Virus Zika là một virus RNA (arbovirus) thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae, được lây truyền qua vết cắn của muỗi Aedes bị nhiễm. Tên của virus lấy tên của khu rừng Zika, gần hồ Victoria ở Uganda, nơi đã được tìm thấy đầu tiên vào năm 1947.
Nhiễm virus Zika không có triệu chứng điển hình và tương tự như một dạng nhẹ của bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt vàng da, có thể gây ra một hội chứng với sốt, phát ban, đau đầu và đau khớp, giới hạn vận động.
Nhiễm trùng có thể liên quan với nguy cơ của hội chứng Guillain-Barré ở bệnh nhân cũng như bệnh đầu nhỏ trong bào thai của người phụ nữ mang thai.
Theo thông báo mới nhất của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu đến ngày 09/02/2016 đã có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận vi rút Zika.
Hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh do virus Zika, tuy nhiên nguy cơ dịch có thể xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể.
Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố những bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa virus Zika với hai hội chứng rối loạn thần kinh. Đó là gây teo não ở trẻ sơ sinh và hội chứng làm tê liệt hệ thần kinh ở người lớn (thường gọi là Hội chứng tự miễn dịch Guillain-Barré).
Biểu hiện lâm sàng
Triệu chứng của nhiễm virus Zika không đặc hiệu nên cần phải chẩn đoán phân biệt rất rộng bao gồm: Các virus gây viêm khớp và phát ban khác như sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya, Parvovirus, Rubella, Enterovirus, Adenovirus, Alphaviruses, Sởi; Nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng như Leptospirosis, Rickettsia, nhiễm liên cầu nhóm A, sốt rét.
Với các dấu hiệu bệnh lý như khởi phát sốt nhẹ (37,8 - 38,5 °C), phản ứng viêm, phản ứng dị ứng có ban dát sẩn trên da, viêm kết mạc, viêm khớp (đặc biệt là các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân) hay gout.
Xét nghiệm
Các nhà khoa học tại Đức cho biết đã phát triển thành công một phương pháp xét nghiệm nhanh virus Zika.Theo đó, phương pháp xét nghiệm nhanh ADN để phát hiện xem bệnh nhân có bị nhiễm virus Zika hay không đã được phát triển thành công. Sau khi lấy máu xét nghiệm, phương pháp này sẽ cho kết quả chính xác chỉ trong 2 - 3 giờ.
Phòng bệnh
Hiện nay vắc xin phòng virus Zika trong giai đoạn đang thử nghiệm, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc phòng chống lây nhiễm chủ yếu thông qua kiểm soát các vector truyền bệnh nhằm hạn chế đi đến vùng lưu hành dịch Zika.
Tại vùng có dịch cần triển khai các biện pháp diệt muỗi như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước như các mảnh vỡ, lốp xe, vỏ lon, vũng nước đọng,… Đậy kín các chum, bể hoặc thả cá diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng bẫy, vợt. Các cá nhân trong vùng dịch áp dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn. Những nguyên tắc này cũng áp dụng đối với những người đã bị nhiễm bệnh nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm các vectơ mới.
Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm virus Zika.
Khuyến cáo người dân không nên đi du lịch đến các vùng đang dịch bệnh để tránh lây lan bệnh.
Ts.Bs. Nguyễn Đức Hoàng