Xe tải chở đất đá, che chắn bạt sơ sài trên đường Võ Văn Kiệt
Chưa được kiểm soát
Người dân sống dọc các tuyến đường này vẫn chưa quên vụ tai nạn xảy ra trưa 5/8/2017 trên tuyến đường Võ Văn Kiệt làm một nữ sinh tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định do xe tải chạy tốc độ nhanh, tông vào xe máy chạy cùng chiều dẫn đến vụ tai nạn thương tâm.
Bà Nguyễn Thị Thoa, một hộ dân sống ven đường cho biết: “Từ nhiều năm nay, người dân ở đây “sống chung” với cảnh xe tải chạy rầm rầm suốt ngày, bụi tung mịt mù, đất đá rơi vãi từ xe tải che chắn sơ sài tạo thành “lớp thảm” cát gây nguy hiểm cho nhiều phương tiện khác”.
Từ điểm cầu vượt Thủy Dương, chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi ghi nhận hàng trăm lượt xe chở đất, đá tràn ben, có dấu hiệu quá tải, che bạt “cho có” chạy dọc đường Võ Văn Kiệt rồi tỏa đi các hướng. Những xe này chở đất, cát tại các mỏ ở TX. Hương Thủy, vòng lên khu đô thị mới Đông Nam Thủy An để phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng ở những công trình gần đó.
Xe chở vật liệu rơi vãi trên đường, gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia lưu thông qua khu vực Đông Nam Thủy An
Chúng tôi đã bám theo xe mang BKS 75C.04762 đang chở đất tràn ben, bạt che sơ sài, chạy với tốc độ cao. Khi qua cầu Công Lương, mép cầu gồ ghề, xe không giảm tốc nên một lượng lớn đất đá đổ ra mặt đường. Tiếp tục, trên tuyến này, xe mang BKS 75C.00150 đang chở cát vòng vào xã Thủy Thanh, phục vụ cho một công trình trên địa bàn. Trên đường đi, xe này rơi vãi nước và cát lỏng xuống đường, trách gì bụi không tung mịt mù ở tuyến đường này!
Ở giữa tuyến đường này, tại công trình Nhà máy xử lý nước thải TP. Huế đang thi công cũng có hàng chục xe tải vận chuyển đất từ đây ra chạy dọc theo Tỉnh lộ 10 phục vụ san lấp một số công trình ở các xã thuộc huyện Phú Vang. Những xe tải chở đất từ khu vực này ra đều chạy với tốc độ cao, che chắn bạt sơ sài và thường chở tràn ben.
Tại tuyến Quốc lộ 1A- đường tránh Huế, tình trạng xe qua tải chở vật liệu từ những mỏ đất, đá trên địa bàn các xã phía Tây TP. Huế gây rơi vãi ra mặt đường cũng gây ô nhiễm môi trường, mất ATGT cho các phương tiện lưu thông tại đây. Để tránh nguy cơ tai nạn, bảo vệ tuyến đường, hàng ngày, công nhân Công ty CP Xây dựng và quản lý Đường bộ Thừa Thiên Huế phải phân công lực lượng túc trực để quét, gom đá hai bên đường.
Cần sự phối hợp các ngành, địa phương
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Gia thông vận tải (GTVT) cho rằng, hiện nay hầu hết các tuyến đường xe tải được phép lưu thông đều xảy ra tình trạng xe chở quá tải trọng, chạy tốc độ cao, che bạt sơ sài gây ô nhiễm môi trường, mất ATGT.
UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và Thanh tra giao thông (TTGT) tập trung giải quyết vấn đề này; trong đó đã ban hành Kế hoạch số 60 từ tháng 1/2017, phân công, phân cấp các ngành thực hiện việc kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh.
“8 tháng đầu năm 2017, lực lượng TTGT đã tiến hành lập biên bản 447 trường hợp vi phạm ATGT, ra quyết định xử phạt gần 600 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu các lỗi như xe quá tải 21 trường hợp, phạt 392,5 triệu đồng; cơi nới thùng hàng 108 trường hợp phạt 108,3 triệu đồng; xe rơi vãi 5 trường hợp phạt 10 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 10 trường hợp; phối hợp với lực lượng CSGT lập biên bản 4 trường hợp, phạt 170,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4 trường hợp”, ông Võ Hoài Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, thông tin.
|
Ông Võ Hoài Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho rằng, mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền, yêu cầu các chủ phương tiện viết cam kết không vi phạm; các cơ sở đăng kiểm trên địa bàn tỉnh nâng cao tinh thần trách nhiệm, kiểm tra kỹ càng tình trạng kỹ thuật của phương tiện khi đăng kiểm và lực lượng TTGT tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các phương tiện nhưng tình trạng xe quá tải, vi phạm trật tự ATGT nhưng tại một số tuyến vẫn không giải quyết dứt điểm.
“Nguyên nhân vấn đề này là do sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn mang tính hình thức. Các mỏ đá, mỏ đất đều được địa phương quản lý. Chúng tôi chỉ xử lý khi phương tiện lưu thông trên đường; trong trường hợp muốn vào các mỏ kiểm tra thì cũng phải liên ngành với các đơn vị khác mới thực hiện được”, ông Nam lý giải.
Ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.6 (Cục Quản lý Đường bộ 2, Bộ GTVT) thông tin, tình trạng xe quá tải từ các mỏ đá chở vật liệu gây rơi vãi trên tuyến đường tránh Huế là vấn đề nhức nhối hiện nay. Xe quá tải chủ yếu chạy từ km15 trên tuyến đường này đến khu vực cầu Tuần, gây rơi vãi lớp đất đá bên đường tạo thành lớp. Lực lượng của các hạt quản lý đường bộ (thuộc Công ty CP Xây dựng và quản lý Đường bộ Thừa Thiên Huế) phải sử dụng máy xịt đẩy đá hai bên đường chứ công nhân quét không xuể!
Ông Linh cũng cho rằng, lực lượng thanh tra của chi cục cũng thường xuyên tuần tra, xử lý tại khu vực này. Tuy nhiên, khi đơn vị ra quân thì chỉ xử lý được một hai xe đầu tiên do các tài xế thông báo cho nhau ngừng chạy.
“Trong cuộc họp mới đây giữa TX.Hương Thủy với các đơn vị liên quan về giải quyết tình trạng xe quá tải, chi cục cũng đã đề xuất với các cơ quan chức năng các giải pháp như chính quyền địa phương cần có chế tài, yêu cầu các doanh nghiệp mỏ đá cam kết không chở tràn ben, che chắn đầy đủ; các nhà thầu tại các công trình cần có sự quản lý đối với các phương tiện bằng cách cấm các phương tiện chở quá khổ, quá tải vào công trình. Nếu địa phương, chủ đầu tư vào cuộc quyết liệt như cam kết, quản lý ngay từ khâu các phương tiện rời mỏ, vào công trường thì sẽ giải quyết được tình trạng này”, ông Linh khẳng định.
Bài, ảnh: Hà Nguyên