Các lô bạ có thu phí trước mặt chợ Tây Lộc ảnh hưởng đến việc buôn bán của các lô trong chợ
Tiểu thương trong chợ gặp khó
Theo tiểu thương hàng giày dép chợ Tây Lộc, họ đã buôn bán ở chợ từ hơn 10 năm nay. Hàng tháng đều đóng các khoản thuế, phí cho chợ.
Từ cuối năm 2017, xuất hiện nhiều lô bạ, trong đó, có lô bán giày dép ở góc đường Nguyễn Trãi-Thân Trọng Một. Ban đầu, lô này còn bán ở 1 góc nhỏ vỉa hè, ngoài khuôn viên chợ. Nhưng sau phình to dần và bán toàn hàng mới như trong chợ (không phải hàng cũ). Do không phải nộp các khoản thuế, phí nên bán phá giá (?), khiến chị em tiểu thương trong chợ không thể bán được hàng.
Bà Phan Thị Hải, tiểu thương hàng giày dép chợ Tây Lộc cho biết, bà thuê lô trong chợ với diện tích 2m2, giá 4 triệu đồng/năm. Ngoài ra bà phải đóng các thuế môn bài, thuế thu nhập và các khoản phí như: điện thắp sáng lô chợ, tiền bảo vệ đêm, tiền vệ sinh... thêm hơn 5 triệu đồng mỗi năm. Nay, bán ế ẩm, không đủ chi phí.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương, tiểu thương hàng giày dép chợ Tây Lộc thông tin: Ngoài lô hàng này, trước mặt chợ còn tồn tại nhiều lô áo quần đồ bành, bán thêm giày dép. Theo bà Sương, doanh thu của tất cả các hàng giày dép trong chợ hiện nay giảm sút đến 70% so với trước đây.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài các lô trong khuôn viên chợ Tây Lộc, còn có 47 lô hàng bạ trước mặt cổng chợ có thu phí (từ 15h đến khi tan chợ). Theo đó, các lô hàng này chỉ được bán hàng áo quần đồ bành (hàng đã qua sử dụng). Tuy nhiên, lợi dụng việc được buôn bán, nhiều hộ đã kinh doanh thêm các mặt hàng như giày dép, thắt lưng, áo quần mới... ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các lô hàng trong chợ.
Phối hợp giải quyết
Ông Nguyễn Như Hảo, Trưởng BQL chợ Tây Lộc cho rằng, BQL chợ không có thẩm quyền xử phạt và lập biên bản hành chính đối với hành vi vi phạm về giao thông, trật tự đô thị ở khu vực vỉa hè các tuyến đường tiếp giáp xung quanh chợ. Lô hàng ở ngã ba đường Nguyễn Trãi - Thân Trọng Một cũng vậy, BQL chợ chỉ xử lý được việc vi phạm phía trong dây xích (khuôn viên chợ) còn ngoài vỉa hè thì không thuộc chức năng của BQL chợ mà thuộc chức năng của UBND phường Tây Lộc.
Ngược lại, ông Lê Quý Phương, Chủ tịch UBND phường Tây Lộc khẳng định: UBND phường thường xuyên phối hợp với Công an phường tổ chức kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm lòng đường các tuyến đường xung quanh chợ. Riêng lô bạ ở ngã ba Nguyễn Trãi - Thân Trọng Một nói riêng và các lô bạ khác nói chung tồn tại trên vỉa hè khu vực chợ nên trách nhiệm đẩy đuổi thuộc về BQL chợ theo Quyết định 3320/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2018 của UBND TP.Huế.
Ông Nguyễn Thanh Trị, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Huế cho biết, để tồn tại lô bạ trên vỉa hè tiếp giáp chợ trách nhiệm trước mắt thuộc về BQL chợ Tây Lộc. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các bên (UBND phường, Công an phường và BQL chợ) chưa hiệu quả nên để xảy ra vấn đề tồn tại. Riêng hợp đồng thuê lô của 47 lô hàng trước mặt chợ, BQL chợ phải kiểm tra lại mặt hàng có đúng ngành hàng đã đăng ký không. Nếu sai phải thu hồi lô.
Hiện nay, UBND TP. Huế đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc mà BQL chợ gặp phải; đồng thời yêu cầu UBND phường Tây Lộc, Công an phường Tây Lộc phối hợp với BQL chợ Tây Lộc để giải quyết.
Quy định phân công, phối hợp quản lý về trật tự đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Huế ban hành kèm theo Quyết định số 3320/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2018 của UBND TP. Huế đã nêu rõ: BQL các chợ Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc, Bến Ngự, Trường An, Kim Long, Vỹ Dạ, Chợ Xép chịu trách nhiệm công tác đảm bảo trật tự đô thị trong khuôn viên và khu vực vỉa hè tiếp giáp các chợ...
Bài, ảnh: Hải Huế