai thác cát đã giảm. Ngày nhiều cũng khoảng 5 đến 7 xe, khoảng gần 10m3 cát. Việc người dân phản ánh khai thác cát dẫn đến biển xâm thực là không đúng, bởi trước đây khi không khai thác cát, biển cũng đã xâm thực. Đây là hiện tượng thiên nhiên, khó có thể ngăn chặn, trừ khi xây kè chống xói lở và xâm thực. 

Ông Lê Túy, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết thêm, năm 2007, UBND xã Lộc Bình có chủ trương cho khai thác cát tại cửa biển Tư Hiền (phía Lộc Bình) nhằm mục đích lấy cát xây dựng và khơi thông dòng chảy cho cửa biển Tư Hiền. Năm 2009, xác định lại ranh giới địa chính thì tất cả các bãi cát ở cửa biển Tư Hiền đều thuộc xã Vinh Hiền, vì vậy, UBND xã Lộc Bình đã chấm dứt việc cho khai thác cát nơi này. Hiện nay, việc cho người dân khai thác cát hoàn toàn do xã Vinh Hiền quản lý. Xã Lộc Bình chỉ quản lý việc vận chuyển cát, bởi xe chuyên chở đi qua địa phận xã Lộc Bình. Tất cả các xe vận chuyển cát qua địa bàn xã Lộc Bình đều phải cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không được để cát rơi vãi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nếu rơi rớt, các chủ xe phải dọn dẹp vệ sinh đường hàng ngày. Việc người dân phản ánh xã Lộc Bình cho phép khai thác cát là không đúng.
 
Việc khai thác cát đúng nơi, đúng chỗ vừa đem lại cho lợi ích người dân trong việc xây dựng vừa khơi thông dòng chảy cho cửa biển Tư Hiền là điều nên làm. Bởi, khơi thông dòng chảy cho cửa biển Tư Hiền có tác động rất tích cực đến môi trường nước cho đầm phá Tam Giang, tạo điều kiện để người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy, hải sản. Tuy nhiên, vấn đề khai thác cát phải được địa phương xã Vinh Hiền quản lý chặt để không xảy ra tình trạng khai thác bừa bãi, gây nên tác động xấu như đơn thư đã phản ánh.
 
Bài và ảnh: Hải Huế - Quỳnh Anh
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm rõ thêm một số kiến nghị của tiểu thương chợ Khe Tre

Tại sao mặt hàng may mặc không được kinh doanh ở địa điểm cũ; chính quyền huyện Nam Đông không hồi đáp kiến nghị của một số tiểu thương; nguyên nhân cháy chợ không được công bố công khai… là những thắc mắc mà bạn đọc gửi đến Báo Thừa Thiên Huế.

Làm rõ thêm một số kiến nghị của tiểu thương chợ Khe Tre
CƠ SỞ PHẾ LIỆU TẠI HƯƠNG THỦY GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG:
Di dời mới là giải pháp lâu dài

Chuyện các cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu trong khu dân cư trên địa bàn TX. Hương Thủy bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường (ONMT) và nguy cơ cháy nổ không mới. Dù chính quyền đã rất nỗ lực, nhưng với nhiều lý do, việc di dời các cơ sở này đến khu vực quy hoạch đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Di dời mới là giải pháp lâu dài
Ngấm ngầm mua bán trái phép hóa đơn

Dù ngành chức năng đã có những giải pháp để ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép hóa đơn (HĐ), nhưng vấn nạn này vẫn âm ỉ xảy ra trong đời sống xã hội.

Ngấm ngầm mua bán trái phép hóa đơn
DỰ ÁN KHU DU LỊCH SUỐI VOI:
Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai

Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai các hạng mục công trình, chứng minh năng lực tài chính. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành giai đoạn 1, 2 đưa vào hoạt động trong năm 2024.

Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai
XUNG QUANH VIỆC BÀ HOÀNG THỊ KIM ÁNH KHIẾU NẠI GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN ĐỂ QUÁ THỜI HẠN:
Vụ việc đang được Tòa án nhân dân TP. Huế thụ lý

Vừa qua, Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn khiếu nại của bà Hoàng Thị Kim Ánh (Căn hộ B-1107, tầng 11, chung cư The Manor Crown, Tố Hữu, Xuân Phú, TP. Huế) liên quan về việc giải quyết đơn thư tố cáo của công dân để quá thời hạn theo quy định của Luật Tố tụng hình sự.

Vụ việc đang được Tòa án nhân dân TP Huế thụ lý
Return to top