ClockThứ Năm, 23/01/2014 04:39

Biên tập viên không biết chữ (?!!)

TTH - Trong cuộc gặp gỡ đầu năm 2014 của Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế ngày 17/1/2014 vừa qua, nữ nhà văn Hà Khánh Linh giơ cao một cuốn sách dày, bảo: “Các bạn chú ý, đây là cuốn tiểu thuyết mới của Linh có tựa đề là Những dấu chân của mẹ, NXB Văn học ấn hành năm 2013. Đây là cuốn thứ ba trong bộ tiểu thuyết ba tập của Hà Khánh Linh viết về chủ đề Cố đô Huế trong chiến tranh cách mạng Người Kinh đô cũ (2004), Lửa Kinh đô (2010), Những dấu chân của mẹ (2013). Nhưng thật buồn và thật đau khổ cho tôi là trong cuốn sách này, tất cả các chữ “vô” trong bản thảo đều bị biên tập viên chữa thành chữ “vào”…”

Chị Hà Khánh Linh cho biết, tôi không thể đếm bao nhiêu lỗi ngờ nghệch do biên tập viên chữa như thế. 100% chữ “vô” đều bị bỏ. Ví dụ: “vô tình” thì thành “vào tình”, vô cùng thành vào cùng, họa vô đơn chí thành họa vào đơn chí, vô phương thành vào phương; vô học thành vào học.v.v.. Thành ra đọc cuốn sách buồn cười đến khóc được.

Tôi mượn chị Hà Khánh Linh cuốn tiểu thuyết Những dấu chân của mẹ, lật qua lật về bìa sách, hóa ra đây là loại sách kỷ niệm 65 năm Nhà Xuất bản Văn học (1948-2013), Tủ sách Tác phẩm mới. Chịu trách nhiệm xuất bản là Nguyễn Anh Vũ, biên tập (và sửa bản in) là Thạch Toàn, in tại Công ty Cổ phần in Thiên Kim. Mở tiếp vài chục trang đầu tiên, tôi gặp những câu văn ngớ ngẩn do chữ “vô” bị biên tập viên sửa thành “vào”. Ví dụ trong bức thư nhân vật Đoan Thuận gửi Hoàng thân Bửu Toàn có câu Tôi vô cùng biết ơn ngài và luôn cầu mong ngài được bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc (tr. 23). Do sửa chữ “vô” thành chữ vào, câu văn bị biến thành: Tôi vào cùng biết ơn ngài…”. Nghĩa câu văn bị thay đổi theo chiều ngược lại. Sang trang 24 có câu: - Nếu mẹ Vĩnh Tuấn thương yêu chăm sóc được thì không gì tốt bằng. Anh vô cùng biết ơn… Do sửa chữ “vô” thành chữ “vào”, câu văn khi in thành sách bị biến thành “… Anh vào cùng biết ơn…”. Chỉ gặp hai câu văn bị sửa trên, tôi vô cùng ngán ngẩm, nên tôi tin chị Hà Khánh Linh nói đúng. Hôm đó, các nhà văn trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế có dịp đùa tếu: Vô tình, nghĩa là em không chú ý gì đến anh, theo cách biên tập của NXB Văn học thì nó thành trở “vào tình”, tức là anh đang vào em… Hay học sinh vô lễ, ông nội mắng học sinh vô học, thì học trò mừng lắm, vì các em hiểu như cách của NXB Văn học là ông bảo vào học…

Trong cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ gặp một biên tập viên nào mà không biết chữ “vô” như thế này. Ở Huế, ngày xưa, theo tục húy ky, chỉ có tên vua, tên bố mẹ vua, vợ vua… mới được đổi khi gọi. Còn dân thường, nếu cố nội, ông nội đã chết mà tên là vô thì do húy kỵ, khi gọi tên người ta cũng phát âm thành vào, thành vộ, nhưng hy hữu lắm. Chữ trong giọng nói người Huế cũng có nghĩa là vào nhưng người Huế chỉ nói vô, ít người nói vào. Nói vô đây, nghe ấm áp hơn vào đây. Biên tập văn chương Cố đô mà bỏ chữ vô, sửa thành chữ vào là không hiểu văn hóa Huế.

Thứ hai nữa, chữ vô của người Huế cũng như của người Việt Nam nói chung không chỉ có nghĩa là vào, mà còn có hàng trăm, hàng ngàn nghĩa khác, như vô tích sự, vô lễ, vô học, vô ơn, vô định, vô độ, vô chủ, vô duyên, vô khối, vô lý .v.v... Trong Từ điển tiếng Việt, in lần thứ hai có bổ sung, của Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1977, từ trang 859 đến trang 861, chữ “vô” có 99 nghĩa khi đi kèm với chữ khác. Những nghĩa đó nếu sửa thành vào là sai nghĩa, hoặc nghĩa ngược lại. Ví dụ như vô hiệu (nghĩa là không có tác dụng) thành vào hiệu (nghĩa là có tác dụng), vô tình nghĩa ngược với vào tình, vô đạo nghĩa ngược với vào đạo… Vì thế sai sót do bỏ chữ vô, thay bằng chữ vào trong tiểu thuyết Những dấu chân của mẹ là rất nghiêm trọng, chứng tỏ cán bộ biên tập không biết chữ Việt.

Ngô Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top