ClockThứ Bảy, 21/08/2021 13:06

Vài suy nghĩ quanh chuyện cháy rừng

TTH - Đạn lân tinh phát nổ làm cháy rừng thì có thể là bất khả kháng, nhưng còn những vụ cháy có nguyên nhân từ con người thì sao?

Kịp thời dập tắt vụ cháy rừng ở Phong HiềnTập trung chống hạn, cảnh giác nguy chơ cháy rừng7 vụ cháy rừng xảy ra trong một ngày

Một mảng đồi thông Từ Hiếu bị cháy cách đây chưa lâu

“28 vụ cháy, trong đó có 11 vụ cháy rừng trong 7 tháng đầu năm, làm thiệt hại 12 tỷ đồng”, thông tin từ sơ kết 7 tháng đầu năm 2021 của Ban chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ được tổ chức dịp thượng tuần tháng 8, khiến nhiều người giật mình khi bầu trời vẫn không một gợn mây, và nắng thì vẫn như thiêu như đốt!

Bên tai vẫn đang còn lùng bùng cái thông tin 28 vụ cháy với 11 vụ cháy rừng trong 7 tháng đầu năm thì ngay sau hội nghị sơ kết, nghe tiếng xe chữa cháy hú còi thảng thốt, liên tục nhiều chuyến hối hả chạy lên miệt phía tây. Chắc là lại cháy rừng rồi. Và quả là không sai: Hôm ấy, chỉ trong 1 ngày, Thừa Thiên Huế xảy ra 7 vụ cháy rừng: TP. Huế 3, Phong Điền 2, Nam Đông và TX. Hương Trà mỗi đơn vị 1 vụ!

Lực lượng PCCC và các lực lượng khác của địa phương đã phải huy động hết công suất để dập lửa. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đích thân đến hiện trường để kiểm tra, động viên, đôn đốc. Các đám cháy cuối cùng cũng đã được khống chế, tuy nhiên nhiều diện tích rừng thì đã mất đi và phải nhiều năm nữa mới có thể khôi phục.

Nguyên nhân của các vụ cháy rừng được rút ra ngoài do đạn lân tinh từ thời chiến tranh sót lại phát nổ thì chủ yếu đều do người dân bất cẩn khi thắp hương, đốt vàng mã ở các khu nghĩa địa; hoặc phát dọn, đốt thực bì gây ra.

Đạn lân tinh phát nổ thì đúng là bất khả kháng bởi không thể lường được tọa độ của vụ nổ, nổ lúc nào để chủ động ứng phó, nhất là phát nổ ở vùng rừng sâu, địa thế hiểm trở, khó tiếp cận.

Rác thông tích tụ thành lớp dưới chân các khu đồi ở phía tây thành phố

Nhưng còn những vụ cháy có nguyên nhân từ con người thì sao? Không cần nói nhiều thì ai vẫn có thể khẳng định: Hoàn toàn có thể hạn chế được. Bằng cách nào? Bằng cách tuyên truyền, giải thích, vận động mọi người phải cảnh giác, thực sự có ý thức đề phòng “củi lửa” vào mùa hanh khô nắng nóng. Tuyên truyền vận động nhưng còn phải kết với chế tài thích đáng. Vô tình hoặc cố ý làm cháy, gây thiệt hại tài nguyên rừng, thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người khác thì phải bồi thường, thậm chí bị phạt tù tùy theo mức độ vi phạm. Những vụ việc bị xử lý như thế rất cần loan tin rộng rãi, bởi chúng cũng sẽ có tác dụng tuyên truyền, răn đe rất lớn.

Các vụ cháy còn có thể được kéo giảm đáng kể nếu chúng ta quan tâm dọn rác, đặc biệt là rác thông. Gọi là rác chứ thực ra đó là lá thông khô, rụng. Trước đây, khi đời sống còn khó khăn, rác thông là thứ chất đốt được săn đón nhiệt tình. Rất nhiều gia đình sắm những chiếc cào được bện bằng những sợi thép thật rộng bản, hàng ngày kéo nhau lên các đồi thông “càn quét”, thu nhặt về trữ, hoặc bán để làm chất đốt. Bị săn đón nhiệt tình bởi rác thông là loại chất đốt rất nhạy cháy và cháy rất đượm, lại còn sạch sẽ thơm tho nữa. Rác cào về chẳng cần phải mất công phơi phong xử lý gì, cứ chất đống vậy, khi cần dùng là cứ lôi ra đun. Các đồi thông do vậy được sạch boong, trong lúc chờ lớp rác thông khác, nhiều người còn phải chuyển qua bứt bổi (tức là cắt các loại cây bụi lộn xộn mọc ở vùng đồi núi) mang về phơi khô, cũng có thể làm được chất đốt. Sau này, đời sống càng ngày càng dễ chịu. Rác thông không còn mấy ai đi thu nhặt nữa. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, dưới chân các cánh rừng thông, rác thông tích tụ thành lớp, rất dày. Loại này gặp trời hanh khô, chỉ cần dính một tàn lửa là sẽ lập tức bùng cháy và lan nhanh chẳng khác gì xăng dầu bắt lửa. Vô phúc gặp thêm gió phơn thổi về nữa thì càng không trở tay kịp.

Cho nên, nếu trước mỗi mùa nắng nóng, dọn được rác thông chắc chắn sẽ hạn chế được cháy rừng. Tất nhiên, dọn toàn bộ là hơi viển vông, bởi khó có thể có đủ nhân lực cho hàng ngàn ha rừng. Song, dọn ven các khu nghĩa trang, ven các khu dân cư thì nếu tính toán cách tổ chức, chúng tôi nghĩ là hoàn toàn có thể. Về lâu dài, nếu có cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị khoa học nào nghiên cứu cách tận dụng rác thông để phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống, thành công và ứng dụng được thì càng bền vững, càng tuyệt vời.

Hỏa hoạn thường để lại hậu quả rất nặng nề, và cháy rừng thì hậu quả có khi là không thể đong đếm.

Hẳn mọi người còn chưa hết bàng hoàng với những vụ cháy rừng khủng khiếp ở Mỹ, Úc và một số quốc gia khác thời gian gần đây gây thiệt hại vô kể về người và tài sản, để lại hệ lụy tồi tệ đối với môi trường. Cháy đến mức phương tiện hiện đại, lực lượng chữa cháy, cứu hộ hùng hậu, hiện đại và chuyên nghiệp của các cường quốc có lúc cũng phải bất lực. Ví dụ gần nhất là vụ cháy rừng ở phía Nam bang Oregon - Mỹ. Bùng phát hôm 6/7, vụ cháy rừng rất nhanh chóng bao phủ một diện tích lên đến 976 km2, lớn hơn cả TP. New York, trở thành thảm họa cháy rừng lớn thứ 5 tại Oregon kể từ năm 1900, buộc 2.000 người phải sơ tán, 5.000 ngôi nhà bị đe dọa… Gần hơn nữa là thảm họa cháy rừng tại Hy Lạp bùng phát hôm 10/8, dữ dội nhất là đám cháy trên đảo Evia - hòn đảo lớn thứ 2 của Hy Lạp khiến hầu hết cư dân ở đây phải di tản khẩn cấp. Vụ cháy rừng khiến Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis phải thốt lên: Hy Lạp đang phải đối mặt với “cơn thịnh nộ của tự nhiên chưa từng có tiền lệ!”.

Thừa Thiên Huế, tuy chưa có những vụ cháy rừng ở mức quá khủng khiếp, nhưng thiệt hại về tài nguyên, môi trường, hao tốn sức người, sức của là không thể xem thường. Chỉ tính riêng vụ cháy tại 3 tiểu khu 150, 151, 152 do Ban Quản lý rừng phòng hộ TX. Hương Thủy quản lý thôi cũng đã khiến hơn 1.500 người thuộc các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm, Lâm nghiệp, dân quân tự vệ và người dân phải chiến đấu cật lực từ trưa 28/6 đến 1/7 mới dập hết lửa. Trong thời gian đó, đám cháy đã kịp thiêu rụi 213 ha rừng, trong đó 165ha rừng thông tự nhiên và 48ha rừng keo tràm của các hộ dân.

Bài, ảnh: HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự hào về truyền thống hào hùng của quân đội

Chiều 9/12, Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với Trường tiểu học Thuỷ Xuân (TP. Huế) tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 60 năm Ngày truyền thống BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế với hơn 800 người tham gia.

Tự hào về truyền thống hào hùng của quân đội
Diễu hành xe tuyên truyền “Đưa thông tin về cơ sở”

Sáng 9/12, đoàn xe tuyên truyền của các huyện Phú Lộc, Nam Đông, Phú Vang, thị xã Hương Thủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức diễu hành chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế (15/12/1964 - 15/12/2024).

Diễu hành xe tuyên truyền “Đưa thông tin về cơ sở”
Cảnh giác với bệnh Whitmore

Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas Pseudomallei) đã bị lãng quên, nhưng mới đây đã có trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Cảnh giác với bệnh Whitmore

TIN MỚI

Return to top